Mua xăng qua chai, can, thùng gây cháy nổ... có thể chịu trách nhiệm hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân mang can, chai thùng... đi mua xăng |
Người dân mang can, chai, thùng... đi mua xăng
Khệ nệ bê chiếc can xăng mới được đổ đầy lên chiếc xe gắn máy của mình, anh N.V.T (Thanh Xuân) giải thích khi được hỏi chuyện sao đựng xăng bằng can: “Vốn nhà có vài máy móc sản xuất nên cần dùng đến xăng để chạy máy. Thường thì khi nào xăng trong máy gần hết tôi mới chạy đi mua, tuy nhiên thời gian gần đây tình hình xăng dầu có nhiều biến động nên mua sẵn để tránh lúc cần lại không có.” – anh T. nói.
Cũng xách theo chiếc bình lavie 5 lít đựng đầy xăng, chị T.V.H (Cầu Giấy) cho biết, ở nhà chị có tới 3 chiếc xe máy. “Bố, mẹ mỗi người một xe. Cậu con trai đang học năm thứ nhất đại học cũng đi xe máy. Mấy hôm nay mua xăng vất vả quá nên tôi mất 1 công xếp hàng tôi mua luôn cho cả xe ở nhà.” – chị H. cho biết.
Tuy nhiên, không phải cây xăng nào cũng “mặn mà” việc bán cho người dân khi họ đưa can, chai, bình… đi mua xăng. Trước đó, theo phản ánh của người dân hồi tháng 9/2022, tại 1 cây xăng ở Linh Đàm (Hoàng Mai), nhân viên ở đây đã không bán cho người dân khi họ mang can đến mua. Sự việc này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi.
Vậy người dân có được phép mua xăng bằng can, chai, lọ… hay không. Thực tế, hiện tại pháp luật không có điều khoản nào cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, bằng can đem về. Bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy, mà còn phục vụ các sinh hoạt khác của người dân như vận hành máy phát điện, chạy ghe, chạy thuyền, đánh bắt thủy sản…
Tuy nhiên, trong Nghị định số 99/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng và dầu khí có quy định xử phạt hành vi bán xăng dầu qua thùng, can, chai.
Theo đó, tại điều 35, mục 2 quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó”.
Cũng mới đây, trong Chỉ Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 của Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn trong đó có nội dung: “Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó…”.
Như vậy, luật pháp chỉ cấm kinh doanh xăng dầu tự phát qua can, chai, thùng…, nghiêm cấm việc tích trữ chứ không cấm người dân mua xăng qua các vật đựng khác.
Hành vi tích trữ xăng dầu gây cháy nổ có thể bị xử lý hình sự
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư Hà Nội, pháp luật không quy định là các cây xăng chỉ bán cho người tham gia giao thông, người dân có thể mua xăng đựng vào các dụng cụ, thiết bị khác. Xăng, dầu mua về sử dụng thì không phải đầu cơ.
Nhưng việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại gia đình cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng. Đồng thời, xăng dầu rất khó bảo quản vì dễ bay hơi, biến chất sau một thời gian nhất định…
Theo Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2013), việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu tích trữ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định rõ: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách nhiệm về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Về trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có thể bị phạt từ 1 năm đến 20 năm hoặc chung thân.
Người dân không nên mua tích trữ xăng, dầu | |
Hà Nội xử lý nghiêm tình trạng bán xăng dầu tự phát tại vỉa hè |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại