Chủ nhật 05/05/2024 06:20

Lao động nam cũng cần bình đẳng giới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Đã đến lúc thay đổi cách tiếp cận xây dựng các quy định từ “bảo vệ lao động nữ” sang “thúc đẩy bình đẳng giới với lao động nam và lao động nữ”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đặt vấn đề tại Hội thảo tham vấn “Đánh giá tác động giới trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi)” diễn ra ngày 26-4 tại Hà Nội.

Hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, UN Women và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt, một số quy định riêng đối với lao động nữ không còn phù hợp với cách tiếp cận hiện đại về bình đẳng giới. “Nhiều quy định nhằm bảo vệ lao động nữ, mặc dù có mục đích tốt, song lại có thể dễ dẫn đến phân biệt, đối xử về giới trên thực tế. Chẳng hạn như các quy định về các công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam 5 năm.

Bên cạnh đó một số biện pháp bảo vệ lao động nữ nói chung, bảo vệ sức khỏe sinh sản nói riêng do còn chịu ảnh hưởng của định kiến giới nên chưa bảo đảm đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình, trong bảo vệ sức khỏe sinh sản. Tiêu biểu như: Chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm... chỉ được quy định đối với lao động nữ.

Ngoài ra, nhiều quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới khác tuy đúng nhưng tính khả thi không cao do thiếu quy định cụ thể phù hợp như: Quy định về chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Một số quy định thiếu sự linh hoạt cần thiết để có thể thực hiện hiệu quả trên thực tế như quy định nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, nghỉ 60 phút/ngày cho con dưới 12 tháng bú sữa mẹ...”, bà Nguyệt dẫn chứng.

lao dong nam cung can binh dang gioi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt: “Nhiều quy định nhằm bảo vệ lao động nữ, mặc dù có mục đích tốt, song lại có thể dễ dẫn đến phân biệt, đối xử về giới trên thực tế"

Trao đổi thêm về nội dung này, TS Dương Thị Thanh Mai, Trưởng nhóm đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động thông tin: Chính sách bảo vệ lao động nữ rất tốt nhưng có những vấn đề ngay từ cách tiếp cận vấn đề để đưa ra quy định trong Bộ luật Lao động 2012 chưa phù hợp với tinh thần bình đẳng giới của CEDAW và Công ước của ILO về lao động.

“Chúng ta rất chú trọng bảo vệ lao động nữ. Điều này đã trở thành một nguyên tắc trong Luật Bình đẳng giới. Trong khi cũng những vấn đề đó có thể đặt ra đối với lao động nam lại chưa được quan tâm, chưa có quy định đảm bảo. Ví dụ việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của lao động nam, lao động nữ. Muốn sinh con hay thực hiện kế hoạch hóa gia đình cần cả nam và nữ. Vậy tại sao đi thực hiện biện pháp tránh thai lao động nữ được nghỉ, được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng lao động nam lại chưa có?”, TS Dương Thị Thanh Mai đặt câu hỏi.

Đối với việc trao quyền cho phụ nữ để tham gia vào nhiều loại công việc có trả công, TS Dương Thị Thanh Mai phân tích: “Chúng ta có quy định những công việc không sử dụng lao động nữ, những công việc có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản lao động nữ. Vậy những công việc đó có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản lao động nam hay không? Nếu có ảnh hưởng thì ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ tương lai nếu chúng ta chỉ bảo vệ mỗi lao động nữ thôi?

Rồi ngay trong chính sách hỗ trợ cho người lao động trong thời gian nuôi con nhỏ hiện nay cũng đã cho thấy những bất cập. Các quy định mới chú trọng hỗ trợ lao động nữ với ý nghĩa họ vừa là người lao động, vừa là người mẹ vừa là người vợ phải chịu trách nhiệm đối với các công việc gia đình và nuôi dạy con. Trong khi đó người chồng cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với vợ với tư cách là một thành viên trong gia đình, một người lao động thì lại chưa được quan tâm”.

“Luật Bảo hiểm xã hội đã có quy định trong thời gian con ốm thì lao động nam được nghỉ để chăm sóc con nhưng trong Bộ luật Lao động lại chưa có quy định này. Để khắc phục cái vênh giữa hai Luật thì trước hết phải trao quyền cho họ”, TS Dương Thị Thanh Mai nói.

Trong những năm qua, vấn đề bình đẳng – không phân biệt đối xử - trong đó có bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt của Bộ luật Lao động 2012. Hầu hết các quy định của Bộ luật Lao động đều được áp dụng chung cho các giới.

Bên cạnh đó, xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên và xã hội khác nhau, Bộ luật Lao động đã có một số quy định riêng đối với lao động nữ, chủ yếu là các quy định về bảo vệ thai sản và bảo vệ lao động nữ. Tuy nhiên trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các quy định liên quan đến bình đẳng giới của Bộ luật Lao động đã bộc số nhiều vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt: “Những quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động hiện hành cần thực sự là: Những quy định về các biện pháp nhằm đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế như là những biện pháp đặc biệt tạm thời; những quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nam và lao động nữ”.

Góp ý của các đại biểu tại Hội thảo cũng nhìn nhận rằng, đây đều là những vấn đề lớn, phức tạp và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và nữ trên thị trường lao động nên cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận một cách rộng rãi, kỹ lưỡng.

Theo chương trình, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5-2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10-11/2019.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động