Thứ ba 16/04/2024 18:46

Lương hưu tính thế nào khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ. Điểm đáng lưu ý nhất là đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm và phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.
Lương hưu tính thế nào khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm?
Số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng từng năm, đặc biệt trong những năm sau đại dịch.

Đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu

Trong tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi) ngày 1/3, Bộ LĐTBXH nhận định giảm năm đóng tạo điều kiện cho lao động tham gia hệ thống muộn hoặc đóng không liên tục, đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu.

Cụ thể, người lao động đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu khi có đủ điều kiện: nam đủ 61 tuổi 3 tháng, nữ 56 tuổi 8 tháng, tương ứng với tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Dự thảo Luật đề xuất mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với thời gian đóng BHXH 20 năm đối với lao động nam; 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, nếu đề xuất trên được thông qua, nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng; nam tới tuổi nghỉ hưu nhưng mới tham gia BHXH 15 năm thì lương hưu được tính bằng 33,75% mức đóng.

Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH. Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, rút thời gian xuống 15 năm là thuận lợi cho người lao động, đồng thời mở rộng diện người về hưu sau khi tăng người hưởng chính sách an sinh xã hội. Quy định này còn giảm thiểu tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần.

Đề xuất 2 phương án khi rút BHXH một lần

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang lấy ý kiến, trong đó nội dung được nhiều người lao động quan tâm là quy định về rút BHXH một lần. Về quy định hưởng BHXH một lần, trong Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nêu ra 2 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút BHXH một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Mức hưởng một lần căn cứ trên số năm lao động đóng BHXH. Mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho những năm trước 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng cho những năm từ 2014 trở đi. Lao động đóng BHXH dưới một năm, mức hưởng tối đa bằng 2 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Với lao động tham gia BHXH tự nguyện, mức hưởng một lần không bao gồm tiền ngân sách hỗ trợ cho những năm đóng.

Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có khoảng gần 750.000 người rút BHXH một lần. Đặc biệt, số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng từng năm. Điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm.

Ông Bùi Sĩ Lợi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, cả hai phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Với phương án giữ nguyên sẽ tạo cơ hội cho người lao động khi họ rất khó khăn cần thiết rút số tiền đó. Nhưng lợi thì ít, hại thì nhiều vì hệ thống an sinh xã hội thể hiện sự đảm bảo lâu dài khi người lao động không còn khả năng lao động, về hưu, lúc đó phải có nguồn để sống, không thể dựa vào Nhà nước hay nhờ vả con cái được.

Đối với phương án 2, theo ông Lợi, có một ưu điểm cơ bản khi rất khó khăn, người lao động vẫn rút được 50% để giải quyết trước mắt, còn lại 50% bổ sung cho về già và trong quá trình phát triển, nếu có điều kiện, người lao động tiếp tục đóng thêm vào để khi về hưu vẫn có thu nhập về lương hưu cao hơn.

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, với phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành thì số người rút BHXH một lần vẫn gia tăng, tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội tăng rất chậm. Việc đưa ra những phương án này có thể nhận phản ứng của người lao động, do đó, cơ quan BHXH cần minh bạch nguồn tiền người lao động đóng vào, đây là yếu tố giúp người dân yên tâm. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo cho cuộc sống về già của người lao động.

Năm 2023, tuổi nghỉ hưu, lương hưu của người lao động thay đổi như thế nào?
Hà Nội: Gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội
Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội
Đăng Quý
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động