Chủ nhật 19/05/2024 06:50
Lùm xùm câu chuyện ca sĩ, nghệ sĩ làm từ thiện:

Nghệ sĩ làm từ thiện phải có trách nhiệm minh bạch trong các hoạt động xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dư luận mong những lùm xùm trong việc làm từ thiện của một số ca sĩ, nghệ sĩ tại TP HCM thời gian qua sẽ sớm được làm sáng tỏ, để việc làm từ thiện, chung tay giúp đỡ cộng đồng được lan tỏa nhiều hơn giữa đại dịch.

Cần sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ

Vấn đề lùm xùm chuyện ca sĩ, nghệ sĩ tại TP HCM làm từ thiện đã được Chánh Văn phòng Bộ Công an Trung tướng Tô Ân Xô trả lời báo chí bên lề buổi họp Chính phủ thường kỳ ngày 6-9, nhất là sau những ồn ào trong thời gian qua. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, hiện nay các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo nào về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ từ thiện. Trong khi đó, công an của các địa phương cũng chưa có báo cáo tập hợp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Trong bối cảnh hiện nay, dư luận quan tâm chú ý vấn đề này. Nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo trong quyên góp từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho CQĐT. Các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định”, Trung tướng Tô Ân Xô nói và nhấn mạnh: Khi chưa có thông tin tố giác, Bộ Công an vẫn sẽ chủ động nắm bắt thông tin. Nếu có dấu hiệu gây bất ổn xã hội, Bộ Công an sẽ chủ động vào cuộc điều tra làm rõ.

Liên quan đến vụ việc trên, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng cho hay, bộ này đang hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ. Văn bản này đã được gửi các cơ quan chức năng và 6 đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh và Hội Nhạc sĩ để để nghị tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo.

Đặc biệt, dự thảo cũng đưa ra Quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội. Theo đó, nghệ sĩ có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín của người nghệ sĩ trước công chúng và xã hội.

Ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết bộ quy tắc này chỉ là cái khung về quy tắc ứng xử, không phải văn bản có tính quy phạm pháp luật, do vậy sẽ không có các quy định liên quan đến chế tài xử phạt như “cấm sóng, cấm diễn”…Tuy nhiên đây sẽ là cơ sở để các bộ, ban, ngành xây dựng những quy tắc riêng cũng như ban hành các định chế riêng để áp dụng với thành viên, hội viên trực thuộc.

Có chế tài trong vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Xung quanh vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, quỹ xã hội, từ thiện của các tổ chức có tư cách pháp nhân, được Nhà nước cho phép hoạt động. Ngoài các tổ chức được Nhà nước cho phép, các tổ chức, cá nhân khác không được vận động từ thiện. Tuy nhiên, cá nhân được người khác tin tưởng giao tiền làm từ thiện thì đó là quan hệ dân sự, các bên tự thỏa thuận với nhau, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận đó. Chỉ khi nào có tranh chấp thì các cơ quan nhà nước mới can thiệp xử lý.

Do vậy, theo luật sư Nguyên, các tổ chức cá nhân khác không có quyền yêu cầu cá nhân phải công khai tài khoản của họ, mà chỉ những người tham gia gửi tiền mới có quyền đó. Sau những ồn ào liên quan đến việc từ thiện của các nghệ sĩ tại TP HCM… đã đến lúc cần phải ban hành Bộ quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ nói chung, chứ không chỉ có Bộ quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ trên không gian mạng để quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động phát ngôn, hoạt động từ thiện, hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ.

“Đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các quy định và chế tài đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và cần sửa đổi bổ sung kịp thời Nghị định 64/2008/NĐ-CP về kêu gọi, vận động, tiếp nhận từ thiện để mở rộng các đối tượng được phép thực hiện hoạt động kêu gọi từ thiện, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động ngay để tránh những tiêu cực có thể phát sinh”, luật sư Đinh Thị Nguyên kiến nghị.

Khi sửa đổi bổ sung Nghị định 64 cần quy định rõ những trường hợp nào thì tổ chức, cá nhân khác được phép kêu gọi, tiếp nhận, phân phát hàng, tiền cứu trợ; nội dung kêu gọi phải quy định thời hạn kêu gọi, mục đích từ thiện, thời gian tổ chức thực hiện hoạt động từ thiện, kinh phí cho việc tổ chức thực hiện, minh bạch số tiền tiếp nhận, số tiền phân phát bằng các sổ sách, chứng từ, có thể là cần phải có sự xác nhận của cơ quan chức năng.

“Các nghệ sĩ là người của công chúng nên những hành vi của họ trên mạng xã hội và cả ngoài đời thực có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, lối sống của công chúng. Bộ quy tắc ứng xử chỉ có giá trị định hướng hành vi của nghệ sĩ, chứ không có các chế tài như luật. Tuy nhiên, Điều 3 của Nghị định 144 về hoạt động biểu diễn đã nêu rõ những vấn đề khi tham gia nghệ thuật biểu diễn thì không được làm nên nghệ sĩ phải chấp hành các quy định của pháp luật”, ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động