Thứ hai 29/04/2024 04:15
Muôn vàn “mánh khóe” lừa đảo tinh vi trên không gian mạng:

Kỳ cuối: Theo dõi, cập nhật thông tin để phòng ngừa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua, các phương thức lừa đảo chiếm doạt tài sản, ngày càng biến tướng và tinh vi. Nhiều cuộc thi online trên mạng được diễn ra, lợi dụng việc này, tội phạm công nghệ cao đã dùng thủ đoạn sử dụng một website rất đơn giản để bình chọn các cuộc thi như: giọng hát Việt nhí, tham gia người mẫu nhí, trung tâm đào tạo cờ vua nhí, tuyển mẫu ảnh quý bà thanh lịch… rồi dẫn dụ người dùng tự cung cấp tài khoản Facebook như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại để chiếm quyền sử dụng nhằm mục đích lừa đảo...
-	2 đối tượng bị lừa đảo công nghệ cao bị lực lượng CA bắt giữ. Ảnh: CQCA
2 đối tượng bị lừa đảo công nghệ cao bị lực lượng CA bắt giữ. Ảnh: CQCA

Cảnh giác trước những đường link lạ

Mới đây, chị M, trú tại quận Long Biên, Hà Nội nhận được tin nhắn của người bạn qua Facebook, hiện đang làm giáo viên của một trường mầm non tại Hà Nội. Tin nhắn có nội dung: “nhờ vào bình chọn giúp cháu mình 1 phiếu” và gửi kèm đường link.

Mở đường link: tainangnhiss3-22-23.weebly.com, chị M thấy trang bình chọn được bố trí khá bắt mắt với hình ảnh của các thí sinh nhí và một số nghệ sĩ nổi tiếng. Các thí sinh trong hình đều có lượt bình chọn khá tương đương với lần lượt: 530, 535, 551.

Cách hiển thị các con số này được thiết kế khá bắt mắt với hình thức “nhảy số”, bắt đầu từ số 1 đến số “đã chốt”. Để tạo sức hút, trang này đã thiết kế bộ đếm ngược thời gian bình chọn gồm: ngày, giờ, phút và giây nhằm thôi thúc người bình chọn. Ngay cạnh đó, trang này bố trí các mục dành cho người bình chọn gồm: tên tài khoản Facebook, mật khẩu Facebook và số điện thoại.

Vì thường xuyên đọc báo nên biết được nhiều cảnh báo lừa đảo của lực lượng chức năng nên chị M đã cẩn trọng, gọi điện thoại cho người bạn thì được biết Facebook của người bạn này đã bị hack trước đó mấy ngày. Sau khi hack tài khoản, các đối tượng chiếm doạt quyền sử dụng tài khoản đó rồi giả danh chủ tài khoản nhắn tin gửi lời mời bình chọn cho hàng trăm tài khoản khác là bạn bè, người quen của bị hại. Nếu ai chấp nhận lời yêu cầu tham gia bình chọn, tài khoản của họ tiếp tục bị hack, bị dùng để đi lừa đảo.

Các đối tượng sẽ lợi dụng vào những mối quan hệ như giả dạng bạn bè, người thân, đối tác để khiến nhiều người không mảy may nghi ngờ mà đăng nhập vào website, nhập các thông tin như tên đăng nhập và số điện thoại, mật khẩu Facebook. Đường link bình chọn, trang web có giao hiện rất chi tiết và y như thật.

Sau khi hack xong, các đối tượng nghiên cứu mục tin nhắn messenger, xem cách thức chủ tài khoản thường nhắn tin rồi giả làm chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để mượn tiền với nhiều lý do khác nhau. Sau đó, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, hẹn mấy giờ trong ngày chuyển trả lại rồi chiếm doạt.

Không dừng lại ở đó, tin tặc còn lợi dụng nhu cầu bức thiết khôi phục tài khoản, chúng nhắn tin vào số điện thoại, hay bình luận vào tin nhắn của Facebook cá nhân để tiếp tục lừa đảo. Nếu người dùng cả tin, liên hệ với số điện thoại chúng cung cấp, hay gửi giấy tờ tùy thân… cho chúng thì coi như lại bị lừa thêm một lần nữa.

Vào đầu tháng 3/2023, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CA Quảng Nam, CATP Đà Nẵng, CA tỉnh Quảng Trị điều tra và phát hiện nhóm gồm 6 đối tượng đã chiếm quyền sử dụng nhiều tài khoản Facebook và Zalo để lừa đảo hàng trăm người trên địa bàn cả nước.

Thủ đoạn của các đối tượng sử dụng một website rất đơn giản để bình chọn các cuộc thi như tài năng nhí, các cuộc thi của học sinh giỏi… để dẫn dụ người dùng tự cung cấp tài khoản mạng xã hội Facebook như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại để chiếm quyền sử dụng mạng xã hội Facebook, qua đó biết được danh sách bạn bè, số điện thoại.

Sau đó đối tượng sử dụng phương thức đơn giản khác để nhắn tin một đường link yêu cầu người dùng tự quét mã QR và đăng nhập Zalo qua giao diện Web mà không biết ngay lúc đó đã cho phép đối tượng quyền sử dụng tài khoản Zalo của mình rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh bạ để hỏi mượn tiền. Nhiều người không để ý khi nhận tin nhắn, tưởng bạn bè cần tiền nên đã chuyển khoản...

-	Trang bình chọn khi mở đường link lừa đảo được thiết kế y như thật. Ảnh: CQCA
Trang bình chọn khi mở đường link lừa đảo được thiết kế y như thật. Ảnh: CQCA

Những khuyến cáo khi dùng mạng xã hội

Thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục mở rộng đối tượng hướng tới là các “quý bà”, thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook. Các đối tượng lập ra fanpage trên mạng xã hội và đăng tải các thông tin tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà như: “công ty cần tuyển mẫu ảnh quý bà thanh lịch; Cơ hội để bạn tỏa sáng, hiện thực hóa vẻ đẹp quý phái và sức quyến rũ của mình qua ống kính tài năng của các nhiếp ảnh gia hàng đầu. Hãy khám phá vẻ đẹp thanh lịch và sự duyên dáng của những bức ảnh với các quý bà hiện đại; chúng tôi tìm kiếm những người phụ nữ tỏa sáng với phong cách riêng biệt, đẳng cấp và quyến rũ;

Thông tin yêu cầu: độ tuổi từ 35 trở lên; tự tin trướt ống kính. Quyền lợi: ứng viên sẽ được nhận lại toàn bộ hình ảnh đã qua chỉnh sửa; được đào tạo kỹ năng tạo dáng trước máy quay; lương: 400 - 500 nghìn đồng/buổi. Thanh toán vào tài khoản thụ hưởng cuối ngày; gửi ảnh về Ban tổ chức để tham dự; chi tiết liên hệ qua fanpage".

Thông qua fanpage, khi “quý bà” có nhu cầu, các đối tượng sẽ cung cấp số điện thoại, kết bạn Zalo và thông tin cá nhân để đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, các quý bà sẽ được tham gia vào các hoạt động nhóm và yêu cầu chọn các sản phẩm như: váy, túi xách, nước hoa, đồng hồ… với số tiền khác nhau.

Theo đó, bà H, trú tại Hà Nội sau khi mua sản phẩm và được hoàn lại gần 20 triệu. Bà H tiếp tục thực hiện thêm 10 lần giao dịch với tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng không được hoàn lại tiền. Lúc này, bà H mới biết mình bị lừa và đi trình báo CA.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội khuyến cáo người dùng mạng xã hội: khi nhận được yêu cầu từ người thân bằng tài khoản mạng xã hội, cần phải xác minh thông tin qua việc gặp mặt trực tiếp, gọi điện thoại bằng số điện thoại được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội.

Tuyệt đối không nhập thông tin cá nhân vào những đường link lạ. Nếu lỡ nhập và cảm thấy bất thường, người đùng nên lập tức đổi mật khẩu hay khóa tài khoản, thẻ ngân hàng… Khi sử dụng mạng xã hội, cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là người trung niên, người già cao tuổi; trình báo CQCA nơi gần nhất khi phát hiện hoặc nghi vấn có các hành vi thủ đoạn như trên.

Kỳ 2: Tỉnh táo trước những cuộc điện thoại lạ
Kỳ 1: Chủ hàng “mất trắng” vì biên lai chuyển khoản giả
Kỳ 3: Chiếm quyền điều khiển điện thoại bằng ứng dụng Dịch vụ công giả mạo
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động