Thứ năm 02/05/2024 17:45

Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam: Tự hào vì những người gìn giữ bình yên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, sắc bén trong công tác nhiệm vụ trước tội phạm, trước các thế lực thù địch gây bất ổn tình hình an ninh, xã hội... mang lại sự bình yên cho Nhân dân, cho tổ quốc.
Hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa của lực lượng Công an giúp bà con nhân dân vùng biên vững tâm hơn trong cuộc sống (Ảnh Hoàng Phạm)
Hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa của lực lượng Công an giúp bà con nhân dân vùng biên vững tâm hơn trong cuộc sống. Ảnh: Hoàng Phạm

Luôn đi trước đón đầu!

Chúng tôi không được sinh ra trong thời chiến, không được tận mắt mình thấy những năm tháng hào hùng của dân tộc trước các thế lực thù địch, ngoại xâm. Lịch sử vẻ vang của dân tộc được ghi lại cặn kẽ, được dựng lại qua những thước phim chi tiết và chân thực để rồi hậu thế hôm nay được hiểu, thấy rõ hơn về sự hi sinh, mất mát, về những chiến công hiển hách, vẻ vang của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, hòa bình của đất nước. Những thành tựu cách mạng qua các thời kỳ khiến bạn bè thế giới bốn bể năm châu phải nể phục, trở thành nguồn cảm hứng tinh thần bất tận về sự tự tôn, tự cường và hùng cường, không chấp nhận lệ thuộc, nô lệ, luôn yêu chuộng hòa bình... cho nhiều quốc gia, dân tộc khác trên thế giới.

Trong hành trình của công cuộc chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, tự do dân tộc, luôn có một lực lượng nòng cốt, một cánh tay đắc lực của Đảng, của dân ta đó là lực lượng Công an Nhân dân. Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam ra đời. Tên gọi của những tổ chức Công an Việt Nam đầu tiên ở 3 miền là: Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia tự vệ Cuộc Nam Bộ. Tuy tên gọi ban đầu có khác nhau, nhưng đây là những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phản động, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Nhân dân.

Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành "Việt Nam Công an Vụ" nằm trong Bộ Nội vụ và cử đồng chí Lê Giản làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an Vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh.

Ngay sau khi ra đời, Công an Việt Nam đã bước ngay vào trận chiến đấu quyết liệt, một mất một còn với các kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc. Tổ chức các cuộc trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phản động và bọn tội phạm hình sự, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng vừa thành lập ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tiêu biểu là thắng lợi của Công an Việt Nam trong vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, kịp thời trấn áp, khám phá thành công và đưa ra ánh sáng âm mưu nham hiểm của bọn phản động Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ dự định vào ngày 14/7/1946...

Công an phường Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) tăng cường thực hiện đợt cao điểm phủ xanh tài khoản định danh điện từ ở cơ sở (Ảnh Hoàng Phạm)
Công an phường Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) tăng cường thực hiện đợt cao điểm phủ xanh tài khoản định danh điện từ ở cơ sở. Ảnh: Hoàng Phạm

Sau năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Lực lượng Công an Nhân dân đã chủ động tích cực trên các mặt công tác và chiến đấu, lập nên những chiến công xuất sắc trên cả chiến trường miền Nam và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Tại miền Bắc, lực lượng Công an Nhân dân đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, phát động rộng rãi, mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng ngừa, phát hiện và dập tắt kịp thời các tổ chức gián điệp cài lại, phát hiện, bắt giữ hàng trăm toán gồm hàng ngàn tên gián điệp biệt kích và trấn áp kịp thời các tổ chức phản động nhen nhóm; làm thất bại chiến tranh tâm lý, chiến tranh phá hoại của địch;...

Sau ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất, lực lượng Công an Nhân dân cả nước thống nhất và tiếp tục bước vào trận chiến đấu mới, không kém phần gian khổ, hy sinh và đầy khó khăn, phức tạp. Phát huy truyền thống vẻ vang, và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Công an Nhân dân đã nhanh chóng thống nhất về tổ chức, tăng cường biên chế và củng cố về mọi mặt, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác công an trong phạm vi cả nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị mới do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó....

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ bao nhiêu, dù kẻ thù có mạnh, gian ác tới nhường nào thì lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam vẫn luôn mưu trí, dũng cảm phá tan mọi âm mưu, tội ác, phá hoại an ninh trật tự, khối đại đoàn kết dân tộc của các loại tội phạm, các thế lực thù địch trong nước, ngoài nước. Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam luôn khẳng định được trách nhiệm, vị thế, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, khiến tội phạm, kẻ thù phải sợ hãi, thất bại dù mưu mô xảo quyệt, lì lợm tới đâu.

Họ đâu chỉ biết mỗi việc trấn áp tội phạm

Trong 78 năm qua, lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam không ngừng rèn luyện, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, không ngừng học tập theo những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn là nòng cốt, là cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân Việt Nam.

“Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là Quân đội để đánh giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hoà bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hoà bình. Lúc chiến tranh thì Quân đội đánh giặc, lúc hoà bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hoà bình lại càng nhiều việc…” -Trích huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956.

Dẫu trong thời bình, máu của chiến sĩ Công an vẫn đổ xuống vì sự bình yên của nhân dân (hình ảnh người dân xót xa tiễn đưa Đại úy Lê Ánh sáng tại Hà Tĩnh đã hi sinh khi làm nhiệm vụ cùng hai đồng đội khác ở đèo Bảo Lộc)
Dẫu trong thời bình, máu của chiến sĩ Công an vẫn đổ xuống vì sự bình yên của Nhân dân, hình ảnh người dân xót xa tiễn đưa Đại úy Lê Ánh sáng tại Hà Tĩnh đã hi sinh khi làm nhiệm vụ cùng hai đồng đội khác ở đèo Bảo Lộc. Ảnh: Lê Tập

Công an thời kháng chiến đã gian khổ, vất vả, thời bình càng gian khổ, vất vả hơn nữa. Trong thời bình, trước các loại tội phạm trong nước, tội phạm xuyên quốc gia, lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam luôn phải đương đầu với chúng mỗi ngày, thậm chí phải đấu trí và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tới cùng với sự nghiêm minh của luật pháp, sự bình yên trong Nhân dân. Biết bao vụ đại án, biết bao thế lực chống phá... lần lượt bị triệt phá một cách ngoạn mục. Vừa phòng chống tội phạm, xử lý các thế lực thù địch chống phá, gây mất trật tự trị an, lực lượng Công an còn phải làm rất nhiều nhiệm vụ lớn song hành.

Đó là những đêm trắng cùng Nhân dân thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19; là những đêm trắng cùng chính quyền địa phương lao vào các vùng tâm bão, lũ lụt để giúp đỡ Nhân dân; là những ngày tháng miệt mài với nhiệm vụ cấp căn cước công dân; là những "chiến dịch” cài đặt, hướng dẫn Nhân dân về ứng dụng định danh điện tử; là những những lúc ròng rã cùng sát cánh với chính quyền xây dựng những căn nhà vững chãi cho người nghèo, bà con dân tộc thiểu số nơi các vùng biên giới... Trên bất kỳ mặt trận nào, lực lượng Công an cũng luôn thể hiện được trí tuệ, sáng tạo và trách nhiệm, luôn là điểm tự vững chắc cho Nhân dân.

Trong thời bình nhưng máu của các chiến sĩ vẫn đổ xuống, những nỗi đau mất mát, hi sinh của lực lượng Công an không chỉ khiến lực lượng, người thân các chiến sĩ, mà còn khiến cả Nhân dân luôn thấy đau đớn khôn xiết. Chỉ mới đây thôi, ngày 30/7 vừa qua, chúng ta lại phải chứng kiến sự hi sinh của 3 chiến sĩ Cảnh sát giao thông trong khi làm nhiệm vụ tại đèo Bảo Lộc, đó là Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (SN 1981), thượng úy Lê Quang Thành (SN 1977) và thượng úy Lê Ánh Sáng (SN 1990). Họ đều là những người con của Nhân dân, dẫu trong thời bình nhưng máu vẫn đổ, vẫn hi sinh tính mạng trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ sự bình an, bình yên cho Nhân dân.

Trong mọi hoàn cảnh, lực lượng Công an luôn biến những đau thương thành những hành động. Dù có hi sinh, mất mát, các chiến sĩ Công an vẫn kiên cường, bất khuất, “gan không núng, chí không mòn” trước các loại tội phạm, luôn là những người con kiên trung của Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, bao bọc...

Vinh quang trên vai những người anh hùng
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ thị về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng Công an Nhân dân
Tiên phong, gương mẫu, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động