Thứ sáu 22/11/2024 13:25
Hồ sơ sức khỏe điện tử thuộc Đề án 06 - bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân:

Kỳ cuối: Hành động quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của người dân lên trên hết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về nội dung thí điểm xây dựng Hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ: “Các cơ sở y tế phải triển khai sổ sức khỏe điện tử dù là công lập hay tư nhân. To hay nhỏ đều phải tham gia hệ thống, mọi người dân đều phải được hưởng lợi. Việc này TP sẽ làm được”. Và thực tế, Hà Nội đã hành động rất quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của quảng đại quần chúng Nhân dân lên trên hết. Minh chứng là Hà Nội đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ thí điểm xây dựng hệ thống HSSK điện tử; sẵn sàng thực hiện kết nối, hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VNeID,...
Kỳ 2: Hành động quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của Nhân dân lên trên hết
HSSK điện tử là bước đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân của TP Hà Nội

Nỗ lực đạt những mục tiêu đề ra

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 185/NQ-CP, trong đó giao UBND TP chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng phần mềm quản lý HSSK điện tử, triển khai thí điểm trên địa bàn TP Hà Nội; UBND TP đã ban hành kế hoạch, văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp, hỗ trợ kết nối triển khai; đồng thời đôn đốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP triển khai thực hiện.

Đó là: kế hoạch số 269/KH-UBND ngày 13/11/2023 về việc triển khai thí điểm lập HSSK điện tử, sổ sức khoẻ điện tử trên địa bàn TP, xác định lộ trình, từng giai đoạn cụ thể để phấn đấu đến tháng 1/2024 đưa vào vận hành chính thức HSSK điện tử, sổ sức khỏe điện tử TP Hà Nội tại các trung tâm y tế, bệnh viện thuộc quản lý của TP trên địa bàn TP; Quyết định số 04 /QĐ-BCĐ ngày 13/11/2023 về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử, HSSK điện tử trên địa bàn TP Hà Nội,…

Đặc biệt, trong khi thực tế chưa có quy định thống nhất từ các cơ quan Trung ương về các trường thông tin để tạo lập HSSK điện tử thì TP đã kiến nghị và mạnh dạn phê duyệt thí điểm 73 trường thông tin, dữ liệu để tạo lập thí điểm HSSK điện tử cho người dân sinh sống và khám chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô, đây được coi là cơ sở, tiền đề để ngành y tế Thủ đô có thể chủ động trong việc khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu số được tạo lập nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý

Đến thời điểm hiện tại, TP đã hoàn thành xây dựng, triển khai phần mềm quản lý HSSK điện tử (hệ thống HSSK điện tử) đáp ứng các yêu cầu tính năng, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn bảo mật (đã được kiểm tra, đánh giá) và sẵn sàng thực hiện bàn giao, báo cáo Bộ Y tế đánh giá, nghiệm thu trước khi thực hiện nhân rộng toàn quốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cập nhật, chuẩn hóa thông tin của gần 3,5 triệu người dân Thủ đô đủ 48 trường thông tin theo quy định Bộ Y tế được làm sạch - sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID.

Phục vụ công tác quản lý của TP: ban hành Quyết định 110/QĐ-UBND quy định cá trường thông tin tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử (73 trường thông tin) nhằm mục tiêu phục vụ công tác quản lý của TP trong lĩnh vực y tế của người dân trên địa bàn TP - các công tác về hoạch định chính sách, sàng lọc, định hướng phát triển y tế - y tế dự phòng,…giúp cho UBND TP, Sở Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Từ dữ liệu hồ sơ sức khỏe có thể tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin, phục vụ chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng, đánh giá tình hình mắc bệnh không lây nhiễm và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn. Các cơ sở y tế có kho dữ liệu về sức khỏe của người bệnh.

Kết nối 394/394 đơn vị y tế trên địa bàn TP (bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh) và 579/579 trạm y tế toàn TP vào hệ thống; thực hiện triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh - đảm bảo công tác chuyên môn và thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh cho người dân - tiền đề cho việc liên thông dữ liệu, phục vụ công tác chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, đồng thời người dân không phải thực hiện lại các xét nghiệm,....kết quả khám chữa bệnh được liên thông trên toàn hệ thống của các đơn vị khám chữa bệnh.

Thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh từ 2021 của 661 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập lên hệ thống HSSK điện tử; sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành Bảo hiểm phục vụ thanh toán BHYT của người dân.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - thuận tiện trong tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân về các chỉ số, yếu tố nguy cơ, kết quả khám chữa bệnh trước đó (khoảng 1,77 triệu dữ liệu sẵn sàng và tiếp tục cập nhật...)

Phát triển từ CSDL trong hệ thống HSSK điện tử với các phân hệ, tính năng ứng dụng để khai thác phục vụ công tác khám chữa bệnh, công tác quản lý của các bệnh viên, cơ sở y tế.

Cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám giảm thời gian thăm khám, điều trị. Bác sĩ có thể tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, đơn thuốc, tiền sử người bệnh trong các lần thăm khám trước đó khi được sự đồng ý của người bệnh.

Kết nối các KIOSK khám chữa bệnh (đã triển khai bước đầu tại các bệnh viện Xanhpon, Đức Giang, Ba Vì): công dân thực hiện đăng ký khám, thanh toán viện phí, ngăn chặn việc trục lợi BHXH và chuẩn hóa dữ liệu đầu vào trong công tác KCB với 18 trường thông tin đọc được từ chip của CCCD/VNeID.

Thực hiện sổ sức khỏe điện tử (ứng dụng hiển thị cho người dân) trong công tác khám, chữa bệnh (thay sổ giấy) với giá trị sử dụng được cập nhật thông tin liên tục qua các lần khám cùng các thông tin về sức khỏe cơ bản - giúp công tác cấp cứu/khám chữa bệnh chính xác, nhanh chóng; giảm thiểu nguy cơ y tế đặc biệt trong công tác sơ cấp cứu ban đầu tại các bệnh viên, cơ sở y tế.

Việc thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử giúp tiết kiệm chi phí mua sổ giấy lên đến 83 tỷ đồng và các chi phí phát sinh khác như xét nghiệm, thời gian.

Kỳ 2: Hành động quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của Nhân dân lên trên hết
Việc tra cứu thông tin bệnh nhân, lịch sử điều trị giờ đây chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại thông minh

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chuyển đổi số là công tác an ninh, an toàn mạng, đầu tư hạ tầng, mỗi bệnh viện lựa chọn giải pháp phần mềm khác nhau nên chưa đồng bộ hóa được. Hiện nay, Hà Nội mới chỉ có 5 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nền tảng dữ liệu tập trung tiến tới kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh như kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiến tới giấy chuyển tuyến điện tử…

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao TP Hà Nội trong vai trò tiên phong chuyển đổi số Quốc gia, thực hiện Đề án 06. Thủ tướng cũng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có nội dung: đẩy mạnh triển khai thí điểm lập HSSK điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội; phấn đấu 100% người dân được cấp HSSK điện tử cá nhân.

Hà Nội cũng xác định những vướng mắc công nghệ KIOST tự phục vụ – cung cấp các dịch vụ đăng ký khám tự động thông qua các thiết bị thông minh. Với các ưu điểm vượt trội giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai KIOSK tự phục vụ của bệnh viện vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Đối tượng phục vụ của bệnh viện đa số là bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhi nên khả sử dụng các chức năng của KIOSK còn hạn chế. KIOSK tự phục vụ là giải pháp mới nên nhiều người dân còn bỡ ngỡ với hình thức này khi đăng ký khám bệnh tại bệnh viện.

Kỳ cuối: Hành động quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của người dân lên trên hết
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang khám bệnh người cao tuổi

Bên cạnh đó, hệ thống HSSK điện tử của TP Hà Nội vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Hiện nay hệ thống HSSK điện tử của TP Hà Nội chưa kết nối được với dữ liệu khám chữa bệnh của người dân TP khi đi khám tại các bệnh viện tuyến Trung ương, Bộ, ngành hoặc khám chữa bệnh ở cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương khác; chưa kết nối được trực tiếp hệ thống lên ứng dụng VNeID của Bộ Công an.

Để tháo gỡ vướng mắc này, TP Hà Nội kiến nghị, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chỉ đạo triển khai việc hiển thị các trường thông tin lên ứng dụng VNeID đối với các dữ liệu đã sẵn sàng cung cấp của TP trên hệ thống HSSK điện tử.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn UBND TP hướng dẫn về chia sẻ dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân trên địa bàn từ cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội cho hệ thống HSSK điện tử TP Hà Nội; đồng thời, sớm ban hành hướng dẫn TP tích hợp hàm API xác minh thông tin đối tượng. TP đề xuất Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hỗ trợ cung cấp giải pháp để kết nối hệ thống HSSK điện tử của TP với sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an, sau khi được xác thực và làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai tiếp các mô hình phân tích, đánh giá, mô hình bệnh tật nhằm đánh giá xu hướng, tình hình mắc bệnh trên địa bàn TP, đồng thời nghiên cứu tích hợp các công nghệ lớn như BigData, AI vào hệ thống, nghiên cứu phương án chia sẻ thông tin sức khỏe người dân lên trung tâm điều hành y tế thông minh, Trung tâm điều hành của TP Hà nội.

TP cũng sẽ tiếp tục nâng cấp API chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân và tiếp nhận thông tin người dân khai báo từ sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng iHaNoi, nhằm hỗ trợ người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử quản lý toàn bộ sức khỏe gia đình, phục vụ công tác khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh khi sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên iHaNoi

Kết nối với Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội để tiếp nhận dữ liệu sức khỏe người dân Hà Nội đi khám bảo hiểm y tế tại các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện Bộ, ngành và tại các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn tỉnh/TP khác,...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trên cơ sở đánh giá thành công của TP Hà Nội, để triển khai rộng rãi trên toàn quốc, ngày 21/5/2024, Bộ Y tế đã ban hành sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID tại Quyết định số 1332/QĐ-BYT. Văn bản này tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể các các địa phương triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VneID, trong đó có quy định 46 trường thông tin và nội dung thông tin hiển thị trên sổ.

Đến nay, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an và các địa phương, đơn vị liên quan đang mở rộng hỗ trợ các địa phương khác triển khai thiết lập và quản lý HSSK, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng ngãi,..; tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên VNeID trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, dự kiến liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trong chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ các khó khăn, ban hành các hướng dẫn cụ thể về tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu, triển khai rộng rãi HSSK điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trên phạm vi toàn quốc.

Hà Nội ra mắt nền tảng phòng họp thông minh, không giấy tờ
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Hà Nội vận hành một số nền tảng ứng dụng Đề án 06
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động