Luật Thủ đô (sửa đổi): Chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội cần xây dựng chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh |
Y tế dự phòng ở cơ sở chưa thực sự bền vững
Góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho rằng, trước hết cần xem xét thực trạng y tế Thủ đô hiện tại. Trong giai đoạn vừa qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân Thủ đô đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, chất lượng khám, chữa bệnh và y đức được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực.
Hà Nội đã đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế, trên địa bàn hiện có 82 bệnh viện do Hà Nội quản lý (tăng 27 cơ sở so với năm 2010); đồng thời tích cực triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng cũng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 96%; thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có kiểm soát.
Bên cạnh đó, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có bước tiến bộ rõ rệt; tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đạt trên 85%. Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,8 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, ngành y tế Thủ đô vẫn còn có những hạn chế. Mặc dù là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển y tế, tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh vẫn cần được tăng cường do chưa có đầy đủ các chính sách phù hợp với từng tuyến, số giường bệnh/vạn dân còn thấp.
Hà Nội cũng chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến thành phố. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở chưa thực sự bền vững, còn để xảy ra một số ổ dịch lớn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở chưa dược quan tâm và đầu tư đúng mức. Nhân lực y tế còn thiếu, không đều đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã. Chưa có cơ chế phối hợp tận dụng các cơ sở vật chất cũng như nhân lực giữa các cơ sở y tế với nhau và với các trường đại học; các quy định về bảo hiểm y tế, chế độ chi trả khám chữa bệnh, định mức kinh phí còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
Cơ chế quản lý, hoạt động các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa phát huy tính tự chủ, trách nhiệm. Một số địa phương còn lúng túng, bị động trong ứng phó với dịch bệnh, sự cố môi trường, tạo dư luận xã hội chưa tốt.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xây dựng chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh
Đối với giải pháp chính sách "Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân", PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho biết, ngoài những giải pháp đã đề xuất, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù nhằm xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới.
Cụ thể, Hà Nội cần xây dựng hệ thống chính sách về y tế một cách đồng bộ từ xã phưởng đến trung ương từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến.
Xây dựng và phát triển y tế phù hợp với vai trò, nhiệm vụ chức năng của từng vị trí trong y tế và chính sách phối hợp, hỗ trợ ví dụ nguyên lý y học gia đình để chăm sóc sức khỏe cộng đồng thực hiện ở tuyến xã phường nhưng phát triển các kĩ thuật hiện đại ở các bệnh viện tuyến cuối.
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế; hình thành hệ thống khám chữa bệnh theo mô hình liên kết giữa các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa thành phố với các trung tâm y tế quận, huyện, y tế tư nhân.
Nâng cao khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế dịch bệnh: Thông tin được sớm các dịch bệnh từ xã phường tới viện vệ sinh dịch tễ... hoặc ứng dụng các phương pháp dự báo, các trang thiết bị hiện đại của viện vệ sinh dịch tễ tới xã phường...
Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và y đức của đội ngũ cán bộ y tế; cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, trong đó ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ của Thủ đô.
Cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở góp phần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đồng thời gắn với phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Chính sách phát triển nhân lực y tế dự phòng ngoài những quy định hiện hành để thực hiện hiệu quả công tác cảnh báo, giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, chủ động triển khai các biện pháp chống dịch và kiểm soát phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Quy định các biện pháp ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp khác để tăng cường xã hội hóa y tế, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; các cơ sở nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ y tế, dược phẩm và trang thiết bị y tế. Thủ đô được quy định các chính sách đặc thù để phát triển hệ thống y tế cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân thực hành theo nguyên lý y học gia đình.
Chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp nhằm duy trì đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế cơ sở của Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sỹ làm việc cho cơ sở y tế tư nhân, kết nối và bổ trợ với hệ thống y tế hiện hành.
Quy định cơ chế đặc thù về bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý đối với người lao động không phải là viên chức tại các đơn vị tự chủ tài chính để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính sách số hoá về quản lý y tế, xây dựng, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, đảm bảo điều kiện 100% người dân Thủ đô được khám sức khỏe định kỳ hằng năm.
"Nóng" việc tự chủ bệnh viện và giá các dịch vụ khám, chữa bệnh | |
Luật Thủ đô (sửa đổi): Việc thực hiện các chính sách đặc thù bước đầu có được |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại