Lùi thời điểm triển khai để có điều kiện chuẩn bị, đảm bảo tính khả thi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo báo cáo, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai chương trình GDPT mới. Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai.
Các địa phương và cơ sở giáo dục cũng có những động thái tích cực trong việc hướng dẫn giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới chương trình.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, GDPT.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. |
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể chậm hơn một năm so với kế hoạch.
Chương trình các môn học chưa hoàn thiện nên chưa có cơ sở để biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa.
Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88.
Nội dung kinh phí chủ yếu mới tính toán được kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương; nhiều tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình GDPT mới.
Ngoài ra, trong báo cáo hằng năm của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nội dung báo cáo đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 88 cũng chưa được đưa vào theo đúng yêu cầu của Nghị quyết.
Thực tế qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT còn nhiều hạn chế, lộ trình và tiến độ không đảm bảo. Trong khi đó, phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.
Do vậy, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải lùi thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa GDPT mới để có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tính khả thi và chất lượng khi thực hiện chương trình; tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện đổi mới chương trình GDPT theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại