Thứ sáu 19/04/2024 08:47

Lừa chuyển nhượng dự án “ma” rồi quay ra.. cướp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Vẽ ra dự án, Nhàn “lòe” anh Thư. Không chỉ bắt anh này giao trước 500 triệu đồng, bà giám đốc còn buộc xác nhận nợ 1,5 tỷ đồng…


Nguyễn Thị Nhàn, SN 1957, quê Thanh Hóa, vốn là Giám đốc Cty TNHH Đông Nam. Vì Nhàn “khoe” chạy được suất lo san lấp 1 triệu m3 đất thuộc một dự án ở khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa nên anh Nguyễn Văn Thư, SN 1960, Giám đốc Cty CP Xây dựng tổng hợp Đông Hội, trụ sở ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đặt vấn đề mua lại. Anh này đã đến Thanh Hóa ký hợp đồng nhận chuyển nhượng lại hợp đồng san lấp trên từ Nhàn. Bà giám đốc yêu cầu anh Thư đưa 300 triệu đồng và trả 1,5 tỷ đồng tiền hoa hồng. Anh Thư đã giao trước 500 triệu đồng và thuận theo đề nghị của Nhàn về việc đóng dấu nhận nợ 1,5 tỷ đồng. Đến hạn “chốt” hợp đồng, anh Thư không thấy Nhàn đả động gì, cũng không trả lại 500 triệu đồng anh đã đưa nên vị Giám đốc này đã “tố” với CQCA về dấu hiệu lừa đảo của Nhàn. Nhàn tỏ ra ghê gớm khi dựa vào giấy nhận nợ trên nhờ vả Trần Hòa Hợp, SN 1974, trú tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, đòi anh Thư 1 tỷ đồng.


Các bị cáo đang chờ tòa nghị án.


Hợp đã tập hợp đàn em bắt cóc anh Thư. Trên xe đưa nạn nhân từ Hà Nội về Thanh Hóa, nhóm “đầu gấu” thay nhau đánh đấm nạn nhân, ép phải trả nợ. Anh Thư buộc phải đồng ý trả cho Nhàn 700 triệu đồng nhưng yêu cầu mang giấy vay nợ đến trụ sở Cty của mình mới thanh toán. Khi nhận thấy việc nợ tiền giữa anh Thư và bà Nhàn không có thật, Hợp cùng đồng bọn “áp tải” anh Thư về Hà Nội thì bị CQCA bắt giữ.

Trước đó, tháng 7-2012, Nhàn cùng các bị cáo phải hầu TAND TP Hà Nội. Tại phiên xử sơ thẩm lần đầu, tòa đã yêu cầu các cơ quan tố tụng làm sáng tỏ một số tình tiết. Đáng chú ý, hồ sơ vụ án thể hiện Nhàn có dấu hiệu bệnh tâm thần phân liệt, được xác nhận của cơ quan y tế. Nhưng quá trình điều tra, bị cáo không có luật sư chỉ định và người giám hộ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Nguyễn Duy Niêm, SN 1980, trú tại xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, TP Hải Phòng, “tay chân” của Nhàn, bị truy tố về tội “Cướp tài sản” với nhiều tình tiết tăng nặng, khung hình phạt lên đến tử hình nhưng lại không có luật sư từ giai đoạn điều tra. Lần xử thứ 2 vào tháng 10-2012, Nhàn phủ nhận cáo buộc và cho rằng, không quen biết các bị cáo khác. Trong khi đó, “bậu sậu” lại có lời khai “vênh” nhau nên tòa tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 22-11-2012, HĐXX của TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với các bị cáo. Theo đó, Nhàn phải nhận mức án 15 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 20 tháng tù tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, cộng với 10 năm tù mà TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên trước đó là 26 năm 8 tháng tù. Hợp 15 năm 8 tháng tù về tội “Cướp tài sản”, “Bắt giữ người trái pháp luật”. Cùng 2 tội danh này, Niêm 15 năm 6 tháng tù; tổng hợp với bản án cũ với mức án chung thân là chung thân. Bốn bị cáo khác mức án từ 13 năm tù đến 15 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”, “Bắt giữ người trái pháp luật”. Riêng Đặng Tiến Trọng, SN 1969, quê Thanh Hóa, 2 năm tù treo về tội “Che giấu tội phạm”.


Phương Hoa

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động