Kỳ cuối: Lối thoát nào cho đàn bà hiếm muộn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMua trứng, xin tinh trùng… không hẳn là cứu cánh
Chuyện mua trứng hoặc nhờ người mang thai hộ được các đối tượng cò mồi giới thiệu hết sức dễ dàng và có vẻ ngon ăn. Nhưng thực tế không hề giống như các cò mồi khẳng định, mà chuyện mua bán trứng cũng có những hệ lụy khôn lường.
Trao đổi về việc mua trứng để thụ tinh ống nghiệm, Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, khoảng cách an toàn cho những lần lấy trứng là 6 tháng đến một năm. Thế nhưng do thiếu hiểu biết của các cô gái trẻ, cũng do lợi nhuận của việc buôn bán trứng này quá lớn, nên việc để các cô gái có thời gian nghỉ là điều không tưởng trong đường dây bán – mua loại hình này.
Và chuyện để có được trứng đủ chuẩn có thể thụ tinh nhân tạo, những cô gái cho trứng bắt buộc phải tiêm thuốc kích thích trứng liên tục từ 2 – 4 tuần. Việc tiêm thuốc kích thích liên tục khiến buồng trứng bị phình to, rồi việc sản xuất trứng cũng sẽ gặp trục trặc. Thế nên việc những cô gái nằm trong đường dây bán trứng này có thể lại tiếp tục đối mặt với chuyện vô sinh vì suy buồng trứng sớm.
Hơn nữa, việc lấy trứng liên tục cũng khiến chất lượng những quả trứng từ những người phụ nữ này không thực sự tốt, việc thụ tinh ống nghiệm cũng sẽ không có tỉ lệ thành công cao như những cặp đôi hiếm muộn mong muốn.
Không những thế, cũng có trường hợp những cặp vợ chồng phải mua bán trứng để thụ tinh đã thành công, nhưng khi sinh con ra thì cháu bé bị dị tật bộ phận sinh dục bẩm sinh. Theo giải thích của các bác sĩ, thì đó là do gien di truyền của người cho trứng.
Cũng theo các nhà xã hội học, việc cho trứng còn có thể dẫn đến việc hôn nhân cận huyết thống, bởi bố mẹ những đứa trẻ mua trứng sẽ không muốn con cái biết mình đã hoài thai từ trứng của ai, còn người bán trứng sau đó cũng không còn liên hệ với người mua. Vậy ai dám khẳng định, sau 20, 30 năm nữa, những việc đáng tiếc sẽ không thể xảy ra.
Chi phí điều trị cao, bảo hiểm chưa hỗ trợ
Những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn vốn đã bất hạnh, nhưng sẽ còn bất hạnh hơn nếu như gia đình họ kinh tế không dư dả. Mỗi lần làm thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm ngốn mất của các cặp vợ chồng này từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu. Thế nhưng tỷ lệ thành công lại không hề cao như mong muốn. Có những cặp vợ chồng phải làm đến 7, 8 lần mới một lần nghe được tiếng tim mỏng manh của mầm thai đang phát triển trong bụng. Có những cặp vợ chồng phải cầm cố, bán nhà để chạy chữa, cố gắng để “tìm” con, nhưng khi có con rồi lại không còn nhà, còn đất để ở.
Hoặc như vợ chồng anh Hưng, chị Lan Anh đã nhắc đến trong những kỳ trước. Số nợ hơn 300 triệu chưa thực sự là điều đắng chát trên hành trình tìm con. Mà sau khi sinh đôi được 1 bé trai, 1 bé gái ở tuần thứ 27 anh chị lại đối mặt với bệnh tật của con. Bán thóc, lúa, vay ngân hàng… nhà có cái gì giá trị đã đội nón ra đi, nếu không có những Mạnh Thường Quân, có lẽ rồi không biết anh chị sẽ ra sao, kiếm tiền ở đâu để chạy chữa cho hai con.
Vợ chồng anh Hưng, chị Lan Anh (đứng giữa) và những đứa trẻ được hoài sinh từ thụ tinh ống nghiệm. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Trong một cuộc hội thảo, Thứ trưởng bộ y tế, GS.TS Nguyễn Việt Tiến cho biết: Tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam là con số 700.000 – 1 triệu người. Không những nhiều về số lượng, tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang có dấu hiệu gia tăng. Và điều đáng lo ngại, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng trẻ hóa.
Trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều nhóm vô sinh hiếm muộn, nhóm ít vài nghìn người, nhóm đông khoảng 100.000 người. Họ lập ra hội để chia sẻ những nỗi buồn, những căn bệnh, những giọt nước mắt, những nỗi đau, những áp lực của cuộc sống.
Đã có rất nhiều những lá đơn ly hôn, rất nhiều những cuộc cãi vã, rất nhiều vụ bạo lực, rất nhiều người phải bán cả gia sản rồi đi vay lãi khắp nơi chỉ mong được một lần làm cha, làm mẹ, được ẵm bế con thơ và được tận hưởng một hạnh phúc bình thường như bao người khác.
So với các nước trên thế giới, chi phí cho việc chạy chữa cho việc vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam không phải là cao. Thế nhưng với rất rất nhiều vợ chồng ở Việt Nam, số tiền ấy là cả gia tài, đôi khi là số tiền họ cặm cụi kiếm cả đời. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm y tế hiện nay, nếu vợ chồng muốn nhận được sự can thiệp của khoa học kỹ thuật thì 100% tự túc, bảo hiểm không thanh toán cho nhóm bệnh này.
Cách đây không lâu, tôi đã nhận được một lá đơn kêu cứu của đại diện một hội hiếm muộn, họ than thở về câu chuyện bảo hiểm. Rằng: "Còn những người phụ nữ đang làm việc cho các cơ quan nhà nước hay những cô công nhân đang ngày đêm lao động cho sự phát triển của một xã hội tốt đẹp cũng bị những căn bệnh vô sinh. Với đồng lương ít ỏi, hạn hẹp họ phải rất tiết kiệm: Không đi du lịch, hạn chế may mặc, hạn chế chi tiêu mua sắm để dành tiền chi trả cho những dịch vụ thăm khám vô sinh đắt đỏ. Khi chúng tôi mang thẻ bảo hiểm đi và hỏi về chính sách hỗ trợ thì nhận được câu trả lời của bác sĩ và bệnh viện là: vô sinh hiếm muộn không phải là bệnh, không có trong diện được hưởng bảo hiểm."
Kết
Thiên chức của phụ nữ là làm vợ, làm mẹ, khi mà thiên chức ấy chỉ có một nửa vốn đã là nỗi đau, sự thiệt thòi rất lớn cho người phụ nữ. Đối diện với dư luận, với những ánh nhìn mỉa mai của chính những người thân như chồng, bố mẹ chồng hay bà con hàng xóm lại càng khiến họ như mang trên mình bản án không tên. Mọi sự hỗ trợ của y học, từ những thông thoáng từ chợ đen mua bán trứng, tinh trùng tưởng chừng như là một lối thoát nhưng đôi khi thực ra lại là bước mở đầu cho những bi kịch mới.
Việc chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ cũng là một rào cản của các vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Và cũng đôi khi đã chấp nhận bán hết, tài sản vợ chồng có bao nhiêu đem đi cầm cố để chạy chữa căn bệnh khắc nghiệt này cũng chỉ khiến sự bất lực càng lớn, bởi hành trình tìm đến đứa con đã xa, lại càng xa.
Mong muốn có một sự hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là một yêu cầu chính đáng, nhưng lại vướng quá nhiều rào cản... Để bao nhiêu năm nay, có những cặp vợ chồng chờ đợi đến hai, ba chục năm vẫn đắng đót, những người đàn bà đã bước vào tuổi xế chiều vẫn đau lòng bởi câu rủa... "gái độc không con"!
Kỳ 4: “Dịch vụ” bán trứng với giá 32 triệu/lần | |
Kỳ 3: Đi mua trứng để được mang bầu, sinh con | |
Kỳ 2: Dốc cả gia tài, khổ cực trăm bề để “tìm” con yêu | |
Kỳ 1: Vợ không đẻ được thì "đổi mái" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại