Chính thức tắt sóng 2G, khóa hai chiều thuê bao sử dụng thiết bị 2G only từ ngày 15/10
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChính thức tắt sóng 2G, khóa hai chiều các thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G only từ ngày 15/10. Ảnh: internet |
Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến hết ngày 15/10, các nhà mạng sẽ chính thức dừng công nghệ 2G. Các thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G only (chỉ hỗ trợ băng tần 2G) sẽ bị khóa hai chiều, không thể tiếp tục sử dụng.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only. Tính đến ngày 10/10/2024 chỉ còn 771.072 thuê bao 2G Only trước giờ tắt sóng 2G. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động, để thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G. Lý giải con số thuê bao 2G còn lại, các nhà mạng cho biết đây là nhóm đối tượng ở khu vực vùng sâu xa hoặc có ít hành vi sử dụng nên rất khó liên lạc.
Kể từ thời điểm 15/10/2024, theo đúng quy định sẽ phải dừng cung cấp dịch vụ hai chiều gọi đến và gọi đi với các thuê bao và sẽ không gia hạn. Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, việc thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng.
Phần lớn thuê bao trên mạng lưới hiện nay là 4G, được các nhà mạng triển khai từ năm 2016 và các nhà mạng đang triển khai công nghệ 5G tại các thành phố lớn, khu công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, sau ngày 15/10, trách nhiệm của doanh nghiệp là duy trì số điện thoại, gói cước, chế độ chính sách với thuê bao cũ, người sử dụng có thể tiếp tục đến các điểm cung cấp dịch vụ hay thông qua số điện thoại để được hướng dẫn đầy đủ thông tin cho việc chuyển đổi.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết thêm, quá trình dừng công nghệ 2G sẽ chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ 15/10 dừng cung cấp dịch vụ đầu cuối thuê bao 2G. Đến tháng 9/2026, chính thức dừng toàn bộ cung cấp mạng lưới 2G để dành tài nguyên cho mạng mới hơn như 4G, 5G.
Được biết, trong giai đoạn nước rút trước khi tắt sóng 2G, các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G Only còn lại trên mạng. Với mỗi khách hàng cá nhân, mỗi thuê bao nhận được ít nhất 5 cuộc gọi thông báo về việc dừng công nghệ 2G. Số lần nhắn tin cho khách hàng cũng được tăng lên 2 ngày/lần trong giai đoạn gần đây, theo chỉ đạo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT).
Đối với thuê bao chưa chuyển đổi lên 4G, khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên trong ngày sẽ có âm thông báo để khách hàng biết cần chuyển đổi sang máy 4G. Nhà mạng cũng hỗ trợ cú pháp nhắn tin miễn phí để khách hàng biết máy của mình có thuộc diện cần chuyển đổi từ 2G lên 4G hay không, vì không phải người dân nào cũng hiểu các khái niệm viễn thông
Trong thời gian vừa qua, các nhà mạng đã thực hiện hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, đồng thời hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G.
Các nhà mạng đều chuẩn bị số lượng máy điện thoại 4G để hỗ trợ bù máy (hỗ trợ 100% kinh phí) cho các thuê bao 2G Only của mình. Một số doanh nghiệp di động có chính sách hỗ trợ tặng máy không cần đăng ký gói cước cho các các hộ nghèo, cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chuyển đổi sang máy điện thoại 4G.
Trước đó, đầu tháng 7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành công văn thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm. Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu chậm nhất đến 15/9/2024 hoàn thành việc dừng công nghệ 2G, nhưng đến ngày 13/9/2024, Bộ ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT về việc lùi thời thời hạn 1 tháng, từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/10/2024, để đảm bảo nhu cầu thông tin của doanh nghiệp và người dân trong công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. |
Làm gì khi nhà mạng tắt sóng 2G? | |
Chính thức lùi thời điểm tắt sóng 2G đến 15/10/2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại