Thứ tư 16/10/2024 15:05
Luật Quảng cáo (sửa đổi) - quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội

Kỳ cuối: Luật Quảng cáo (sửa đổi) nhằm mục tiêu đưa việc quản lý về một mặt phẳng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nói về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định rằng, Luật Quảng cáo (sửa đổi) nhằm mục tiêu đưa việc quản lý về một mặt phẳng.
Toàn cảnh phiên họp lấy ý kiến về dự án dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo của UBTV Quốc hội tháng 9/2024. Ảnh: Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp lấy ý kiến về dự án dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo của UBTV Quốc hội tháng 9/2024. Ảnh: Quốc hội

Quản lý cả hoạt động quảng cáo qua các hình thức thư điện tử, các thiết bị viễn thông

Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trước khi đưa ra cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV tới.

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, dự thảo luật có bổ sung chi tiết trách nhiệm của các bộ, cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo là rất phù hợp, đặc biệt là đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

“Trong dự thảo này, phần viết về Bộ TT&TT rất đầy đủ, rất khái quát và đủ các loại hình liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động này trên không gian mạng. Tuy nhiên, với các nội dung khác của dự thảo luật, tôi cho rằng mới chỉ tập trung vào hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội mà chưa bao quát được hoạt động quảng cáo khác như đã giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT” – theo Tổng Thư ký Bùi Văn Cường.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, khái niệm quảng cáo trên không gian mạng rộng hơn quảng cáo trên mạng xã hội rất nhiều.

Ông cho rằng ngoài quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram… cũng cần quản lý cả hoạt động quảng cáo qua các hình thức như là thư điện tử, e mail, các thiết bị viễn thông như tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến.

Đồng thời ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát các điều khoản tại Luật Quảng cáo để sửa đổi, bổ sung để quản lý tốt hơn nữa hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, thiết lập cơ chế phối hợp nhằm đảm bảo tránh thất thu thuế về quảng cáo của tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, nhất là đối với các hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Còn theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, về nội dung sửa đổi, bổ sung về quảng cáo trên môi trường mạng. Hiện nay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản, Điều về khái niệm người truyền tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội trong các sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo…

Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 72 của Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet thì mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng, các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau bao gồm cả các diễn đàn, forum chuyện trò, chat… chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Như vậy theo ông Nguyễn Thanh Hải, nếu chỉ quy định là mạng xã hội có thể chưa thực sự đầy đủ và cũng mang một cách khá chung chung, chưa bao quát hết các nền tảng, phương thức truyền thông đang có hiện tại như các kênh bán hàng. Hiện nay có thể nói việc quảng cáo diễn ra trên diện rộng, thường xuyên, liên tục trên kênh như Shopee, Lazada, Grab…

Do đó ông đề nghị cơ quan soạn thảo có thể làm rõ hơn khái niệm này để đảm bảo quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, làm căn cứ để quy định quyền, nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh quan tâm đến các vi phạm trong các hoạt động quảng cáo ở trên mạng.

Theo ông, dự án Luật có quy định về chế tài để xử lý quảng cáo trên không gian mạng, nhưng bây giờ mới quy định xử phạt hành chính, còn những thông tin quảng cáo như vậy ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích của Nhà nước và các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chỗ này cần phải quy định rõ hơn.

Đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới. Theo ông cần quy định rõ về quy trình, thủ tục xử lý bảo đảm tính khả thi để có thể áp dụng được các chế tài.

Một vấn đề nữa theo ông, quan tâm đó là trong hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài xuyên biên giới như vậy phát sinh các doanh thu, vậy xử lý như thế nào để chúng ta có cách thu được thuế, khi phát sinh doanh thu phải đóng thuế, đóng phí.

Phần này quy định ở đây hay quy định ở Luật Thuế, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và phối hợp. Rõ ràng có phát sinh doanh thu, chúng ta có khi thất thu về khoản thu này. Có những quảng cáo trên Tiktok người ta thu được có khi hàng trăm triệu đồng một tháng chứ không phải ít. Đề nghị phải nghiên cứu để xử lý vấn đề này tránh thất thu.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Quốc hội
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Quốc hội

Luật Quảng cáo (sửa đổi) nhằm mục tiêu đưa việc quản lý về một mặt phẳng

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Luật Quảng cáo lần này được sửa đổi nhằm một mục tiêu lớn. Bộ Văn hóa đã xác định rõ việc này cùng các bộ, ngành liên quan. Đó là phải đưa vấn đề quản lý nhà nước về quảng cáo lên cùng một mặt bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp xuyên biên giới để không có chuyện không quản được hoặc khó quản các doanh nghiệp xuyên biên giới thì lại quản chặt quá đối với các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông, hiện nay về mặt thị trường quảng cáo, thị trường quảng cáo của Việt Nam chịu sự chi phối rất mạnh của các công ty xuyên biên giới và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Bởi vì họ mạnh về công nghệ, mạnh về số liệu và mạnh về các thị phần mang tính chất khu vực và toàn cầu, cho nên lợi thế dành cho các công ty đó rất nhiều.

Những quy định điều chỉnh trong dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần này nhằm mục tiêu đưa việc quản lý này về một mặt phẳng. Bộ trưởng ví dụ, Quốc hội quyết định tỷ lệ quảng cáo bật lên phải chờ trong vòng mấy giây thì chúng ta sẽ phải áp dụng điều đó với tất cả các doanh nghiệp xuyên biên giới, Youtube, Facebook, TikTok ở Việt Nam phải đưa về cùng một quy định đấy chứ không chỉ là doanh nghiệp trong nước.

Về mối quan ngại về vấn đề vừa quản lý để đảm bảo vấn đề an ninh tư tưởng, văn hóa nhưng phải quản lý để làm sao tránh thất thu thuế, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho ý kiến nên giao và làm rõ thêm trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan để quản lý quảng cáo không tránh thất thu thuế cho quốc gia.

Luật Quản lý thuế Quốc hội đã thông qua thì bắt đầu đề nghị được các chủ thể ở nước ngoài khai và nộp thuế nhưng vẫn chưa kiểm soát được. Đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo hiện nay có một vấn đề làm hại cho đời sống báo chí, đồng thời làm thất thu thuế cho quốc gia đó là xu hướng chuyển giá trong lĩnh vực quảng cáo ra nước ngoài, mà cụ thể là các tập đoàn đa quốc gia phân phối sản phẩm vào Việt Nam, kết hợp với các công ty lập kế hoạch quảng cáo có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam…

Kỳ 3: Bổ sung các quy định về quảng cáo trên mạng xã hội vào Luật
Kỳ 2: Mức xử phạt chưa có tính răn đe đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm
Kỳ 1: Muôn hình vạn trạng hình thức quảng cáo
Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động