Thứ sáu 19/04/2024 13:43

“Mật ngữ” độc đáo của làng cổ Đa Chất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giữa vùng đất “trăm nghề” tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), có một ngôi làng đặc biệt mà ở đó, một loại ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt đã được hình thành và tồn tại trong văn hóa cũng như đời sống sinh hoạt nơi đây từ hàng trăm năm nay.
“Mật ngữ” độc đáo của làng cổ Đa Chất
Cụ Nguyễn Văn Sớm kể về sự ra đời của tiếng Tõi Xưỡn. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Về Đa Chất nghe già làng nói “tiếng lóng”

Làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) - ngôi làng nông thôn Bắc bộ bình dị, yên ả như bao làng quê khác nhưng lại mang trong mình điều đặc biệt mà không một nơi nào có. Có dịp ghé làng, nếu lỡ bắt gặp đôi, ba người lớn tuổi đang nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng kì lạ khó nghe nào đó, thì đừng vội nghĩ rằng họ là đồng bào dân tộc từ miền khác tới. Bởi đây chính là loại ngôn ngữ đặc biệt mà chỉ có ở làng Đa Chất.

“Có nhát nóng ngoại về tõi rực?”, cụ Nguyễn Văn Sớm (SN 1934), một người dân của làng mỉm cười hỏi chúng tôi. Chưa để chúng tôi kịp nghe, hiểu, cụ Sớm lại nói: “Có hiểu gì không nào?”. Nhìn chúng tôi ngơ ngác lắc đầu, cụ cười khà khà rồi dịch nghĩa. Thì ra, đó là cụ đang hỏi chúng tôi: “Cháu từ cơ quan nào về?”. Quả là nếu không nghe cụ giải thích thì có nghĩ cả ngày, chúng tôi cũng không tài nào dịch được.

Tò mò về thứ ngôn ngữ kỳ lạ này, chúng tôi hỏi cụ về nguồn gốc của nó thì được biết thứ tiếng kì lạ mà người làng Đa Chất nói có tên là Tõi Xưỡn, hay còn gọi là “tiếng lóng”. Thì ra khi xưa, làng Đa Chất có nghề làm cối xay tre. Khi đi làm nghề này, họ thường phải đi đến các vùng khác nhau. Nếu nhận được nhiều nhà đặt làm cối cùng lúc thì sẽ ở lại đó lâu, vì mỗi cái cối sẽ phải làm trong khoảng hai ngày.

Hai người cùng làng đi với nhau mà thường ở lại nơi khác lâu khiến người dân làng Đa Chất nghĩ ra một phương thức nói chuyện chỉ hai người cùng làng biết. Ngôn ngữ này sẽ được dùng khi đi làm nghề là chủ yếu. Nó giống như một mật ngữ riêng của họ, còn được người làng gọi là tiếng Tõi Xưỡn.

Bà Lê Việt Nam (SN 1962), người dân làng Đa Chất tự hào chia sẻ: “Phú Xuyên là mảnh đất trăm làng nghề. Duy chỉ có làng Đa Chất mới vừa có nghề riêng, vừa có tiếng nói riêng. Trên đường đi làm, chẳng may mà gặp kẻ xấu, người làng Đa Chất sẽ nhắc khéo nhau “Đổi ỏn ngáo bái” và cũng chỉ có họ mới hiểu, nghĩa của câu nói đó là “cẩn thận cái túi, đề phòng kẻ gian”.

Bà Nam cho biết thêm: “Tiếng Tõi Xưỡn ngoài giúp ông cha giao tiếp riêng với nhau hồi đi làm cối, giữ được cái bí truyền trong nghề, còn có tác dụng ngay cả trong cuộc sống thường nhật hiện tại như là giữ được phép lịch sự khi khách tới nhà mà muốn nhắc nhau những chuyện tế nhị, riêng tư".

Mong muốn gìn giữ và phát triển “tiếng lóng” của làng

“Mật ngữ” độc đáo của làng cổ Đa Chất

Cuốn sách “Văn hóa Dân gian Đa Chất”. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, bắt đầu từ những năm 2000, nghề đóng cối xay ở làng Đa Chất đã dần biến mất. Tiếng Tõi Xưỡn được xem là sinh ra và “sống cùng” nghề đóng cối cũng vì thế mà mai một đi. Bởi lẽ, “tiếng lóng” của làng ngày đó tuy phổ biến nhưng lại không có hệ thống chữ viết riêng mà chỉ được truyền dạy qua ngôn ngữ nói khi làm nghề. Ngay cả những người cao tuổi trong làng hiện cũng ít khi sử dụng ngôn ngữ này.

Chia sẻ về lý do người dân trong làng không còn biết nói nhiều “tiếng lóng”, cụ Nguyễn Văn Sớm cho biết: “Giống như việc học hành, văn phải ôn võ phải luyện, cho nên khi người dân không thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Tõi Xưỡn dẫn đến việc có một số từ bị quên, không nhớ được".

Hiện nay, thế hệ trẻ trong làng Đa Chất cũng ngày càng ít tìm hiểu và sử dụng mật ngữ riêng biệt này. Một phần nguyên nhân là do không có nhiều người truyền dạy, mặt khác là việc giao tiếp bằng ngôn ngữ này khá khó khăn.

Bạn Lê Thị Hồng Diệp (SN 2003), người dân làng Đa Chất cho rằng tiếng Tõi Xưỡn là một nét đẹp văn hóa của quê hương nhưng để hiểu và giao tiếp được ngôn ngữ này thì còn gặp nhiều trở ngại.

Với mong muốn bảo tồn, giữ gìn và phát huy tiếng Tõi Xưỡn trở thành bản sắc văn hóa tự hào của người dân Đa Chất, các bô lão có nhiều am hiểu về ngôn ngữ đặc biệt này luôn cố gắng truyền dạy, giới thiệu tới con cháu trong làng.

Gia đình cụ Nguyễn Văn Sớm thường duy trì thói quen vào tối chủ nhật hàng tuần, khi con cháu tập trung đông đủ, cụ sẽ dạy mọi người nói tiếng Tõi Xưỡn. Còn đối với bà Lê Việt Nam, mỗi khi có khách thập phương bày tỏ mong muốn được nghe “tiếng lóng” của làng Đa Chất thì bà rất nhiệt tình và hào hứng gọi cháu gái của mình ra để cùng giới thiệu một số “mật ngữ” đơn giản.

“Mật ngữ” độc đáo của làng cổ Đa Chất

Bà Lê Việt Nam nhắc nhở cháu gái bằng “tiếng lóng” khi có khách lạ vào làng. Ảnh: Mai Dung

Ông Nguyễn Văn Tuyên, trưởng thôn Đa Chất cho biết: “Những năm về trước, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cử các chuyên gia đến làng, mời những cụ già trong làng sưu tầm, tập hợp lại các từ trong tiếng lóng để in thành sách và giữ gìn cho các thế hệ mai sau".

Cụ Nguyễn Văn Sớm - Bô lão làng Đa Chất nói tiếng Tõi Xưỡn

Ngoài cụ Sớm, cụ Nguyễn Ngọc Đoán (86 tuổi) chính là người thứ 2 trong làng Đa Chất còn thuộc nguyên vẹn "tiếng lóng" truyền thống từ thuở xa xưa. Cụ Đoán cũng là người đang giữ cuốn sách có tên “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của tác giả Chu Huy - Nguyễn Dấn. Cuốn sách này được gọi “thần phả” của làng Đa Chất khi ghi lại ngôn ngữ đặc biệt và lịch sử làm nghề đóng cối truyền thống.

Khi được hỏi về cuốn “thần phả” của làng, cụ Đoán cho hay: “Từ xưa thứ ngôn ngữ này được lưu lại nhờ truyền miệng, còn cuốn sách này chúng tôi để giữ lại cho thế hệ sau".

Ông Nguyễn Hoàng Hoằng - Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cho biết, xã đã chỉ đạo cho thôn giao cho Hội Người Cao tuổi kết hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu “tiếng lóng” tại làng Đa Chất. Đây là hoạt động nhằm giúp thế hệ trẻ trong thôn hiểu hơn về lịch sử của nghề đóng cối tre truyền thông và duy trì tiếng Tõi Xưỡn của làng.

Mật ngữ riêng tại làng Đa Chất nếu được bảo tồn, gìn giữ và phát huy sẽ làm phong phú thêm văn hóa và ngôn ngữ dân gian làng xã Việt Nam, thể hiện được ý thức nhớ về nguồn cội của người dân nơi đây.

Những hình ảnh đẹp sững sờ về ngôi làng cổ và phong tục gói bánh chưng đón Tết
Tết xưa đậm nét Việt Nam trong mắt bạn bè Quốc tế tại làng cổ Đường Lâm
Thăm đình cổ Hùng Lô, biểu tượng của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng
Xốn xang làng Cốm vào mùa
Mai Dung - Nguyễn Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động