Thứ sáu 26/07/2024 07:24
Xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại Tập đoàn FLC

Bị cáo Trịnh Văn Quyết mong khắc phục hậu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Được tòa hỏi về phương án bồi thường cho thiệt hại 4.300 tỷ đồng, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, tài sản cá nhân bị kê biên khoảng trên dưới 5.000 tỷ đồng và mong được tòa tạo điều kiện để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết khai trước toà
Bị cáo Trịnh Văn Quyết khai trước toà.

Khó khăn về tài chính nên mới phải bán cổ phiếu ROS

Trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bày tỏ nhiều tâm huyết dành cho Công ty cổ phần (Cty CP) Xây dựng FLC Faros (Cty Faros) và phương án bồi thường 4.300 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của vụ án.

Ông Quyết khai, kỳ vọng phát triển Cty lớn mạnh trong lĩnh vực xây dựng, đủ sức thực hiện các dự án nội bộ Tập đoàn FLC và cả các dự án bên ngoài. Đến tháng 3/2022, Cty Faros đã tham gia dự án nghỉ dưỡng, công trình của Tập đoàn FLC ở Hà Nội, Bình Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng.

Về việc bán cổ phiếu ROS trên sàn HoSE, bị cáo Quyết nói, Cty Faros là tâm huyết, chỉ muốn có thêm cổ phần, chưa bao giờ muốn bán. Do năm 2020, dịch Covid - 19 khiến tài chính lâm vào khó khăn, bị cáo mới phải bán và dự định sẽ mua lại. Nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt trong vụ án này.

Ông Quyết cho hay, dùng toàn bộ tài sản cá nhân, tài sản chung vợ chồng, làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của Cty này để đảm bảo Cty Faros được vận hành tốt.

Cựu Chủ tịch FLC trình bày, nếu sau phiên tòa bị tuyên buộc bồi thường toàn bộ 4.300 tỷ đồng, bị cáo mong được tạo điều kiện xử lý toàn bộ số tài sản này để có tiền nộp lại. Cựu Chủ tịch FLC cho rằng, số tài sản bị kê biên phong tỏa lên tới 4.800 - 5.000 tỷ đồng, đủ để thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án.

Với số tiền gần 200 tỷ đồng nộp trong giai đoạn bị truy tố, bị cáo khai, là số tiền được đối tác tạm trả khi bán đi một tâm huyết khác của mình là hãng hàng không Bamboo Airways và hy vọng thời gian tới, nếu người mua Bamboo Airways trả nốt 500 tỷ đồng sẽ nộp toàn bộ để khắc phục hậu quả.

Trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Cty Faros khẳng định, trước và sau giai đoạn ông Quyết bị bắt, Cty vẫn hoạt động bình thường, hiện vẫn là tổng thầu các công trình cho FLC. Nhưng mã ROS của Cty đã bị đình chỉ niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 8/2022 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Lý do tòa cho kiểm toán viên đối chất với Giám đốc?

Bị cáo Lê Văn Tuấn, kiểm toán viên Cty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội – CPA, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo buộc, Lê Văn Tuấn, kiểm toán viên CPA Hà Nội chịu trách nhiệm trực tiếp thu thập hồ sơ, tài liệu để đánh giá, kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo các báo cáo tài chính của Cty Faros; được Nguyễn Ngọc Tỉnh, Tổng Giám đốc CPA Hà Nội, phân công trực tiếp thực hiện cuộc kiếm toán tại Cty Faros.

Tuy nhiên, Lê Văn Tuấn không thu thập đầy đủ bằng chứng xác thực về vốn góp, sử dụng vốn góp và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư cua Cty Faros nhưng vẫn ký các báo cáo tài chính kiếm toán chấp nhận toàn phần với số vốn thực góp của Cty Faros là 4.300 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính kiểm toán số 122 ngày 31/5/2016; Báo cáo tài chính kiểm toán số 123 ngày 31/5/2016; Báo cáo tài chính kiếm toán số 120 ngày 30/5/2016 trái pháp luật. Hành vi của Lê Văn Tuấn đã giúp sức để Trịnh Văn Quyết hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền cua các nhà đầu tư.

Bị cáo Tuấn nói, bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh là người chỉ đạo nên bị cáo mới ký. Bị cáo Tỉnh còn hướng dẫn bị cáo khai như thế nào khi làm việc với cơ quan điều tra. Bị cáo Tuấn thừa nhận sai lầm khi cho rằng, từng có lời khai không trung thực. Về lý do, bị cáo nêu 2 nguyên nhân: do áp lực lớn vì công việc có thể bị dừng và do sức khỏe tâm thần của bị cáo.Vị chủ tọa hỏi về bằng chứng cụ thể việc bị cáo Tỉnh hướng dẫn lời khai, bị cáo Tuấn cho biết, “không có”.

Đối chất tại tòa, bị cáo Tỉnh cho biết, bị cáo là người đề nghị bổ sung bị cáo Tuấn vào nhóm kiểm toán, vì Tuấn giới thiệu khách cho Cty. Bị cáo Tỉnh khẳng định, bị cáo không hề gây sức ép hay chỉ đạo bị cáo Tuấn phải ký báo cáo kiểm toán. Bị cáo Tỉnh cũng phủ nhận hướng dẫn bị cáo Tuấn khai như thế nào nếu thi bị hỏi cung. Bị cáo Tỉnh khẳng định, bị cáo Tuấn trình bày trước tòa như vậy là sai.

Dẫn chứng cho lời khai của mình, bị cáo Tỉnh nêu tên một số người làm chứng về việc này. Bị cáo Tỉnh cam kết, báo cáo kiểm toán tài chính của Cty Faros do CPA ký ban hành là có sự đồng thuận của các thành viên trong nhóm kiểm toán.

Vay hộ em chồng để trả nợ…

Một trong những bị hại (nhà đầu tư) là ông Lê Ngọc Nông, SN 1978, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, trình bày, mua mã cổ phiếu ROS (667.200 cổ phiếu). Hiện, bị hại này mong muốn được nhận lại tiền bằng số cổ phiếu đã mua của Cty Faros, cùng bồi thường về tổn thất tinh thần.

Đại diện Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn FLC không có quan hệ trực tiếp với Cty Faros. Tập đoàn FLC không sử dụng các khoản tiền mà Cty Faros thu được của các nhà đầu tư. Đối với những tài sản đã bị thu giữ trong quá trình điều tra, Tập đoàn FLC tôn trọng và chấp nhận các phán quyết của tòa án.

Đại diện Cty Faros trình bày, Cty Faros đã được tiếp cận các tài liệu liên quan đến vụ án. Cty Faros tôn trọng các kết luận như cáo trạng đã xác định về số tài sản. Đại diện Cty Faros cho biết thêm, giá trị của các cổ phiếu ROS vẫn còn giá trị, chỉ bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán.

Vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết (bà Lê Thị Ngọc Diệp) nói, tôn trọng nội dung kết luận của cáo trạng kê biên, phong toả liên quan đến bị cáo Quyết và bà Diệp và đề nghị tòa án xử lý theo quy định của pháp luật.

"Thực hiện theo mong muốn, nguyện vọng của chồng tôi về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, gia đình chúng tôi đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất. Đến nay, gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án", vợ bị cáo Quyết nêu.

Trước đó, vợ bị cáo Quyết đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả 23 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền bị cáo Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả vụ án là gần 240 tỷ đồng.

Xét xử cựu Chủ tịch tập đoàn FLC: cổ đông muốn ông Quyết mua lại cổ phiếu Xét xử cựu Chủ tịch tập đoàn FLC: cổ đông muốn ông Quyết mua lại cổ phiếu

Tại toà, trong phần trình bày nguyện vọng, các bị hại mong muốn cổ phiếu ROS tiếp tục được niêm yết trên sàn chứng khoán. ...

Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động