Mô hình “đô thị nén” giúp bảo vệ hạ tầng “xanh”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐô thị “nén” đúng cách dành thêm không gian công cộng, cho cây xanh và mặt nước. |
Đô thị nén không chỉ là “cao tầng”
Mới đây, chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nội quan tâm đặc biệt đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm. “Đối với khu vực đô thị trung tâm cần nghiên cứu mô hình nhà xây nén, đô thị nén nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng”, Phó Thủ tướng gợi mở và lưu ý quan điểm quy hoạch dẫn dắt phát triển hạ tầng giao thông. Giao thông dẫn dắt phát triển đô thị. Đô thị dẫn dắt nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Lý giải của PGS.TS. Phạm Hùng Cường (Đại học Xây dựng Hà Nội) về mô hình đô thị “nén” bao gồm việc phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề như giao thông, tiện nghi, thiết kế. Vì thế, những dự án cao cấp tại các khu vực trung tâm mới ở Hà Nội như: Vinhomes Ocean Park (phía Đông Hà Nội) hay Vinhomes Smart City (phía Tây) đã tạo điều kiện cho các dự án đô thị “nén” hình thành và phát triển.
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt Đức) cho biết, đô thị nén cần có giao thông công cộng để giảm xe cá nhân mà vẫn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ông Hiếu dẫn chứng những năm vừa qua, nhà cao tầng và đường cao tốc, đường trên cao đã trở thành lựa chọn nổi bật cho Hà Nội. Tuy nhiên, nếu nhà cao tầng thiếu kết nối với hệ thống giao thông công cộng, việc các gia đình có điều kiện ở ngoại vi và đi làm, đón con ở trung tâm bằng xe ô tô sẽ làm cho tình hình tắc nghẽn trầm trọng hơn.
Theo TS Nguyễn Ngọc Hiếu, phương tiện chiến lược cho các giải pháp này là tổ chức không gian ưu tiên kết nối gần, tổ chức giao thông ưu tiên cho xe máy điện, xe đạp trợ lực điện để tiếp cận dịch vụ hiệu quả theo từng khu vực nhỏ và cho phạm vi cả thành phố. Những khu vực chuẩn bị khai thác đường sắt đô thị có thể đẩy nhanh các giải pháp phát triển nén như lập quy hoạch riêng theo cơ chế “nén”.
Các khu vực khác cần được quản lý xây dựng hiệu quả, chỉ cho phép xây dựng các công trình thu hút nhu cầu đi lại (cao ốc và các trung tâm công cộng lớn) tích hợp trên các hành lang đủ năng lực phục vụ; hạn chế xây dựng cao ốc không kết nối thuận tiện với hệ thống metro và hạn chế xây dựng chỗ đỗ xe hơi trong các khu vực tắc nghẽn không cải thiện được về kết nối.
Ông Hiếu cho rằng, đô thị “nén” đúng cách dành thêm không gian công cộng, cho cây xanh và mặt nước, tăng khả năng tiếp cận đến tự nhiên giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng. Khu vực “nén” luôn tạo điều kiện để tạo sự đa dạng trong hệ sinh thái định cư, đem nhiều việc làm đến gần chỗ ở và các nhóm thu nhập xích lại gần nhau hơn.
Phục hồi hệ sinh thái đô thị
Nhìn lại sự phát triển đô thị Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những năm qua, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, nhất là từ sau giai đoạn đổi mới (1986) hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã tạo được diện mạo mới cho đô thị Việt Nam. Dù vậy nó cũng bộc lộ không ít tồn tại, như bất cập giữa bảo tồn và phát triển hiện đại, giữa khai thác không gian kiến trúc với phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là vấn đề giao thông, môi trường.
Riêng tại Hà Nội, minh chứng cho thấy, những khu vực như Linh Đàm, khu cao tầng dọc theo trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu ở Hà Nội chỉ đơn thuần là "nhồi cao ốc" vào một diện tích đất khiến mật độ dân số tăng lên, gây quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, nắng nóng khốc liệt, cứ mưa là ngập...
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế thời gian qua, xã hội chạy theo phát triển kinh tế, chạy theo giá trị bất động sản, nhà cao tầng xuất hiện nhiều và chủ đầu tư chỉ chú ý đến bán bất động sản. Trong khi đó, môi trường sống không được quan tâm nhiều. Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ cho xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hòa, mặt nước để bảo đảm môi trường sinh học cho người dân khu vực.
Cũng ngay tại trung tâm Hà Nội, dễ dàng bắt gặp cảnh sống trong con ngõ nhỏ, chưa rộng đến 1m (ở số 6 Cửa Đông, Hoàn Kiếm) với gần 10 hộ dân sinh sống. Nhà cửa chật chội, hầu hết vẫn phải dùng chung nhà vệ sinh. Hay trong con ngõ số 55 Hàng Chiếu (Đồng Xuân, Hoàn Kiếm) sâu và tối, nếu 2 người đi ngược chiều nhau thì sẽ phải nghiêng người để di chuyển… Nhiều ý kiến bày tỏ “chiếc áo đô thị” đến nay đã quá chật chội và bức bối. Do đó, đã đến lúc tìm lối thoát cho quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn.
Đưa ra giải pháp về phát triển không gian xanh đô thị tại Hà Nội, TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam cho rằng, cần phải xanh hóa các không gian công cộng và phục hồi hệ sinh thái đô thị. Xanh hóa các không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh, mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên trong đô thị hiện đại. Giải pháp này cũng góp phần hạn chế chi phí duy trì cảnh quan nhưng bảo tồn và phát huy hiệu quả đa dạng sinh học, tạo lập môi trường sống cho các hệ động thực vật trong đô thị.
“Với bối cảnh Việt Nam, khi chính mỗi người dân vẫn đang cố gắng xanh hóa từng khung cửa sổ, từng mái nhà hộ gia đình một cách tự phát thì việc thúc đẩy phong trào trồng cây trước mỗi mái hiên, ban công cũng như vườn cây trên mái càng trở nên cần thiết. Bài học của Singapore, một quốc gia với khí hậu và mật độ đô thị tương đồng, là một ví dụ sát sườn về khung chính sách cần có nhằm quản lý và khuyến khích nhà đầu tư cũng như người dân khi phát triển rừng trong đô thị”, KTS Trình Phương Quân gợi ý. |
Hà Nội sẽ có đột phá trong phát triển không gian đô thị | |
Hà Nội: Sẽ có thêm khoảng xanh cho đô thị | |
Toàn cảnh phố Lý Thường Kiệt sẽ được quy hoạch thiết kế khu đô thị riêng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại