Miệt mài gìn giữ và bảo tồn môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghệ nhân Lưu Thị Kim Liên truyền niềm đam mê bộ môn ca trù cho mọi tầng lớp Nhân dân. Ảnh: Minh Trâm |
Sinh ra và lớn lên tại Hà Đông, song nghệ nhân ưu tú Lưu Thị Kim Liên lại “bén duyên" với ca trù - một loại hình nghệ thuật rất mới lạ tại địa phương này một cách tự nhiên. Bà Lưu Thị Kim Liên cho biết trước đây bà là 1 giáo viên, tình cờ năm 1993 có một cụ trong làng Yên Nghĩa chơi nhạc ca trù muốn gây dựng môn nghệ thuật này tại làng và đã từng nghe mẹ bà hát ca trù nên bà quyết định học hát ca trù và dần dần theo con đường nghệ thuật này.
Thời gian đầu học, phải mất 3 năm bà mới học được một vài làn điệu, kiên trì dần dần bà trở thành người hát chính trong các buổi biểu diễn. Từ thích và học hát ca trù, dần dần bà Liên có ý định truyền lại loại hình nghệ thuật này cho các thế hệ trẻ. Sẵn đam mê và tâm huyết với nghề, vượt qua khó khăn, bà ngày đêm luyện tập cho hơn 20 thành viên Câu lạc bộ “Ca trù Yên Nghĩa".
Nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên chia sẻ, ca trù khác các thể loại nghệ thuật khác như chèo, chầu văn... ở chỗ, ca trù là thể loại nghệ thuật cung đình ngày xưa, với làn điệu bác học, ý nghĩa, xưa chỉ có các tầng lớp quan lại mới thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Truyền dạy ca trù cũng như học là rất khó, người dạy phải tỉ mỉ uốn nắn từng nhịp phách, từng câu từng chữ, cách phát âm, ngậm khẩu miệng thế nào cho học viên dễ hiểu, người học phải thật sự đam mê, có quyết tâm cao, kiên trì tập luyện, có chất giọng ca trù.
Muốn học ca trù trước tiên phải học 5 khổ pháp dạo trước khi vào bài hát. Muốn học gõ phách còn phải học ca đàn, thuộc ca đàn rồi phải luyện tay phách (có giáo án dạy phách kèm theo). Học thuộc ca đàn, gõ được phách cũng mất vài tháng. Sau đó dạy truyền miệng từng câu, từng chữ, vào phách ở chữ nào, ở khổ nào, ở câu nào. Khi hát thì ngậm khẩu miệng ra sao, lưỡi để thế nào để phát được âm ư ư… Giữ hơi như thế nào để hát đúng hơi ca trù. Đòi hỏi người truyền dạy phải kiên trì, tỉ mỉ. Người học phải quyết tâm, chịu khó, tập trung nghe đàn, tay gõ phách, nhớ lời hát sao cho tiết mục trình diễn thành 01 bản hòa tấu nhịp nhàng, thể hiện được nội dung bài hát.
Theo nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên, ca trù là loại hình nghệ thuật rất kén chọn nghệ nhân, kén người nghe, lại kén chọn cả khán giả, đặc biệt là giới trẻ nên việc tìm người kế cận để tiếp nối, gìn giữ ca trù là rất khó. Một khó khăn nữa là kinh phí hoạt động tập luyện biểu diễn, giao lưu của CLB chủ yếu do các hội viên đóng góp nên thật khó để trang trải chi phí và khuyến khích động viên họ tiếp nối, gìn giữ ca trù. Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên đã tổ chức dạy miễn phí cho 5 lớp Ca Trù với số lượng là 61 học sinh tham gia theo học, trong đó đã có nhiều học trò cũng nổi tiếng với thể loại ca trù.
80 tuổi đời, 30 năm tuổi nghề, nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên đã cống hiến bằng tâm huyết, tình yêu với nghệ thuật, văn hóa dân gian cho ca trù. Bà đã tham gia trình diễn 52 buổi với hàng trăm tiết mục phục vụ các lễ hội, các hội chợ làng nghề. Năm 2019 bà được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú" lĩnh vực văn hóa phi vật thể quốc gia và đạt nhiều giấy khen của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội.
Em Lê Hà An, sinh năm 2007 (tổ dân phố 6, phường Yên Nghĩa) chia sẻ, em biết đến CLB ca trù của của nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên qua câu truyện của bà nội, từ tò mò dần dần qua tìm hiểu em bắt đầu thích môn nghệ thuật này và xin phép bà được tham gia CLB. Được bà Liên hướng dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ nên dù mới học nhưng em đã nhanh thuộc được những điệu cơ bản, em mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để giữ gìn loại hình nghệ thuật truyền thống này. |
Người giữ “lửa” ca trù Thượng Mỗ | |
Sắc màu văn hóa truyền thống xuống phố | |
Hà Nội: Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại