Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8-2021
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức
Thông tư số 02/2021 của Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, có hiệu lực từ ngày 1-8-2021.
Đáng chú ý, tại Thông tư này quy định tất các cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức |
Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch.
Việc thay đổi này nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, ước tính giúp đội ngũ công chức giảm được 1.000 tỷ đồng từ việc đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế GTGT và TNCN
Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1-8-2021, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước
Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực 15-8-2021, đến hết năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).
Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập, nếu không thực hiện được lộ trình quy định trên, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính. Dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.
Thay đổi quy định về nâng bậc lương đối với công chức
Thông tư 03/2021 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8-2021.
Trong đó, Thông tư 03 bổ sung trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, đó là thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời, bổ sung thêm một số khoảng thời gian không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm: Thời gian đào ngũ; Thời gian thử thách khi hưởng án treo; Thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.
Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi từ ngày 15/8/2021. Theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được nâng bậc lương thường xuyên (trước đây là “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực” cũng thuộc diện được nâng bậc lương).
Áp dụng khung giá nước sạch sinh hoạt mới
Đây là nội dung tại Thông tư 44/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 5-8-2021.
Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. |
Thông tư nêu rõ, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch phù hợp nhưng phải đảm bảo khung giá nước sạch như sau:
- Tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1: mức giá từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng/m3
- Tại đô thị loại 2, 3, 4, 5: mức giá từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/m3
- Tại khu vực nông thôn: mức giá từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/m3
Mức giá trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo.
Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.
3 trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 02/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo đó, Thông tư 02 sẽ siết chặt hơn hoạt động nhận trợ cấp xã hội của các đối tượng bảo trợ xã hội. Thông tư này quy định 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm:
- Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên.
- Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý.
- Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.
Trước đây, Thông tư liên tịch 29/2014 của Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội và Bộ Tài chính chỉ quy định tạm dừng chi trả trợ cấp với trường hợp đối tượng không nhận tiền trợ cấp do chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn.
Thông tư 02/2021 có hiệu lực từ ngày 8-8-2021, nhưng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1-7-2021.
Nới điều kiện để trở thành Tiến sĩ
Từ ngày 15-8-2021, Thông tư 18/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ sẽ có hiệu lực. Theo Quy chế này, tiêu chuẩn trở thành tiến sĩ được quy định có phần cởi mở hơn.
Cụ thể, Quy chế mới đã chấp nhận cả các sách chuyên khảo, các công bố tại tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính. Trong khi trước đây, chỉ công nhận các bài báo, báo cáo khoa học được đăng trên các tạp chí nước ngoài.
Ngoài ra, nếu nghiên cứu sinh được nhận 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được cộng nhận bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục thể thao cũng có thể được chấp nhận…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại