Lại chuyện “sơ suất” của lực lượng Hải quan?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Rạng sáng ngày 4-3-2014, trong khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương- Cục Hải quan An Giang đã phát hiện một chiếc ghe chở hàng hóa trên sông Tiền có dấu hiệu nghi vấn, lực lượng tuần tra đã nhanh chóng tiếp cận chiếc ghe đầy nghi ngờ này. Qua kiểm tra, người điều khiển phương tiện trình bày là đang chở nông sản, tuy nhiên người điều khiển phương tiện không có chứng từ hợp lệ nên lực lượng Hải quan đã yêu cầu các đối tượng điều khiển phương tiện vào bờ để làm rõ.
Khi lực lượng Hải quan chưa xác định được hàng hóa trên chiếc ghe thì lợi dụng sơ hở, các đối tượng điều khiển phương tiện đã lao xuống sông trốn thoát.
Nhiều vụ vận chuyển hàng lậu bị “bịt đầu mối” do đối tượng vận chuyển tẩu thoát. Ảnh: N.Khuê
Tiến hành kiểm tra toàn bộ số hàng trên ghe, phía dưới lớp nông sản là những khối gỗ, bàn gỗ được chất đầy khoang. Theo kiểm tra ban đầu, số gỗ trên có khối lượng khoảng 70m3, gồm các loại gỗ căm xe, gỗ mật nhóm I, II… có giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài lượng lớn gỗ nói trên còn có 19 cái bàn gỗ lớn, loại gỗ trên, trị giá trên thị trường hiện nay trên dưới 30 triệu đồng/chiếc. Như vậy, theo nhận định ban đầu thì lô hàng gỗ nói trên có nhiều khả năng là hàng vận chuyển trái phép. Do vậy mà lực lượng vận chuyển không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, và đã tìm cách tẩu thoát. Cho đến thời điểm hiện tại thì lô hàng gỗ có giá trị hàng tỷ đồng này đã được lực lượng Hải quan và Kiểm lâm kiểm đến ban đầu trong tình trạng… vô chủ.
Xét về “chiến công”, việc phát hiện và thu giữ lô hàng có dấu hiệu là hàng lậu có giá trị hàng tỷ đồng thì quả là việc làm đáng được khen thưởng của lực lượng Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương. Nhưng xét về khía cạnh nghiệp vụ thì kết quả của việc thu giữ này còn nhiều vấn đề cần phải xem xét trách nhiệm của những người có liên quan.
Bởi một điều dễ hiểu là, nếu lô hàng trên thực chất là hàng lậu, bị phát hiện khi đang vận chuyển trái phép, để xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng lậu… thì cần phải xác định được loại mặt hàng, giá trị hàng, nguồn gốc hàng… để xử lý những đối tượng có liên quan. Nhưng ở vụ việc này, đối tượng vận chuyển là đầu mối để khai thác thông tin về lô hàng lậu nói trên, làm cơ sở để giải quyết vụ việc lại đang “mất tích”. Tang vật là những khối gỗ, cái bàn… vô tri vô giác, liệu các lực lượng chức năng có khai thác được thông tin về lô hàng lậu nói trên? Nếu việc xử lý chỉ dừng lại ở thu giữ tang vật, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về hành vi buôn lậu “thay” cho những đối tượng tham gia buôn lậu?
Điều khiến dư luận quan tâm là có nhiều vụ phát hiện vận chuyển hàng lậu có giá trị tài sản lớn, các lực lượng chức năng thu giữ được tang vật lại để cho các đối tượng vận chuyển dễ dàng tẩu thoát, đồng nghĩa với việc dễ dàng “bịt đầu mối” của hàng lậu? Hay lại là… “sơ suất” do… nghiệp vụ?
Nguyễn Khuê
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại