Làm rõ những vấn đề về quy hoạch chung Thủ đô, xử lý dự án "treo"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị đối thoại với Mặt trận Tổ quốc các cấp TP Hà Nội |
Sáng 9/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì đối thoại với MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tham dự hội nghị có các Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy tới 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã với sự tham gia của 6.518 đại biểu MTTQ các cấp TP.
Tại hội nghị, các đại biểu MTTQ các cấp đã nêu các câu hỏi với nhiều vấn đề cụ thể; lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP đã giải đáp từng vấn đề.
Đảm bảo cán bộ Mặt trận vừa đủ về số lượng vừa đủ về năng lực
Tại điểm cầu Thành ủy, Ủy viên Ban thường trực, Trưởng Ban Tổ chức Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề về thực tế đang có một bộ phận CBCCVC nghỉ việc do áp lực công việc lớn, chế độ tiền lương chưa đảm bảo cuộc sống, dù mức lương cơ sở đã tăng từ ngày 1/8/2023. Với chế độ đãi ngộ và mức tiền lương như hiện nay sẽ khó có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong các cơ quan của TP. Đặc biệt, yêu cầu đối với công tác Mặt trận ngày càng cao, khối lượng công việc tăng, số lượng cán bộ vẫn giảm theo lộ trình sẽ khó đảm bảo chất lượng công việc.
Ông Nguyễn Thanh Hải đề nghị Thành uỷ nghiên cứu có chính sách, giải pháp trong cải cách tiền lương cho đội ngũ CBCCVC Thủ đô, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các cơ quan của TP và biên chế phù hợp cho cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đồng thời có chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ Mặt trận TP đến các đơn vị cấp TP và cấp huyện, tạo điều kiện để cán bộ Mặt trận có cơ hội phát triển, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Trưởng Ban Tổ chức Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề |
Trao đổi về vấn đề bố trí biên chế và cơ chế tăng lương để "giữ chân" cán bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, TP có số lượng biên chế nhưng hiện chưa tổ chức tuyển hết. Vừa qua, 854 thí sinh đã thi vào khối Đảng-đoàn thể, số lượng này sẽ được bổ sung sớm nhất. Đồng thời, Ban Tổ chức Thành ủy tiếp tục nghiên cứu trong năm 2024 trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị, sẽ giao biên chế cho Mặt trận và các tổ chức CT-XH TP.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định, sẽ bố trí đủ biên chế theo vị trí việc làm của MTTQ nhưng tinh thần là không tăng biên chế mà tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trả lời vấn đề về thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ MTTQ. |
Liên quan đề xuất về tăng lương, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu rõ, T.Ư đang có lộ trình tăng tiền lương, TP thời gian qua cũng rất quan tâm chế độ chính sách cho CBCCVC, nhất là cấp cơ sở. TP đang xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nếu được thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để xem xét tăng lương cho CBCCVC.
Song song đó, tới đây TP sẽ tổ chức thi tuyển để tạo lực lượng bổ sung cho Mặt trận các cấp. Căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy cũng làm việc với các địa phương để lựa chọn, luân chuyển những đồng chí có năng lực, trình độ, uy tín đảm bảo thực hiện công tác Mặt trận. Như vậy để đảm bảo cán bộ Mặt trận vừa đủ về số lượng vừa phải đủ năng lực.
Nêu những vấn đề bất cập trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP nhấn mạnh, theo Điều 33 Luật Thủ đô, việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải đảm bảo tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô và dân tộc, xây dựng Hà Nội thực sự là Thủ đô văn hiến, trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hiện Hà Nội có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội đặt câu hỏi |
Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Trần Thị Vân Anh chia sẻ, TP Hà Nội thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã và đang tập trung vào 3 yếu tố quan trọng: Di tích đã xuống cấp trầm trọng; di tích cấp đã xuống cấp; di tích phải được đầu tư để trở thành điểm đến du lịch, đầu tư để khai thác, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Tại thời điểm này, các quận huyện đã có kế hoạch, nhiều di tích đã được khởi công và khánh thành.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao cũng cho biết, hiện TP mới có 1/5 số di tích được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp đó, nhiều di tích khác trong số liệu kiểm kê cần được tu bổ và trùng tu. Các di tích này đều đã nằm trong danh mục của Sở VH&TT TP cùng các đơn vị khảo sát, trong đó được phân loại theo các cấp: Đề xuất với Trung ương, dựa theo nguồn kinh phí của TP, dựa theo nguồn kinh phí của địa phương.
Theo quan điểm chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Thành ủy TP, HĐND và UBND TP, 5.920 di tích đều phải được lập hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý. Những hồ sơ này là cơ sở để bảo vệ di tích một cách độc lập, không bị lấn chiếm. Các di tích sẽ được phân loại theo các cấp, vinh danh và đề xuất các di tích theo 3 cấp đã được quy định.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh trả lời câu hỏi của đại biểu. |
Xây dựng quy hoạch phát triển hai bờ sông Hồng: Sẽ lấy ý kiến cộng đồng dân cư
Từ điểm cầu quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương Phạm Chi Linh cho biết, người dân Thủ đô rất quan tâm đến việc TP tiến hành các bước lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Trong tương lai, Hà Nội phải là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Từ đó, đại biểu đề nghị TP thông tin rõ hơn về tiến độ triển khai lập Quy hoạch và khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng.
Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội |
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh trả lời vấn đề này, cho biết: Về định hướng chung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Hà Nội sẽ được nghiên cứu điều chỉnh song song và đồng thời cùng với Quy hoạch Thủ đô cũng như Luật Thủ đô, đây là 3 nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ để đồng loạt phê duyệt, triển khai đồng thời trong thời gian tới.
Về định hướng chung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được tập trung cho một số vấn đề: Xác định yếu tố văn hiến, văn minh, hiện đại cho Thủ đô (nội dung đã được xác định trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị); nghiên cứu để phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn trong bối cảnh sẽ nghiên cứu lại để phân bổ dân cư - nội dung rất quan trọng sau quá trình rà soát trước đây; thứ ba, đầu tư và phát triển 2 bên Vành đai 4 trong bối cảnh nghiên cứu phát triển đô thị chung cho Hà Nội với các khu vực 2 bên Vành đai 4, 2 thành phố trực thuộc Thủ đô cùng khu vực phát triển huyện lên quận.
Đồng thời, nghiên cứu đối với 2 thành phố phía Bắc và Tây của Hà Nội, sẽ hình thành trên cơ sở thành phố phía Bắc gồm 3 đơn vị, khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm: Khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai để tạo dựng một cơ cấu mới trong tổ chức không gian của Hà Nội trước đây là thành phố trung tâm cùng với 5 đô thị vệ tinh sẽ hình thành cấu trúc mới, thành phố trung tâm, 2 thành phố trực thuộc và các đô thị vệ tinh tạo thành tổ chức không gian mới trong quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.
Về tiến độ, TP Hà Nội sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan và các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành trong khoảng tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2023; báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ dự kiến tháng 12/2023 và theo tiến độ này, trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền, sẽ kết hợp cùng điề chỉnh Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2023.
Đối với Quy hoạch sông Hồng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt năm 2021, với định hướng của sông Hồng sẽ nghiên cứu phát triển về mặt cảnh quan, văn hóa, giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên. Sông Hồng kết hợp với 5 trục: Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội sẽ trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tới đây và sông Hồng, trong thời gian tới sẽ trở thành sông nằm giữa đô thị phía B - Nam Hà Nội, đi qua trung tâm của TP.
"Như vậy về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông - nội dung đã được Bí thư Thành ủy chỉ đạo cũng như truyền tải đến các chuyên gia trong tổ tư vấn để triển khai trong thời gian tới"- Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết.
Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng thông tin: Dự kiến, cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng và trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và đặc biệt cần sự tham gia, phối hợp của MTTQ Việt Nam TP và các cấp. Ý kiến của MTTQ các cấp rất quan trọng trong vấn đề xác lập ý tưởng, định hướng trong thời gian tới trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Quang cảnh Hội nghị. |
Xử lý triệt để vấn nạn "dự án treo"
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề cập đến tình trạng các dự án “treo”, chậm triển khai, đang là vấn đề gây nhức nhối dư luận của rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP Hà Nội...
Thời gian qua, chính quyền TP đã vào cuộc quyết liệt, song kết quả xử lý vẫn chậm, thậm chí nhiều dự án kéo dài hàng chục năm chưa có chuyển biến, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH Thủ đô và đời sống người dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị TP quan tâm lãnh đạo để xử lý triệt để nạn "dự án treo" này.
Cùng với đó, ông Phạm Ngọc Thảo cũng đề nghị Thành ủy chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành khu chung cư, nhà chung cư, giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân; cấp GCN sở hữu nhà chung cư đối với các hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, tránh để phát sinh các vụ việc phức tạp kéo dài gây mất ổn định an ninh, trật tự ở địa phương.
Trước vấn đề đó, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, hiện trên địa bàn TP có 712 dự án chậm triển khai, mà nguyên nhân do quy hoạch, năng lực nhà đầu tư; khi mở rộng địa giới hành chính phải điều chỉnh quy hoạch… Từ đó, Thành ủy đã có Kết luận 51 và Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP chỉ đạo rà soát, xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn; HĐND có Nghị quyết số 04 và giao nhiệm vụ cho UBND TP.
Ngày 8/6/2022, UBND TP có Kế hoạch 160 triển khai thực hiện việc này. TP có phân loại các dự án này theo các dạng khác nhau và giao đơn vị thực hiện chính Sở TN&MT. Tại kỳ họp HĐND tháng 7/2023, UBND TP đã có báo cáo và đến nay đã xử lý đưa ra khỏi danh sách 419 dự án chậm. Hiện còn 293 dự án cần xử lý trong thời gian tới. Mục tiêu đến hết tháng 11/2023 cơ bản giải quyết xong 293 dự án. Đến hết tháng 11/2023, nếu nhà đầu tư không thực hiện hoặc cố tình chây ì thì sẽ kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trao đổi tại hội nghị. |
"Sở KH&ĐT sẽ tăng cường giám sát dự án đầu tư, xử lý dự án chậm muộn và khớp nối hạ tầng, công trình hạ tầng xã hội… để các dự án khi triển khai phát huy được hiệu quả; đồng thời đưa ra quy trình để kịp thời phát hiện dự án chậm triển khai để có giải pháp xử lý ngay"- ông Lê Anh Quân khẳng định.
Trả lời câu hỏi liên quan công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin, hiện TP có 1.135 tòa chung cư đã đưa vào sử dụng và có 132 chung cư xây dựng trước thời điểm Luật xây dựng nhà ở năm 2005, đến nay đã có 820 toà lập được ban quản trị (BQT). Trong quá trình thực hiện, TP đã quan tâm chỉ đạo việc quản lý, vận hành các nhà chung cư trên địa bàn TP, trong đó Thành ủy năm 2019 ban hành Chỉ thị 26 liên quan việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP. UBND TP ban hành Quyết định 29 về quản lý nhà chung cư và Kế hoạch 296 năm 2022 khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành các nhà chung cư trên địa bàn TP; đã chỉ đạo Sở Xây dựng tập huấn, hướng dẫn cho các quận, huyện, ban quản trị, chủ đầu tư trong việc quản lý, vận hành…
“Tuy nhiên, hiện công tác quản lý, vận hành vẫn còn khó khăn, bất cập, do trong quá trình quản lý, sử dụng chủ đầu tư có vi phạm; chưa thực hiện công tác nghiệm thu PCCC đã đưa người dân vào ở gây khó khăn cho quản lý, vận hành, gây xung đột lợi ích, chậm bàn giao quỹ bảo trì... Những vấn đề này chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, nên xảy ra tranh chấp tại một số chung cư liên quan xử lý các vấn đề tồn tại"- Giám đốc Sở Xây dựng nêu rõ.
Đồng thời cho biết, để giải quyết, TP sẽ tập trung vào 4 giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan rà soát vấn đề bất cập trong Luật Nhà ở, các nghị định, thông tư, hướng dẫn để góp ý, bổ sung trong quá trình điều chỉnh Luật Nhà ở; nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương để nắm bắt, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từ cơ sở trong công tác quản lý, vận hành; các sở chuyên ngành thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, BQT, chính quyền địa phương trong công tác quản lý; chủ đầu tư, BQT thực hiện nghiêm quy định liên quan quản lý về trật tự xây dựng, vận hành nhà chung cư…
Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ
Từ điểm cầu quận Tây Hồ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Trần Quang Đạo nêu vấn đề về giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp liên quan đến công tác giám sát, phản biện xã hội.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn làm rõ vấn đề đại biểu nêu |
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 18/1/2023 về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH.
Qua việc theo dõi, đôn đốc của Ban Dân vận Thành ủy, đến nay các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Dân vận Thành ủy cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị đưa nội dung thực hiện Kế hoạch 125-KH/TU vào chương trình công tác năm, có kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết việc thực hiện định kỳ 6 tháng, hàng năm gắn với công tác thi đua, đánh giá.
Theo Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 125 của Thành ủy đã đưa ra giải pháp, tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH và Nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó quy định rõ hơn nữa về quy trình, trách nhiệm, xử lý vi phạm và kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, trong đó MTTQ việt Nam giữ vai trò chủ trì trong giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương, đơn vị đang triển khai, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu dự hội nghị. |
“Tăng cường giám sát, phản biện xã hội là giải pháp quan trọng để huy động trí tuệ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện giám sát, phản biện xã hội không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mà còn là hoạt động hỗ trợ cấp ủy, chính quyền xây dựng và thực hiện các chính sách chất lượng, hiệu quả, hợp lòng dân. Địa phương, đơn vị nào nhận thức đầy đủ, quan tâm, làm tốt công tác này thì kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị nhất định sẽ khởi sắc” - Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ nhấn mạnh.
Từ điểm cầu huyện Ba Vì, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nguyễn Thị Kim Oanh đề nghị, TP thông tin thêm về quan điểm và giải pháp để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Theo đó, có nội dung về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, kinh phí thực hiện là 32,739 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí để thực hiện các nội dung thuộc nhiệm vụ của Sở Y tế là khoảng 18,7 tỷ đồng; phần còn lại là các dự án do huyện chủ trì. Việc bố trí vốn thực hiện trên cơ sở đề xuất của đơn vị, đã được Sở Tài chính tổng hợp tại Văn bản số 5045/SYT-KHTC ngày 5/4/2021 và đã được Sở Tài chính, Ban Dân tộc TP nhất trí.
“Sở Y tế đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch số 253/KH-UBND để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho trung tâm y tế huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Định kỳ hằng tháng, quý, năm có báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và báo cáo kết quả để UBND TP chỉ đạo kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ theo Kế hoạch này để nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn Thủ đô”- ông Vũ Cao Cương khẳng định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đối thoại với 6.500 đại biểu Mặt trận Tổ quốc các cấp TP |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại