Thứ hai 06/05/2024 18:50

Mắc uốn ván nguy kịch từ những điều không ngờ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn này tồn tại trong đất, phân động vật và có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở. Thời gian ủ bệnh trung bình là 10 ngày, nhưng có thể từ 1 ngày đến vài tháng.
Mắc uốn ván nguy kịch từ những điều không ngờ
Bệnh nhân nguy kịch phải thở máy do mắc bệnh uốn ván. Ảnh: BVCC

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 2 ca bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván.

Trường hợp đầu tiên là ông Đ.V. N, 53 tuổi ở Hoà Bình. Trước đó, ông N có tiền sử khỏe mạnh. Tuy nhiên, trước khi nhập viện một tuần ông N có nhờ người quen tự cắt trĩ tại nhà. Sau ca cắt trĩ, ông xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng và ăn uống kém. Ông nhập viện tại địa phương sau đó chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán Uốn ván toàn thể. Hiện bệnh nhân này đang được an thần, thở máy.

Trường hợp thứ hai là bà P. T. N, 68 tuổi ở Sơn La. Trước khi nhập viện, bà N bị ngã ở chuồng lợn dẫn đến bầm tím, xây sát da vùng mông. Mặc dù có các vết thương hở nhưng bà không xử lý. 3 ngày sau đó, bà N xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, xuất hiện cơn co cứng, co giật toàn thân. Bà được gia đình đưa đến nhập viện tại cơ sở y tế địa phương, tại đây, bà được mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy. Tuy nhiên tình trạng không thuyên giảm nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bà N được chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.

Bệnh uốn ván xuất phát từ vi khuẩn Clostridium tetani, thường xâm nhập cơ thể qua các vết thương. Các vết thương này có thể nhỏ như gai đâm, đinh dâm, xước da, hoặc các vết thương to, rộng, thậm chí cắt trĩ hoặc cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn. Điều quan trọng là bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên, vì vậy tất cả những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Theo các bác sĩ, các triệu chứng của uốn ván thường xuất hiện sau khi vết thương hở 10 ngày. Các triệu chứng ban đầu bao gồm cứng hàm, khó nói, khó nuốt, khó há miệng. Sau đó, các cơn co cứng cơ bắt đầu xuất hiện, có thể ở mặt, cổ, lưng, bụng, tứ chi. Các cơn co cứng có thể rất dữ dội, gây đau đớn và khó thở. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh uốn ván có thể dẫn đến tử vong.

Tiêm vắc xin phòng uốn ván là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm 3 mũi vắc xin phòng uốn ván cơ bản theo lịch tiêm chủng. Người lớn cần tiêm nhắc lại vắc xin phòng uốn ván sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu quả bảo vệ.

Việc xử lý đúng cách các vết thương hở cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh uốn ván. Khi bị thương, cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó dùng dung dịch sát trùng để rửa sạch vết thương. Nếu vết thương sâu, cần đến cơ sở y tế để được xử lý chuyên khoa.

Vết thương nhỏ, hậu quả lớn
Người đàn ông nguy kịch phải thở máy vì một vết thương nhỏ
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động