Lỗ hổng từ việc cấp Giấp phép lái xe
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường tai nạn vụ đâm liên hoàn ở Hà Đông |
Tai nạn nghiêm trọng khi người tâm thần lái xe
Tối 28/7 tại Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Theo đó, tài xế Hà Thanh Hưng (45 tuổi, trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội) điều khiển ô tô BKS 30E - 455.34 với tốc độ cao trên đường Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, TP Hà Nội) thì va chạm với một xe Huyndai I10 đang quay đầu trên đường. Xe SantaFe do Hưng điều khiển bị mất lái, sau đó tiếp tục va chạm với 5 xe máy và 2 xe ô tô khác. Cuối cùng, xe SantaFe va chạm với một xe biển kiểm soát quân sự đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Ngô Thì Nhậm giao cắt với Quang Trung.
Đến lúc này, xe do Hà Thanh Hưng điều khiển mới quay ngang đường và dừng lại. Hậu quả thảm khốc của vụ việc khiến nhiều xe máy, xe đạp điện nằm la liệt trên đường, nhiều ô tô hư hỏng. Thiệt hại về người gồm 1 người tử vong tại chỗ, nhiều người khác bị thương phải đưa đi cấp cứu. Tại CQCA, tài xế Hưng thừa nhận bản thân không làm chủ tốc độ và có tiền sử bị bệnh động kinh nặng. Thời điểm xảy ra tai nạn, Hưng khai không biết đã gây ra chuyện gì. Sau lời thừa nhận đầy bất ngờ của tài xế Hưng, không ít người nhớ đến một tai nạn nghiêm trọng xảy ra từ cuối năm trước.
Theo đó, chiều 30/12/2021, Nguyễn Văn Thâu (37 tuổi; ngụ xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) điều khiển xe đầu kéo, chạy trên Tỉnh lộ ĐT 638, đoạn thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định. Khi đến ngã tư thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, xe Thâu bất ngờ tông vào nhiều xe máy đang lưu thông trên đường. Sau khi gây ra tai nạn, Thâu tiếp tục điều khiển phương tiện bỏ chạy ra Quốc lộ 19 rồi Quốc lộ 1 theo hướng Bắc - Nam. Người dân và CA đuổi theo để truy bắt.
Đến khoảng 17h30 cùng ngày, sau khi truy đuổi hơn 25 km, lực lượng chức năng đã chặn được xe đầu kéo và bắt giữ Thâu. Lúc này, dưới gầm xe đầu kéo vẫn còn một xe máy bị kẹt. Vụ tai nạn đã khiến 2 người tử vong và 13 người bị thương nặng. Ngoài ra, xe đầu kéo và hàng loạt xe máy của các nạn nhân bị hư hỏng. Sau khi xảy ra vụ tai nạn liên hoàn trên, gia đình có trình sổ theo dõi bệnh tâm thần của Thâu tại cộng đồng từ năm 2006.
Lỗ hổng từ đâu?
Hai vụ việc nêu trên là điển hình cho những vụ TNGT gây ra do người tâm thần cầm lái. Về vấn đề này, theo Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội, khi xảy ra vụ việc, cơ quan Điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của tài xế. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tài xế có biểu hiện tâm thần, không tỉnh táo minh mẫn sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi tại thời điểm gây TNGT.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ GPLX được cấp từ khi nào; Thời điểm cấp GPLX, tình trạng sức khỏe của người này có đủ điều kiện sức khỏe để cấp hay không; GPLX có phù hợp và do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế cũng như của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Trong trường hợp cụ thể như tài xế Thâu, rõ ràng đối tượng này đã có hồ sơ, bệnh án chứng minh tài xế này có tiền sử bệnh tâm thần và đang điều trị. Thâu bị bệnh từ năm 2006 và đến thời điểm gây tai nạn vẫn đang chấp nhận điều trị tại địa phương, nhưng trong giấy khám sức khỏe để xin cấp bằng lái cơ sở y tế lại xác nhận tài xế này hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì về bệnh tâm thần. Và tháng 6/2021 Thâu vẫn được cấp bằng lái xe do Sở GTVT Bình Định cấp” – luật sư Thu phân tích. Theo đó, trong trường hợp lái xe mắc bệnh tâm thần thật mà bên cấp Giấy khám sức khỏe và đơn vị tổ chức sát hạch vẫn cấp GPLX cho tài xế này sẽ phải liên đới trách nhiệm.
Tương tự như vậy, vụ việc xảy ra với tài xế Hà Thanh Hưng, nếu lời khai là đúng, cần làm rõ nhiều vấn đề: Thời điểm Hưng bị bệnh, thời gian sát hạch và được cấp GPLX, có trách nhiệm của đơn vị đã cấp GPLX và cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế hay không? Qua những vụ việc trên cho thấy, lỗ hổng của việc cấp GPLX còn rất lớn. Đơn cử như chuyện giấy khám sức khỏe, không cần quá khó để có thể tìm trên mạng xã hội hoặc ở bất cứ cơ sở đào tạo lái xe nào cũng đều có hiện tượng “bao hồ sơ”. Vậy giấy khám sức khỏe ở đâu, do đơn vị nào cấp?
Về vấn đề này, theo TS. Bác sĩ Tạ Quang Thành, quy định về GPLX tại Việt Nam có thời hạn hiện đang khá dài, dao động từ 5 - 10 năm. Đặc biệt, đối với hạng B1 còn có giá trị đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. “Trong khi đó, thời gian định lượng về sức khỏe thì lại có thể thay đổi theo từng tuổi, từng năm. Thậm chí ngày một, ngày hai với những vấn đề xảy ra đột xuất. Bởi thực tế cho thấy, ngoài những nguyên nhân bên ngoài như tai nạn ảnh hưởng đến vùng đầu, não bộ, bất cứ ai cũng có những nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tâm thần.
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các vấn đề từ tâm lý như sang chấn tâm lý hoặc thậm chí bị stress trong 1 thời gian dài cũng là nguyên nhân gây cản trở nhận thức khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn. Đây là tiền đề của chứng rối loạn tâm thần, trầm cảm, rối loạn cảm xúc… Hoặc những người bị bệnh huyết áp cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, ảnh hưởng đến thần kinh” – TS Thành nói.
Theo TS. Thành, khó có thể trông chờ vào 1 tờ giấy khám sức khỏe trong 1 thời gian khá dài. Hơn nữa theo anh, thông tư liên tịch số 24/2015 giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT đã quy định rõ về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, trong đó yêu cầu bác sĩ khám phải hỏi 20 câu về tiền sử, bệnh sử bệnh nhân (trong đó có bệnh tâm thần, rối loạn ý thức). Tuy nhiên, để tránh mất thời gian, rườm rà, nhiều cơ sở y tế thường bỏ qua phần khám này mà chỉ ở dạng người khám tự khai qua câu hỏi “Có/Không”. Đây là lỗ hổng cần xem xét và điều chỉnh lại. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại