Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền - cả cuộc đời gìn giữ trò chơi dân gian cho trẻ em
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền và các em nhỏ say sưa bên chiếc diều sáo truyền thống (Ảnh: NVCC) |
Cả cuộc đời dành tình yêu cho diều sáo
Ở xã Cao Viên, từ bao lâu nay, người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh con diều, tiếng sáo vi vu trong những buổi chiều hè lộng gió. Mỗi khi khách thập phương hỏi về thú chơi diều sáo và các trò chơi dân gian khác, người dân ai cũng chỉ đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền. Trong căn nhà nhỏ hẹp của nghệ nhân, không khó để bắt gặp những chiếc sáo diều và đèn kéo quân rực rỡ sắc màu.
Bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (SN 1939) vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho diều sáo. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, ông cho biết: “Chơi diều là trò chơi truyền thống từ xa xưa của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Khi còn nhỏ, thấy các cụ chơi diều sáo, mình chưa làm được nhưng cũng tập vót cật tre uốn làm sáo. Từ yêu thích đã trở thành đam mê lúc nào không hay”.
Theo quan niệm dân gian, thả diều là hình thức giao lưu âm dương, để con người đưa nguyện vọng đến các vị thần linh, chủ yếu là cầu mưa thuận gió hòa. Tiếng sáo diều du dương trầm bổng là báo hiệu đất nước thanh bình. Lúc thả diều, tâm hồn của con người cũng bay theo tiếng sáo, thanh thản về đời sống tinh thần.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ khâu khó nhất để làm ra một chiếc diều sáo là công đoạn làm sáo diều. Ông Quyền kể, ngày trước, phải chọn ống tre già, thật khô, thật nhẹ, giữa thân phải khoét lỗ. Hai đầu ống tre được gắn hai miếng gỗ và được đục lỗ, gọi là "miệng sáo". Miệng sáo bằng loại gỗ mềm, dai như gỗ mít và cũng được khoét lỗ. Kích thước, độ nghiêng của lỗ trên miệng sáo quyết định độ trầm bổng của mỗi chiếc sáo.
Ông nhấn mạnh thêm, sáo diều ở khu vực đồng bằng có sự khác biệt so với sáo diều ở vùng ven biển. Ở khu vực đất liền, thông thường người ta sẽ làm sáo đôi, nhiều hơn thì ba, năm, bảy ống sáo kết thành bè rồi gắn vào diều. Mỗi chiếc lại có độ trầm, bổng khác nhau để khi đón gió, chúng tạo thành bản nhạc du dương. Còn người dân vùng biển sẽ làm sáo bè với rất nhiều quả sáo có âm lượng lớn phối hợp với nhau để át đi tần số của sóng biển.
Bước ngoặt lớn nhất đến với nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền là vào năm 2007, khi ông được mời lên Bảo tàng Dân tộc học tham gia chương trình bảo tồn di sản trò chơi dân gian. Tại đây, ông là người hướng dẫn trực tiếp cho các khách du lịch và trẻ em làm các đồ chơi dân gian. Có những em nhỏ sau khi được ông hướng dẫn đã làm được chiếc đèn kéo quân đầu tiên trong đời. Nhiều em không giấu nổi niềm hạnh phúc và tự hào đã gọi điện về khoe gia đình ngay lập tức. Những hành động tự nhiên, cảm xúc chân thật của các em lại trở thành niềm động lực to lớn trong hành trình lưu giữ và phát triển các trò chơi dân gian truyền thống của người nghệ nhân già.
Trong quá trình tham gia sự kiện, được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền mới biết đằng sau thú chơi ấy là những câu chuyện văn hóa và giá trị di sản. Sau khi trở về quê nhà, ông Quyền đã vận động mọi người trong thôn, cũng như một số địa phương trên địa bàn huyện Thanh Oai có thú chơi diều sáo thành lập Câu lạc bộ Diều sáo huyện Thanh Oai.
Dù đã cao tuổi nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm đầu tiên của CLB. Ông bắt đầu tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn cách làm diều sáo, đèn kéo quân cho các em học sinh, khách du lịch tại các trường học, bảo tàng, trung tâm văn hóa,.. với mong muốn lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian đến thế thế hệ trẻ.
Đau đáu gìn giữ nét đẹp trò chơi dân gian
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền tích cực tham gia truyền dạy cách làm trò chơi dân gian tới các em nhỏ (Ảnh: NVCC) |
Diều sáo nói riêng và trò chơi dân gian nói chung là thú vui tao nhã, mang nhiều giá trị văn hóa dân gian, nhưng tiếc thay vì thời đại công nghệ số khiến nhiều bạn trẻ hiện nay dần quên lãng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chứng kiến những thăng trầm của các loại trò chơi dân gian này, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền tâm sự: ‘‘Từ ngày cơ chế thị trường bùng nổ, đồ chơi nhập ngoại tràn lan, mọi người mải mê kiếm tiền. Cùng với đó, vì làm thủ công tỉ mỉ và rất khó để sản xuất đại trà như nhiều mặt hàng đồ chơi nhập ngoại nên không hiệu quả về kinh tế. Một thời gian dài, đồ chơi làm bằng thủ công đã bị quên lãng, trẻ em có nhiều niềm vui khác với những thứ đồ chơi hình thức, mẫu mã đẹp, bắt mắt và hấp dẫn. Rất khó để các cháu say mê với những món đồ chơi dân gian truyền thống được làm thủ công’’.
Trong làng, hiện tại, rất ít người còn duy trì làm trò chơi dân gian thủ công. Nhưng, với niềm yêu thích với diều sáo, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn luôn cố gắng duy trì, gắn bó niềm đam mê của mình.
Ngoài diều sáo, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền còn đam mê làm đèn kéo quân, cũng là một đồ chơi dân gian xa xưa truyền lại. Hồi tưởng lại những kỷ niệm trong suốt sự nghiệp làm nghề của mình, ông không khỏi xúc động khi nhắc đến câu chuyện của một cụ ông 90 tuổi, quê Thái Bình đã nhờ cháu đèo đến tận huyện Thanh Oai, Hà Nội để mua đèn kéo quân vì nghe tin ở đây có bán đèn kéo quân truyền thống. Chính những kỷ niệm tưởng chừng như nhỏ bé ấy đã dệt nên tình yêu bao la của ông dành cho trò chơi dân gian truyền thống, thôi thúc ông trân quý, giữ gìn chúng như báu vật cuộc đời.
Thời gian gần đây, Trung Ương, chính quyền đã quan tâm và có chủ trương bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian. Điều này khiến ông Quyền rất phấn khởi. Các cơ sở văn hóa thường tổ chức các buổi hướng dẫn làm đồ chơi, trò chơi dân gian cho khách tham quan, các cháu thanh, thiếu nhi. Các trường học cũng mời ông tham gia hướng dẫn học sinh làm trò chơi dân gian. Nhờ vậy, tình yêu, sự đam mê của giới trẻ với những trò chơi này ngày càng lớn hơn, góp phần quan trọng vào việc phục hồi, phát triển trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.
Chia sẻ về mong ước của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền bày tỏ: “Tôi cũng đã già rồi, không biết còn làm nghề được bao lâu nữa. Mong muốn lớn nhất bây giờ là Đảng và chính quyền, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức xã hội, giới truyền thông và mạnh thường quân cùng chung tay với các nghệ nhân giới thiệu, tuyên truyền,…đến công chúng để tạo điều kiện cho trò chơi dân gian được phát triển, đồng thời bảo tồn và giữ gìn nét đẹp của trò chơi dân gian’’.
Với những công lao trong việc bảo tồn và gìn giữ đồ chơi truyền thống, năm 2019, ông Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình Tri thức dân gian. Đây là nguồn động viên to lớn để ông tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, yêu thích của mình, qua đó gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Người truyền lửa nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ | |
Sắc màu văn hóa truyền thống xuống phố | |
Nếp xưa | |
“Bắc nhịp tang bồng” kết nối giá trị văn hóa truyền thống |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại