Nghiêm cấm trục lợi trong việc xác nhận “hộ chiếu vắc xin”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMẫu hộ chiếu vắc-xin hiển thị trên ứng dụng PC Covid-19 |
Tại công văn số 2228 của Bộ Y tế về “hộ chiếu vắc-xin” gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nêu rõ: Ngày 19/4/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1975/BYT-CNTT về việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc-xin”.
Để đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin và “Hộ chiếu vắc-xin” khi tham gia tiêm chủng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nói trên thực hiện nghiêm việc quán triệt nhân viên y tế và các cán bộ thuộc quyền quản lý của đơn vị có liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và “Hộ chiếu vắc-xin” không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và xác nhận “Hộ chiếu vắc-xin”.
Giao Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng chủ động thực hiện truyền thông tới toàn dân được biết về quyền được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và “Hộ chiếu vắc-xin” khi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế quán triệt tới tất cả các tổ chức/cá nhân có liên quan không được gây khó khăn cho người dân trong việc cấp chứng nhận tiêm chủng và xác nhận "Hộ chiếu Vắc-xin", nếu để xảy ra các biểu hiện tiêu cực thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Việt Nam đã triển khai cấp hộ chiếu vắc-xin từ ngày 15-4. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến tối 15-4 Bộ Y tế đã cấp hộ chiếu vắc-xin cho khoảng 500.000 người dân.
Hộ chiếu vắc-xin điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.
Tính đến ngày 7-4, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau với 19 nước, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Theo Bộ Y tế, thời hạn của hộ chiếu vắc-xin điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới. Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vắc-xin mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. Quá trình này được thực hiện do các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng là đầu mối để ký số.
Người dân sẽ không được cấp hộ chiếu vắc-xin nếu các thông tin tiêm chủng sai sót, thiếu mũi tiêm, ngoài ra không cần thực hiện thêm thủ tục gì khác. Với người dân chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn.
Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến tổng đài của Bộ Y tế theo số 19009095 để phản ánh hoặc tư vấn các vấn đề liên quan đến hộ chiếu vắc-xin.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại