Thứ hai 20/05/2024 12:06

Luật An ninh mạng góp phần ngăn chặn việc bán, sử dụng trái phép thông tin người dùng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Chỉ khi nào có yêu cầu phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an mới được pháp luật cho phép yêu cầu cung cấp thông tin người dùng có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật”.

Đây là nội dung được Thượng tá, thạc sĩ Nguyễn Đình Đỗ Thi – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng, Bộ Công an nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng vừa diễn ra. Hội nghị do Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội tổ chức.

Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 với tỷ lệ 86,86% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng việc hiểu biết và thông tin chưa đầy đủ về Luật An ninh mạng của nhân dân, nhiều tổ chức phản động, số đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã tiến hành tuyên truyền, xuyên tạc nội dung Luật An ninh mạng với mục đích xấu.

Trong đó, có nhiều thông tin tuyên truyền trên không gian mạng rằng, Luật An ninh mạng cho phép cơ quan chức năng tùy tiện yêu cầu DN cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư.

luat an ninh mang gop phan ngan chan viec ban su dung trai phep thong tin nguoi dung
Hội nghị nhằm thông tin sâu rộng, đầy đủ về các quy định của Luật đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, thông tin tuyên truyền nêu trên là không chính xác. “Luật An ninh mạng đã quy định rõ ràng, chỉ trong trường hợp phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin người dùng. Các quy định trong Bộ luật TTHS và các văn bản có liên quan đã quy định rõ việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật”, Thượng tá Thi nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tá Thi, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về an ninh mạng. Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, điểm a khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã quy định các DN trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng. Đây là quy định cụ thể nhằm hạn chế, ngăn chặn việc bán thông tin người dùng cho các DN cung cấp dịch vụ hoặc bên thứ 3 mà chưa có sự đồng ý của người dùng.

Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể trường hợp lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được tiếp cận thông tin người dùng là khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Quy định này phù hợp với nội dung khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.

“Thông tin cá nhân là một trong những loại dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử, có tác dụng quan trọng trong điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tất cả các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới đều được quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, trong phạm vi pháp luật cho phép để thực hiện nhiệm vụ của mình, ngăn ngừa tội phạm”, Thượng tá Thi nói.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động