Thứ hai 25/11/2024 08:55

Năm 2018, cả nước có hơn 1.100 trẻ em bị xâm hại tình dục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, toàn quốc phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em (giảm 2,8% so với năm 2017).

Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em.

Các địa phương xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em gồm: Hà Nội 88 vụ, TP HCM 77 vụ, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ…

Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 1.360 đối tượng, xử lý hành chính 162 đối tượng, đang điều tra xác minh 58 người khác.

Các đối tượng có hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn rất hạn chế. Theo Bộ Công an, phân tích cho thấy số đông đối tượng là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo mẫu, quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế.

nam 2018 ca nuoc co hon 1100 tre em bi xam hai tinh duc
Ảnh minh họa.

Nạn nhân thường là trẻ em nhỏ tuổi được cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế… Các trường hợp khác nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân nên bị các đối tượng xâm hại.

Ngoài ra, có một số vụ việc do hoàn cảnh khó khăn, người mẹ sinh con ngoài ý muốn lo sợ ảnh hưởng đến bản thân, danh dự gia đình đã vứt bỏ con khi mới sinh hoặc cố ý bỏ con tại các nơi công cộng, nơi hoang vắng, các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà chùa, nhà thờ…

Bộ Công an cho biết, hoàn cảnh kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng. Vì vậy, để phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em hiệu quả thì không thể bỏ qua hoặc xem nhẹ các giải pháp về kinh tế.

Theo đó, cần tăng cường đầu tư vào các chế độ, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em, phụ nữ nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện các biện pháp trợ giúp xã hội đối với các gia đình và trẻ em phụ nữ gặp nhiều khó khăn về kinh tế tại cộng đồng như: Hướng dẫn hoặc giải quyết tìm việc làm, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hạn chế số trẻ em vì khó khăn gia đình mà phải bỏ học hoặc bỏ nhà đi lang thang kiếm sống để trở về gia đình, ổn định cuộc sống.

Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các chính sách pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và mua bán người. Lên danh sách những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ phạm tội xâm hại trẻ em, chủ yếu tội phạm giết trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em và những đối tượng thường rủ rê, lôi kéo, cưỡng ép, mua chuộc các em vào con đường phạm tội…

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng. Qua tuyên truyền tạo dư luận xã hội mạnh mẽ và hướng dư luận xã hội vào việc tham gia phòng ngừa phát hiện đấu tranh, lên án, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người…

Năm 2018 phát hiện loại hình tội phạm mới. Đó là việc đưa những phụ nữ có thai ra nước ngoài dưỡng thai sau đó đẻ và bán con. Điển hình là vụ 5 phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang có thai được Mông Thị Oanh đưa sang Trung Quốc đẻ sau đó bán con tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo Bộ Công an, hành vi này hiện lại chưa thể áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý các đối tượng về hành vi mua bán người.
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động