“Loạn” quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quy hoạch “vội vàng”
Trong khi bãi rác Đồng Ngo, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều nên ngày 10-7-2013, Tỉnh ủy Bắc Ninh có Thông báo số 506-TB/TU về việc thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy về một số giải pháp xử lý các bãi rác trên địa bàn. Trong Thông báo, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Bố trí mỗi huyện, thị xã lựa chọn từ 1 - 2 bãi rác để tổ chức xử lý rác thải tại chỗ. Việc lựa chọn địa điểm phải đúng tiêu chuẩn, tiến hành khảo sát cụ thể và tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân”.
Chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy Bắc Ninh là vậy nhưng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, khi lập đự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nhiều huyện, thị xã không lấy ý kiến người dân, địa điểm xây dựng cũng không đạt tiêu chuẩn, không phù hợp với quy hoạch, thu hồi hàng chục ha đất lúa nhưng chưa xin phép Thủ tướng Chính phủ...
Một số địa phương đã “vội vàng” ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án và cử cán bộ xuống đo đạc ruộng trong khi người dân chưa hay biết. Chính việc làm quá “vội vàng”, không tuân thủ theo quy định của pháp luật khiến nhiều người dân ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh bức xúc, thậm chí còn tụ tập đông người kéo lên tỉnh phản đối. Như ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, khoảng đầu tháng 8-2013, người dân thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, ngỡ ngàng khi thấy cán bộ xuống đo đạc trên chính mảnh ruộng của họ. Hỏi ra mới biết, huyện đã chọn địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác tại khu Đồng Khánh, thôn Tam Tảo. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và nhiều thế hệ sau này nhưng người dân không được thông báo từ trước.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn: “Chúng tôi buộc phải thực hiện dự án”.
Quy chuẩn bất nhất
Ngày 17-7-2013, Sở Xây dựng Bắc Ninh có Văn bản số 10/SXD-QLHT hướng dẫn các huyện, thị xã chọn địa điểm đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cách khu dân cư ít nhất 500m. Tuy nhiên, đến ngày 22-11-2013, Sở TN&MT Bắc Ninh lại có Văn bản số 05/HD-TNMT khẳng định các huyện, thị xã khi khảo sát địa điểm phải căn cứ vào Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải cách khu dân cư ít nhất 3.000m. Phú Lâm là xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nhưng nhà máy này lại đặt giữa cánh đồng trồng hai vụ lúa chỉ cách khu dân cư chừng 500m. Sau khi người dân phản đối, UBND huyện Tiên Du “hứa” sẽ khảo sát lại và không thực hiện dự án tại khu Đồng Khánh.
Cánh đồng màu mỡ sắp biến thành… bãi xử lý rác thải.
Tương tự như huyện Tiên Du, khi có chủ trương, lãnh đạo thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã xúc tiến đẩy nhanh các bước lập dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Từ Sơn với quy mô diện tích giai đoạn 1 là 5,9ha tại cánh đồng Na, thôn Phúc Tinh, xã Tam Sơn. Việc xây dựng nhà máy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng họ lại không được biết, cũng như không được tham gia đóng góp ý từ đầu.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài nguyên do người dân thôn Phúc Tinh không được bàn bạc, lấy ý kiến về việc lập dự án xây dựng nhà máy còn có những lý do khác khiến họ hoài nghi về tính pháp lý của Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Từ Sơn. Vị trí nhà máy xử lý rác đặt tại cánh đồng Na chỉ cách khu dân cư khoảng 1.000m và các thôn xóm lân cận xung quanh của huyện Tiên Du gần đó chỉ khoảng 600m đã vi phạm các quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Lý giải cho những “bất nhất” trong việc áp dụng các quy chuẩn xây dựng nhà máy xử lý rác thải, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn cho hay: “Do thị xã Từ Sơn là đô thị loại 4 nên không áp dụng các tiêu chí về khoảng cách theo Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải cách khu dân cư ít nhất 3.000m. Hơn nữa, đây là nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt nhiệt cao, không phải bãi chôn lấp rác kiểu cũ, do vậy khoảng cách từ khu nhà máy xử lý rác đến khu dân cư chỉ từ 500m trở lên(!?)”. Tuy nhiên, lý giải về việc chọn địa điểm đủ tiêu chuẩn với thị xã Từ Sơn nhưng sẽ ảnh hưởng đến người dân ở huyện Tiên Du, ông Thanh nói: “Chúng tôi buộc phải thực hiện dự án này và cũng không còn địa điểm nào tốt hơn nên chúng tôi chọn địa điểm đặt nhà máy ở cánh đồng Na, thôn Phúc Tinh, xã Tam Sơn”.
Người dân bức xúc về việc triển khai dự án một cách “vội vàng”. Ảnh: Q.Doanh
Căn cứ theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP thì việc thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng này phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ông Thanh khẳng định, việc thu hồi đất nông nghiệp của người dân vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng vẫn phải gấp rút triển khai vì đây là dự án cấp bách. Mức giá đền bù đã được UBND thị xã Từ Sơn đưa ra và thông báo tới các hộ dân bị thu hồi ruộng.
Một điểm nữa, cũng khiến người dân thôn Phúc Tinh quan ngại đó chính là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của thị xã Từ Sơn sẽ sử dụng công nghệ như thế nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm(?). Còn việc lựa chọn công nghệ và nhà đầu tư thì UBND thị xã Từ Sơn vẫn đang… tham khảo. Theo người dân ở thôn Phúc Tinh, nếu làm nhà máy xử lý chất thải ở đây thì 2/3 diện tích đất canh tác của thôn sẽ không làm được vì nguồn nước đều phụ thuộc vào mương chìm từ cánh đồng Đỗi xuống cánh đồng Na và điểm cuối cùng chính là vùng ruộng trũng thôn Phúc Tinh. Nhà máy rác thải chặn chính giữa khu này, sau này nước bơm vào ruộng sẽ bị ô nhiễm, không chỉ cho trồng lúa mà còn ngấm vào nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.
Việc đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung, quy mô khép kín phục vụ cộng đồng dân cư là việc làm cần thiết, song các bước đi để triển khai dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các huyện, thị xã lại chưa tìm được tiếng nói đồng thuận từ phía người dân, công nghệ áp dụng còn “mù mịt”, khiến người dân nơi đây đêm ngày thấp thỏm nỗi lo hiện hữu về một “làng ung thư” trong tương lai.
Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại