Kỳ cuối: Thiếu chế tài xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về thẩm định giá”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột số người của Cty thẩm định giá bị khởi tố vì liên quan đến thẩm định giá tại khu đấu giá đất ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh |
Chế tài chưa đủ nặng
Thẩm định giá là khâu quan trọng trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, CP hoá. Nghiên cứu các vụ việc gần đây liên quan đến hoạt động mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất… cho thấy, nhiều trường hợp thẩm định viên và tổ chức thẩm định giá lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản tùy theo lợi ích của các cá nhân, đơn vị liên quan. Những kẽ hở của pháp luật đã được các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng nhiều lần chỉ ra.
Vụ án được dư luận quan tâm là vụ việc liên quan đến việc sản xuất và “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 của Cty CP Công nghệ Việt Á bị khởi tố hình sự vì vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng trong việc cung ứng kit xét nghiệm Covid-19.
Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hành động quyết liệt, kịp thời chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá góp phần ngăn chặn các hành vi sai phạm. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia pháp lý cho rằng, sẽ là chưa đủ nếu những hành vi sai phạm đó chưa bị xử lý bằng một chế tài pháp luật nghiêm minh, thỏa đáng tưng xứng với những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra cho xã hội.
Theo tìm hiểu của PV, chế tài đối với những hành vi sai phạm trong thẩm định giá được quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Theo đó, thẩm định viên về giá có vi phạm có thể bị phạt đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đúng hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về quy trình thẩm định giá, phương pháp thẩm định giá; Không áp dụng đủ các phương pháp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
Nếu thực hiện hành vi: Thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; Làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá… sẽ bị xử phạt đến 70 triệu đồng. Ngoài ra có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước Thẻ thẩm định viên về giá có thời hạn cao nhất đến 90 ngày được quy định tại Điều 19, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP.
Đối với DN thẩm định giá, sẽ bị phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Thực hiện thẩm định giá mà không có hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá đồng thời cũng không có văn bản yêu cầu thẩm định giá của khách hàng thẩm định giá; Phát hành Chứng thư thẩm định giá hoặc Báo cáo thẩm định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…
Nếu có hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị phạt tiền đến 220 triệu đồng. Nếu có hành vi làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá, sẽ bị phạt tiền lên đến 260 triệu đồng.
Ngoài ra còn có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá lên đến 60 ngày. Trong trường hợp DN thẩm định giá bị đình chỉ 2 tháng mà không khắc phục được vi phạm thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Điều 18.
Cần nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý
Có thể thấy, dù những sai phạm trong thẩm định giá gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhưng chế tài đối với hành vi sai phạm chỉ cao nhất là 260 triệu.
Theo một số chuyên gia pháp lý, chế tài như vậy là quá nhẹ, chưa tương xứng với hậu quả mà nó gây ra. Điều này khiến nhiều thẩm định viên, DN thẩm định giá sẵn sàng chấp nhận bị phạt, thông đồng câu kết với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá để đổi lại những khoản lợi ích bất hợp pháp lớn hơn nhiều so với tiền phạt.
Theo dõi các vụ án kinh tế tham nhũng gần đây liên quan đến hoạt động đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế, thiết bị giáo dục, đấu giá quyền sử dụng đất… có nhiều thẩm định viên, Cty thẩm định liên quan bị khởi tố bắt giam. Điều đáng nói, các bị can chủ yếu bị truy tố với vai trò là đồng phạm về một trong 3 tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá. Trong đó, chủ yếu là đồng phạm cùng tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chiếm tới 8 trong tổng số 11 vụ án.
Một số luật sư cho rằng, BLHS hiện nay chưa có chế tài hình sự nào xử lý về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá. Mặc dù, thời gian qua đã có nhiều thẩm định viên vi phạm bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, chủ yếu bị khởi tố với vai trò đồng phạm, giúp sức, dẫn đến hệ quả là thiếu tính răn đe, nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà chấp nhận vi phạm.
Điều này từng được chính ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thừa nhận, luật hiện tại không có tội danh hình sự nào về thẩm định giá, những vụ án liên quan đến thẩm định giá thời gian qua cho thấy, các thẩm định viên về giá chỉ bị khởi tố liên quan đến các tội đồng phạm, giúp sức cho sai phạm.
Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, bên cạnh việc kịp thời chấn chỉnh các hoạt động thẩm định giá như: hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản Nhà nước… cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá.
Đặc biệt, những nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung chế tài hình sự về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá, đảm bảo những hành vi sai phạm có thể được xử lý bằng một chế tài pháp luật nghiêm minh, đủ sức răn đe, thỏa đáng, tương xứng với những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra cho xã hội.
Báo cáo của Cục Quản lý giá, những năm vừa qua Bộ Tài chính đã xử phạt vi phạm hành chính 33 DN thẩm định giá. Năm 2019 đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá với 16 DN. Năm 2020 con số thu hồi là 18 DN và 11 tháng đầu năm 2021 thu hồi với 13 DN thẩm định giá. Liên quan đến đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, năm 2019 Bộ Tài chính đã đình chỉ 12 DN, năm 2020 đình chỉ 3 DN và 11 tháng năm 2021 đình chỉ 6 DN thẩm định giá. |
Kỳ 1: Đấu giá, đấu thầu đất sẽ ngày càng minh bạch, công bằng hơn | |
Kỳ 2: Đấu giá trực tuyến sẽ tạo ra thị trường công khai, minh bạch | |
Kỳ 3: Gỡ những vướng mắc để “thúc” tiến độ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại