Ngỡ ngàng vì cách giải quyết của Tòa án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Trần Văn Dũng khẳng định nhiều công trình xây dựng của gia đình được xây từ hàng chục năm, không hề có tranh chấp với hàng xóm. Ảnh: K.H |
Xử đất của con, lấy luôn đất của bố
Sống cạnh nhau hàng chục năm trời, bất ngờ năm 2019, ông Trần Văn Dũng, thôn Lý Nhân, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị vợ chồng người hàng xóm liền kề là Phan Văn Sinh khởi kiện ra tòa về tranh chấp quyền sử dụng đất. Ông Sinh cho rằng, năm 1994 có mua của UBND xã Phú Xuân 159m2 đất ngay sau nhà ông Dũng.
Căn cứ vào đơn khởi kiện của ông Sinh, ngày 30-8-2019, TAND huyện Bình Xuyên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. HĐXX đi đến quyết định buộc vợ chồng ông Dũng phải trả cho vợ chồng ông Sinh 82m2 đất.
Không đồng tình, ông Dũng làm đơn kháng cáo. Ngày 12-1-2021, TAND tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên tòa phúc thẩm. Tại đây, HĐXX quyết định buộc vợ chồng ông Dũng phải trả vợ chồng ông Sinh 76,8m2 đất.
Các quyết định dựa vào 3 tài liệu chính gồm: “Phiếu thu số 03, ngày 4-8-1994 và Biên lai thu tiền mặt số 13, ngày 24-8-1994. Hai phiếu này ghi nội dung chung chung, không rõ nghĩa về vị trí đất. Tiếp theo là Biên bản xác định diện tích đất thổ cư nhân dân, ngày 3-8-1994. Thành phần trong biên bản này gồm: Bà Nguyễn Thị Lê, Phó chủ tịch UBND xã Phú Xuân; ông Phan Văn Quế, địa chính; ông Phạm Văn Đông, Trưởng khu 2 và chủ hộ là Phan Văn Sinh.
Biên bản được lập ra nhưng các thành viên trên không ký. Cuối biên bản, chỉ có một phó chủ tịch khác ký và đóng dấu nhưng người này không có mặt tại hiện trường. Đại diện chủ nhà ghi tên ông Phan Văn Sinh nhưng thực tế ông Sinh không có mặt vì đi làm ăn xa nên vợ ông là bà Tâm đứng ra ký thay.
Cả ba tài liệu này cho thấy không xác định được số ô, thửa cụ thể về vị trí đất cũng như thông tin cụ thể về việc mua, bán đất. Chẳng có dòng nào nói rằng đất ông Sinh mua đang nằm ở vườn nhà ông Dũng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2004, sau khi vào cuộc thanh tra một loạt vi phạm đất đai của lãnh đạo xã Phú Xuân thời điểm năm 1994, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên đã ban hành Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Nguyễn Văn Quang vì các vi phạm liên quan đến đất đai, trong đó có việc bán đất khu kho lương thực (cũ) không đúng sự thật, trái quy định của Nhà nước. Chi tiết quan trọng này lại không được hai cấp tòa xem xét tới.
Không có số ô, số thửa, mốc giới, vị trí đất… chứng minh việc giữa gia đình ông Sinh và UBND xã Phú Xuân mua, bán đất nhưng TAND huyện Bình Xuyên vẫn mời một công ty đo đạc về đo vẽ, đồng thời đưa ra nhận định, phần đất của ông Dũng đang sử dụng là 286m2, thừa so với GCNQSDĐ là 82m2. Như vậy, phần thừa này là của ông Sinh. Quan điểm này cũng được đại diện Viện KSND đồng cấp chấp thuận.
Đến phiên tòa phúc thẩm, ông Dũng đề nghị đo đạc lại diện tích đất gia đình mình. Sau khi TAND tỉnh Vĩnh Phúc cho người về đo đạc mới lộ ra sự thật rằng TAND huyện Bình Xuyên đo chẳng đúng chút nào, đất thừa nhà ông Dũng chỉ có 76,8m2 thôi.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tòa cấp sơ thẩm đã đo lẹm cả vào phần đất của bố ông Dũng là cụ Mai tới 5,2m2. Xử đất của con rồi lấy luôn đất của bố. Mặc dù TAND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng phải sửa một phần bản án sơ thẩm liên quan đến diện tích đất không đúng kia nhưng vẫn khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm xử: “có căn cứ”? Cũng như Tòa án cấp sơ thẩm, HĐXX Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng phần đất thừa 76,8m2 được gia đình ông Dũng sử dụng hàng chục năm nay thuộc về vợ chồng ông Sinh.
Theo bản đồ đang lưu giữ tại UBND xã Phú Xuân, đất kho lương thực cũ hiện lên tới 8.650m2. Nếu theo cách xử của hai cấp tòa, vợ chồng ông Sinh có thể đòi đất ở bất cứ đâu, miễn là thuộc về đất của kho cũ. Nếu cho rằng đất của hàng xóm liền kề cứ thừa là của nhà ông Sinh thì không chỉ trường hợp nhà ông Dũng, phía ông Sinh và vợ có quyền yêu cầu tòa lấy bất cứ đất của hàng xóm liền kề nào, chỉ cần phần đất đó của họ không nằm trong “sổ đỏ”.
Câu hỏi đặt ra ở đây, ông Sinh đang đòi tới 159m2 đất, vì sao hai cấp tòa chỉ xác định được đất của ông Sinh là 82m2 rồi 76,8m2? Phần diện tích đất còn lại đi đâu rồi? Vì sao gia đình ông Sinh cho rằng mình mua đất, có cả xác nhận của chính quyền xã mà vẫn không rõ phần đất của mình ở đâu, để rồi 82m2 cũng ừ, 76,8m2 cũng gật?
Ngỡ ngàng vì bị từ chối
Không đồng tình, ông Dũng gửi đơn tới TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 02/2021/DS-PT ngày 12-01-2021 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhận được đơn của ông Dũng, phía TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra Thông báo số 33/TB-TA: “Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị giám đốc thẩm” gửi tới ông. Thông báo ghi ngày ban hành 15-2-2022 nhưng đến tận ngày 21-3-2022 ông Dũng mới nhận được.
Ngay chiều ngày hôm sau, 22-3, ông cùng luật sư của mình có mặt tại trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội làm thủ tục bổ sung các giấy tờ như yêu cầu của tòa án tại Thông báo số 33/TB-TA. Lạ ở chỗ, cán bộ tiếp dân từ chối nhận tài liệu của ông và cho biết tòa đã có Thông báo số 40/TH-TANDCC-DS, ngày 25-1-2022 giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông.
Ông Dũng không khỏi ngạc nhiên trước cách giải quyết của TAND cấp cao tại Hà Nội khi một người ra thông báo mời công dân đến trụ sở tòa cung cấp tài liệu, còn người khác đã ban hành thông báo giải quyết từ trước đó. Nội dung Thông báo số 40/TH-TANDCC-DS, ngày 25-1-2022 của Tòa án ra sao ông cũng không được biết vì chưa được chuyển đến tay ông.
Liệu phía Tòa án có hiểu cho sự vất vả của hành trình gần 100km cả đi lẫn về cũng như bao kỳ vọng, niềm tin của người dân về sự công bằng đặt cả vào sự cầm cân nảy mực của TAND cấp cao tại Hà Nội? Chắc chắn, về thủ tục cải cách hành chính của ngành tòa án không có văn bản nào lại chéo ngoe, tốn thời gian của công dân như vậy.
Được biết, mới đây VKSND cấp cao tại Hà Nội đã có Giấy xác nhận việc nhận đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của ông Trần Văn Dũng. Nội dung Giấy xác nhận thể hiện: “Căn cứ quy định của pháp luật, đơn đề nghị trên thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND cấp cao tại Hà Nội”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại