Luật Thủ đô (sửa đổi): Nên giao Hà Nội thẩm quyền khai thác không gian ngầm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần có đặc thù về mô hình tổ chức chính quyền ở Hà Nội
Cho ý kiến đối với Báo cáo về quan điểm, định hướng lớn và dự kiến một số nội dung chính của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, một số thành viên ban soạn thảo đã đóng góp một số ý kiến.
Theo đó, một số thành viên Ban soạn thảo cho rằng, cần nghiên cứu để quy định các cơ chế có tính đặc thù cụ thể hơn nữa ở một số lĩnh vực liên quan đến phân quyền, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; huy động nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính – ngân sách cho Thủ đô; quản lý không gian ngầm trên địa bàn Thủ đô…
Ban soạn thảo thống nhất về nguyên tắc là có cơ chế, chính sách đặc thù ở một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển giáo dục, phát triển nông nghiệp, nông thôn… nhưng cần quy định rõ nội hàm của từng cơ chế, chính sách.
Về một số nhóm cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực như đất đai, nhà ở… nội dung đã và đang được xử lý ở các luật, các đề án hoặc các văn bản khác có liên quan một số thành viên đóng góp, cần bám sát quan điểm xây dựng dự án Luật như đã nêu ở trên để rà soát, chuẩn bị và xem xét việc đưa hay không vào dự thảo Luật.
Đối với các vấn đề cụ thể như vấn đề tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội: Thống nhất cần có đặc thù về mô hình tổ chức chính quyền ở Hà Nội và đặc thù này sẽ được xác định trên cơ sở đề xuất của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để khu trú phạm vi và quy định cụ thể các đặc thù trong dự thảo Luật. Theo đó: Liên quan đến thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù của Hà Nội, cần rà soát lại, đánh giá nhu cầu, sự cần thiết và nghiên cứu đề xuất cụ thể vào dự thảo Luật là thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù là cơ quan, tổ chức nào với tên gọi là gì.
Đối với mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, đề nghị quy định cho cấp chính quyền này những thẩm quyền vượt trội so với chính quyền quận, huyện; đồng thời, nghiên cứu kỹ thực tế hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh để quy định phù hợp cho Hà Nội.
Nên giao Hà Nội thẩm quyền khai thác không gian ngầm
Về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, đây là vấn đề liên quan đến các quy định của Đảng về công tác cán bộ, do đó, đề nghị khhi cụ thể hóa vào dự thảo Luật thì cần bảo đảm phù hợp với các văn bản của Đảng.
Về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, ban soạn thảo đề nghị: Nghiên cứu để phân quyền, phân cấp mạnh hơn nữa cho chính quyền Thủ đô trong quyết định chủ trương đầu tư.
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cũng như quy định về nhà đầu tư chiến lược nên thiết kế theo lĩnh vực, dự án mà Hà Nội ưu tiên phát triển. Đối với ưu đãi về thuế nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đề nghị rà soát lại để bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thu hút đầu tư thông qua công cụ thuế với yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế, nhất là cam kết tới đây về thuế tối thiểu toàn cầu.
Về cơ chế huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, đề nghị nghiên cứu, thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, kế thừa các quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô 2012 và luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; chuẩn bị các lập luận và đánh giá tác động kỹ lưỡng để báo cáo cấp có thẩm quyền và giải trình, có đầy đủ cơ sở về đề xuất Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của thủ đô, Vùng thủ đô.
Về cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô trên các lĩnh vực, đề nghị lựa chọn các vấn đề thực sự cần ưu tiên giải quyết để từ đó xác định cơ chế đặc thù phù hợp, không quy định dàn trải; làm rõ nội hàm của từng cơ chế, chính sách.
Đối với một số vấn đề cụ thể nên giao Hà Nội thẩm quyền khai thác không gian ngầm, nhưng cần rà soát các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng đang dự kiến đề xuất) về vấn đề này như thế nào để quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (SĐ) cho phù hợp;
Thống nhất đề xuất việc thành lập Quỹ Bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô, Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội, Quỹ học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô; tuy nhiên, cần nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định thẩm quyền thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ là của Chính phủ hay giao thành phố Hà Nội n hằm bảo đảm tính khả thi, hoạt động có hiệu quả của Quỹ.
Về vùng thủ đô, đề nghị kế thừa quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012 liên quan đến Vùng Thủ đô và luật hóa một số quy định tại Nghị định 91/2021/NĐ-CP về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng thủ đô; nghiên cứu để quy định phù hợp về vai trò đầu tàu của Hà Nội trong VÙng, quy định về cơ chế thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết vùng.
Nghiên cứu quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật tại dự thảo Luật Thủ đô (SĐ) để xử lý áp dụng pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Thủ đô và các luật khác liên quan. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát để có quy định chuyển tiếp xử lý các quan hệ pháp lý xảy ra trước ngày Luật có hiệu lực.
Hà Nội: Tuyên truyền dự thảo chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) | |
Hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại