Thứ bảy 14/09/2024 22:02
Đồng bào là

Kỳ cuối: Hồi sinh nhiều cuộc đời từ nghĩa cử cao đẹp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2023, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ giúp chồng thực hiện ước nguyện hiến tạng cứu người. Đó là chị N.T.H. ở Thường Tín (Hà Nội). Tuy anh Đ.T.B. (43 tuổi) - chồng chị H. đã ra đi nhưng trái tim, lá gan và hai quả thận của anh đã được chị quyết định hiến tặng, cứu những bệnh nhân nguy kịch khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Kỳ cuối: Hồi sinh nhiều cuộc đời từ nghĩa cử cao đẹp
Chị N.T.H. xin tư vấn hiến tạng cho chồng ở Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vượt định kiến để cứu nhiều người

Chị H. chia sẻ, năm 2008, vợ chồng chị đến với nhau cùng xây dựng tổ ấm nhỏ. Khi đó anh B. là một người khuyết tật, hoàn cảnh hai anh chị còn nhiều khó khăn nhưng hai người luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sau nhiều năm cố gắng, anh chị đã chuyển từ căn nhà chật chội chưa đủ 10m2 về một căn nhà rộng rãi hơn.

Tưởng chừng hạnh phúc sẽ mỉm cười với hai vợ chồng thì biến cố bất ngờ ập đến. Chị H. phát hiện bị bệnh ung thư tuyến giáp. Chưa dừng lại ở đó, khi chị đang điều trị tại bệnh viện thì nhận tin dữ anh B. bị ngã gục khi đang đi chở hàng. Anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp, bác sĩ chẩn đoán bị xuất huyết não, không thể qua khỏi. Cú sốc quá lớn khiến chị B. rơi vào tuyệt vọng. Chị H. nhớ lại thời điểm sau khi cưới 1 năm, khi hai vợ chồng cùng nhau xem được một phóng sự về người hiến tạng, anh B. đã chia sẻ với vợ, sau này có mệnh hệ gì anh cũng muốn được hiến tạng cứu người.

Với mong muốn thực hiện di nguyện của chồng, chị H. mạnh mẽ vượt qua điều tiếng và sự can ngăn của họ hàng, người thân, quyết định chuyển chồng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để xin được hiến tạng. Chị H. chia sẻ, nhiều người nói anh ra đi không nguyên vẹn sẽ rất tội nhưng chị tin ở thế giới bên kia, anh sẽ rất hạnh phúc khi bản thân không còn trên đời nhưng vẫn làm được việc tốt cứu người. ThS. Phạm Thị Đào - Trưởng Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết nhờ nghĩa cử hiến tạng của vợ chồng chị H., gồm trái tim, lá gan và hai thận của anh B., các bác sĩ đã ghép và cứu sống được 4 bệnh nhân khỏi "cửa tử".

Lan tỏa yêu thương, gieo mầm sự sống

Một trường hợp bệnh nhân bị chết não tại Hà Nội đã được gia đình đồng ý hiến tạng cứu sống nhiều người là thạc sĩ, nữ hộ sinh L.T.T.L.,41 tuổi, làm việc tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện E. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, ngày 7/3, chị L. bị ngừng tim đột ngột, được đưa vào Bệnh viện E, nơi chị đang công tác để cấp cứu. Bệnh viện đã liên hệ đến nhiều Trung tâm Hồi sức lớn để áp dụng kĩ thuật hạ thân nhiệt với hy vọng cứu người bệnh. Nhiều phương pháp điều trị đã được triển khai, nhưng đến ngày 12/3, não bệnh nhân không có dấu hiệu của sự sống.

Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, gia đình chị L. đồng ý hiến toàn bộ tạng để cứu sống 4 người mắc trọng bệnh. Ngay lập tức, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các bệnh viện: Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp chặt chẽ để lấy tạng và ghép tạng cho 4 người bệnh, trong đó có 1 bệnh nhân được ghép tim và 2 bệnh nhân được ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức, 1 bệnh nhân được ghép gan ở Bệnh viện 108.

Ngày 4/4/2024, tại Bệnh viện E, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe Nhân dân" cho thạc sĩ, nữ hộ sinh L.T.T.L. Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Ca hiến tạng của một nhân viên y tế Bệnh viện E là một gương điển hình lan tỏa trong xã hội về những tấm lòng cao đẹp, là những hình ảnh đẹp thể hiện sự chia sẻ cao quý thân thể của mình để cứu sống người khác. Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện vì người khác. Bộ Y tế đánh giá cao sự hy sinh và cống hiến của chị L. và truy tặng Kỷ niệm chương "vì sức khỏe nhân dân" cho chị”.

Tại Thủ đô Hà Nội, nghĩa cử đăng ký tự nguyện hiến mô tạng khi chết/chết não ngày càng được lan tỏa sâu, rộng. Còn nhớ, cách đây hơn 6 năm, câu chuyện bé gái Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo đã truyền đi thông điệp tích cực, thôi thúc nhiều người quyết định tự nguyện đăng ký hiến mô tạng khi chẳng may có điều gì không hay xảy ra với mình. Một trong những đơn vị đi đầu về thực hiện nghĩa cử tốt đẹp này tại Hà Nội là Hội Chữ thập đỏ phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tính đến nay, Hội đã có 15 hội viên tình nguyện đăng ký hiến mô/tạng khi chết/chết não, trong đó có 2 cặp vợ chồng. Con số sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi chính những hội viên có nghĩa cử nhân ái này đang tích cực tuyên truyền đến nhiều người hơn.

Một trong hai cặp vợ chồng cùng đăng ký hiến tạng là ông Nguyễn Văn Dũng và bà Nguyễn Thị Xuân Hương, trú tại tổ dân phố 1, phường Cửa Đông. “Tôi đã được chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân bị tai nạn, vì không được hiến tặng mô/tạng mà qua đời. Vì thế, việc đăng ký tình nguyện hiến mô tạng sau khi bị chết/chết não là rất ý nghĩa, có thể giúp nhiều người được sống tiếp. Cứu người là quan trọng nhất. Tôi cũng mong muốn mọi người tìm hiểu nhiều hơn và ủng hộ, tạo nên phong trào giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết”, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương cũng bày tỏ: “Bản thân hoặc gia đình có người nằm viện mới thấy được sự quý giá của việc tự nguyện hiến mô/tạng cứu sống người bệnh. Thế nên vợ chồng tôi quyết định cùng đến viện đăng ký. Càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các con. Tôi cho rằng “cho đi là còn mãi”, nếu chẳng may điều gì không hay đến với mình thì mình vẫn có thể giúp người khác được sống, nghĩa là mình vẫn đang sống, hơn nữa, mình còn góp phần lan tỏa điều tốt đẹp đó đến nhiều người”.

Kỳ cuối: Hồi sinh nhiều cuộc đời từ nghĩa cử cao đẹp
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn phường Cửa Đông đăng ký hiến tạng, bà Nguyễn Thị Xuân Hương (cầm giấy) còn là hội viên tích cực của phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: A.N

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn phường Cửa Đông đăng ký hiến tạng. Bà Bùi Thị Hiếu (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là người được truyền cảm hứng từ bà Nguyễn Thị Xuân Hương.

Bà Bùi Thị Hiếu chia sẻ: “Khi được bà Nguyễn Thị Xuân Hương vận động, tôi đã có thêm động lực để đăng ký hiến tạng nếu chẳng may qua đời. Tôi thấy nhiều bệnh nhân đang rất cần mô/tạng để được sống tiếp nên tôi cũng bàn với gia đình là khi nào mất, tôi sẽ hiến mô/tạng cứu người. Các con tôi đều đồng ý và nói rằng mẹ làm như vậy là rất nhân ái. Tôi nghĩ mình sống có chút gì đó giúp cho đời sẽ càng ý nghĩa hơn”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Thủ tướng đánh giá hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng Việt Nam đạt được sự tiến bộ vượt bậc. Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều. Đây là minh chứng rõ nét của tình thương, lòng nhân ái.

Thủ tướng khẳng định, để có những thành tựu đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Phát huy truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc ta; với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền, tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần mở lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương, thắp sáng niềm tin, tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống. Đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì “cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người.

Hà Nội - trái tim của cả nước luôn đầy ắp nghĩa tình. Trong mọi hoàn cảnh, người dân sinh sống và làm việc tại Thủ đô luôn thể hiện tinh thần nhân ái, sát cánh, nắm chặt tay nhau, cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Sự sẻ chia ấy đã gieo vào lòng mỗi người thứ hạt giống thiện lương, hạnh phúc; càng nhân lên những giá trị văn hóa sâu sắc về tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta. Điều đó tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Thủ đô giàu đẹp, đất nước hùng cường.

Kỳ 1: Điều giản dị tạo nên tình yêu lớn Kỳ 1: Điều giản dị tạo nên tình yêu lớn
Kỳ 2: Cứu người gặp nạn qua cơn nguy kịch Kỳ 2: Cứu người gặp nạn qua cơn nguy kịch
Kỳ 3: Bà con gặp khó, có tuổi trẻ Thủ đô Kỳ 3: Bà con gặp khó, có tuổi trẻ Thủ đô
Kỳ 4: “Trạm cứu hộ trái tim” cho các bệnh nhân HIV/AIDS Kỳ 4: “Trạm cứu hộ trái tim” cho các bệnh nhân HIV/AIDS
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động