Chủ nhật 28/07/2024 11:10
Xét xử sai phạm tại Tập đoàn FLC

Làm rõ khả năng khắc phục hậu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 26/7, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm của Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
Làm rõ khả năng khắc phục hậu quả

Bị cáo Trịnh Văn Quyết trả lời tòa

Toàn bộ tài sản đó đủ để khắc phục hậu quả?

Đáng chú ý, thay vì luận tội để bước sang phần tranh luận, VKSND đã đề nghị tòa quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ vấn đề khắc phục hậu quả của bị cáo

Trịnh Văn Quyết. Trả lời các câu hỏi của đại diện VKSND, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, đến ngày 25/7, bị cáo đã khắc phục trên 240 tỷ đồng. Về phương án khắc phục tiếp theo, Trịnh Văn Quyết cho biết, từ khi khởi tố, bị bắt tạm giam về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo đã liên tục làm việc với cơ quan CAvà luôn xin được khắc phục số tiền thiệt hại là trên 700 tỷ đồng. Bị cáo đã làm việc với luật sư với mong muốn xin dùng tài sản để khắc phục. Bị cáo đã bán Hãng hàng không Bamboo Airways trước để có tiền đền bù và đã thu được 200 tỷ đồng, nộp về cơ quan CA để khắc phục.

Theo bị cáo, còn lại 500 tỷ đồng, phía đối tác cam kết chuyển về cơ quan CA để bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả. Với số tiền này, bị cáo nghĩ rằng, đủ trả hết số tiền bị quy kết cho tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Đến tháng 8/2022, bị cáo bị khởi tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với số tiền bị quy kết là trên 3.000 tỷ đồng. Bị cáo đã xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân và cổ phần tại FLC. Theo cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị cáo nắm giữ 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC. Bị cáo cho rằng, toàn bộ tài sản đó đủ để khắc phục hậu quả. Bị cáo vẫn luôn tìm mọi cách để khắc phục hậu quả nếu bị HĐXX tuyên phải bồi thường.

Tài sản của bị cáo đang bị phong tỏa ước tính khoảng 4.800 tỷ - 5.000 tỷ đồng, cộng thêm số tiền người mua Bamboo Airways chưa trả thì bị cáo nghĩ rằng, toàn bộ tài sản đó đủ để khắc phục hậu quả của vụ án.

“Bị cáo mong HĐXX tạo điều kiện để bán tài sản đề bù thiệt hại, bao gồm cả cổ phần của bị cáo tại Tập đoàn FLC. Bị cáo rất mong cơ quan tố tụng cho bị cáo bán cổ phần FLC trước, nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết” - lời bị cáo Quyết. Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC khai, tính ra thì tài sản của FLC có giá trị thật lên tới hàng tỷ USD. Nếu bán thì cũng thu về số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, cũng như để VKSND xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX quyết định lùi thời gian tiến hành luận tội.

Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc tội "Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ở tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cáo trạng cáo buộc ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư.

Với tội "Thao túng thị trường chứng khoán", cơ quan công tố cáo buộc cựu Chủ tịch FLC và đồng phạm hưởng lợi hơn 723 tỷ đồng. Theo quyết định đưa ra xét xử, có gần 100.000 người được xác định là bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros được tòa triệu tập tới phiên xử. Song hàng chục nghìn người không tới phiên tòa.

Bị hại xin giảm án cho bị cáo!

Tại phiên tòa, ông Lưu Quang H, trú tại quậnThanh Xuân, Hà Nội, trình bày, ông mua cổ phiếu ROS từ khoảng năm 2019 - 2020, mua dần dần để tăng khối lượng cổ phiếu nắm giữ. Hiện ông còn nắm giữ 150.000 cổ phiếu ROS.

Ông Lưu Quang Hcho rằng, bản thân là người chịu thiệt hại trực tiếp từ vụ án. Do đó, ông đề nghị tòa án xác định lại tư cách để ông và những người tương tự là bị hại. “Tôi mong ông Trịnh Văn Quyết khắc phục cho chúng tôi, những người không còn nhu cầu nắm giữ bằng cách mua lại cổ phiếu ROS” – lời bị hại này.

Ông Lê Ngọc N, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, được triệu tập đến phiên tòa cả với tư cách bị hại và người liên quan, hiện nay còn nắm giữ hơn 667.000 cổ phiếu. Theo trình bày của ông Lê Ngọc N, ông mua cổ phiếu ROS qua sàn chứng khoán HOSE, khi đó cổ phiếu ROS nằm trong rổ VN30. Rổ VN30 gồm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa, thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE. Vì vậy, ông cũng như các nhà đầu tư khác tin tưởng mua. Ông mong được bồi thường cả vật chất lẫn tinh thần.

Là một trong số ít những người nắm giữ cổ phiếu ROS có mặt tại phiên tòa, ông Vũ Xuân H, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, cho biết, ông mua cổ phiếu này từ năm 2018 và 2019, hiện còn sở hữu 1.300 cổ phiếu. Khi mua cổ phiếu của ROS, bản thân không hề quen biết ông Trịnh Văn Quyết. Hiện số cổ phiếu trên ông Vũ Xuân H vẫn còn nắm giữ. Ông đề nghị HĐXX xem xét giảm hình phạt cho cựu Chủ tịch FLC sớm được về để tiếp tục sản xuất kinh doanh, để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư còn đang nắm giữ cổ phiếu.

Một nhà đầu tư khác vẫn còn sở hữu cổ phiếu của ROS là ông Võ Tây N, ở TP Hồ Chí Minh, cho hay, năm 2022, ông mua cổ phiếu ROS, hiện còn nắm giữ 200.000 cổ phiếu. Một nhà đầu tư khác mong sớm được giải quyết hậu quả vụ án và cho rằng, dễ dàng nhất là để ông Trịnh Văn Quyết đứng lên giải quyết hậu quả cho các nhà đầu tư. Ông Quyết có thể lấy tài sản của mình để sớm bồi thường thiệt hại. Bị hại này đề nghị HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Quyết.

Theo cáo buộc, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công vụ, chỉ đạo em gái - bị cáo Trịnh Thị Minh Huế cùng cấp dưới khác nâng khống vốn DN này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Faros niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán HOSE, bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư.

Chiều 27/7, đại diện VKSND đề nghị toà tuyên các mức án với các bị cáo, cụ thể: Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, 19 - 20 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tổng mức hình phạt là 24 - 26 năm tù.

Cùng bị truy tố hai tội danh trên, các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột ông Quyết, 17 - 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Cty chứng khoán BOS, em gái ruột ông Quyết, 10 - 12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT FLC, 11 - 13 năm tù; Trịnh Văn Đại, Phó Tổng giám đốc Cty CP Xây dựng FLC Faros, anh họ ông Quyết, 14 - 16 năm tù.

Ở tội "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", các bị cáo Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát Cty Đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 36 - 42 tháng tù; Dương Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, 24 - 30 tháng; Phạm Minh Trung, Trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, 18 - 24 tháng.

Ở tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, các bị cáo: Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT, 8 - 9 năm tù; Lê Hải Trà, cựu Tổng Giám đốc, cựu ủy viên HĐQT, 6 - 7 năm tù; Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết, 6 - 7 năm tù; Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết, 3 - 4 năm tù.

Trước phiên xử, luật sư của ông Trịnh Văn Quyết, luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho hay, đã nộp cho tòa án 376 văn bản với khoảng 4.280 người ký tên xin giảm trách nhiệm hình sự cho ông Quyết cùng các bị cáo khác trong vụ án. Trong số này có 88/133 bị hại.
Xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC: VKSND lùi thời gian luận tội
Bị cáo Trịnh Văn Quyết mong khắc phục hậu quả
Xét xử cựu Chủ tịch tập đoàn FLC: mức án đề nghị cho các bị cáo
Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động