Chủ nhật 24/11/2024 21:45

Mua test nhanh Covid-19 trên mạng: Dễ dẫn đến âm giả, dương giả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo quy định hiện hành thì bộ test nhanh được quy định là trang thiết bị y tế. Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, các chuyên gia cũng khẳng định các bộ test này có độ chính xác khá thấp. Vì vậy, việc tự mua và sử dụng không chỉ tạo ra nguy cơ về sức khỏe mà kết quả âm tính giả, dương tính giả sẽ khiến người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Trong thời gian vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương ghi nhận một số thông tin từ báo chí và người tiêu dùng phản ánh về tình trạng các dụng cụ test (xét nghiệm) nhanh Covid-19 được bày bán tràn lan và công khai trên các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Các vấn đề được phản ánh liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm cũng như việc cung cấp các giấy tờ, thông tin có liên quan của người bán.

Trên mạng xã hội rao bán số lớn kit test nhanh Covid-19 giá vài trăm nghìn đồng/bộ nhưng không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp
Trên mạng xã hội rao bán số lớn kit test nhanh Covid-19 giá vài trăm nghìn đồng/bộ nhưng không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó GĐ Sở Y tế TP HCM, hiện nay, nhiều trang mạng đăng bán dụng cụ test nhanh Covid-19 nhưng giá trị độ nhạy của các loại tets nhanh này chỉ 25%. Việc sử dụng các loại test này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu kết quả cho âm tính giả. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên mua.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên cả nước thì nhu cầu được xét nghiệm của người dân, người tiêu dùng là chính đáng và chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Liên quan đến vấn đề này, để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD xin lưu ý một số điểm như sau:

Kết quả test nhanh chỉ có giá trị tham khảo. Thực tế, test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho chẳng hạn), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn. Như vậy, người sau khi nhiễm (nếu có) từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác. Người dân chỉ xét nghiệm khi cần thiết. Người tiêu dùng chỉ nên đi xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có tiếp xúc với những người có nguy cơ. Việc thực hiện xét nghiệm tràn lan sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của người tiêu dùng, gia tăng nguy cơ cho cộng đồng (do gia tăng việc tiếp xúc) cũng như tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế. Khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, người tiêu dùng nên đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và thực hiện xét nghiệm (nếu cần thiết). Cuối cùng, thực hiện tốt 5K và các hướng dẫn phòng dịch của các cơ quan quản lý nhà nước, không vì việc đã được tiêm phòng vaccines hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, qua kiểm tra, phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh Covid-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và phần lớn được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay. Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội và TP HCM đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh Covid-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngày 13-7-2021, Bộ Y tế cũng đã có công văn số 604/TTrB-P1 gửi các Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19, trong đó việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm SARS-CoV-2. Để quản lý chặt chẽ, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong trường hợp phát hiện các cá nhân, tổ chức rao bán các dụng cụ test (xét nghiệm) nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có thể phản ánh tới các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế, quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương hoặc liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 thuộc Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương.

Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động