Thứ sáu 22/11/2024 03:47
Để điện ảnh Thủ đô cất cánh:

Kỳ cuối: Đầu tư toàn diện cho điện ảnh là chiến lược thông minh để công nghiệp văn hóa có bước tiến vượt trội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các chuyên gia, Thủ đô cần đầu tư toàn diện cho mục tiêu phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Kỳ cuối: Đầu tư toàn diện cho điện ảnh là chiến lược thông minh để công nghiệp văn hóa có bước tiến vượt trội
Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gây sốt, tạo sức bật cho du lịch Phú Yên. Ảnh: Đoàn làm phim

Phát triển điện ảnh gắn liền với du lịch, văn hóa

Bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) cho biết: Điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du khách trong nước và quốc tế đến để trải nghiệm, khám phá đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy và tăng trưởng du lịch, qua đó, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước. Chính vì điện ảnh mang lại nhiều cơ hội cho du lịch phát triển nên nhiều chính phủ, chính quyền địa phương nhìn nhận sản xuất phim như hoạt động quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương.

Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Bùi Trung Hải cho biết, một tác phẩm điện ảnh hay, được đông đảo khán giả trong nước cũng như quốc tế yêu thích, khi đó sức lan tỏa của bộ phim sẽ mạnh và cũng sẽ có tác động ngay lập tức tới du lịch và thúc đẩy sự phát triển văn hóa. Ví dụ như phim “Ký sinh trùng” của Hàn Quốc, ngay sao khi đạt những đánh giá cao của giới chuyên môn quốc tế qua giải thưởng Oscar cho Phim xuât sắc nhất, nó tác động ngay lập tức đến du lịch của thủ đô Seoul và được coi là đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh, cũng như văn hóa của Hàn Quốc. Mặc dù bộ phim đó không hề nhấn mạnh hoặc miêu tả những cảnh đẹp du lịch hay văn hóa của Hàn Quốc...

Báo cáo "Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia" cho thấy 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh.

Hai bộ phim nước ngoài thực hiện ở Việt Nam có tác động rất lớn đến du lịch như phim "Kong – Đảo Đầu lâu" và "Hành trình tình yêu của một du khách". Phim "Kông - Đảo Đầu lâu" quay tại Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình, Cát Hải, Hải Phòng, Hạ Long, Quảng Ninh và đặc biệt khu di tích Tràng An, Ninh Bình. Trong khi đó, phim “Hành trình tình yêu của một du khách", có các khu di tích Mỹ Sơn, Hội An, Đà Nẵng, vùng cao Hà Giang, Thủ đô Hà Nội. Hai phim này đã quảng bá hình ảnh Việt Nam với vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và huyền bí đến bạn bè quốc tế.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts của phim "Kong – Đảo Đầu lâu" từng bộc bạch về những tình cảm tốt đẹp của mình với Việt Nam: “Tôi chắc chắn khán giả sẽ cảm thấy yêu mến Việt Nam cũng như tôi vậy. Hi vọng Kong: đảo Đầu Lâu sẽ truyền cảm hứng để mọi người có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Những gì được trải nghiệm ở Việt Nam đã khiến tôi thay đổi rất nhiều, tôi thật sự ấn tượng với văn hóa cũng như người dân bản địa. Có lẽ không gì có thể khiến tôi hạnh phúc hơn việc có thể giúp thế giới biết tới lịch sử hào hùng tới mức khó tin của đất nước này”.

Hay như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã giúp cho ngành du lịch của Phú Yên phát triển vượt bậc. Nhiều người ví Phú Yên trở thành “ngôi sao du lịch” sau phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Lời ví von này cũng không sai bởi thực tế từ khi xuất hiện trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", du lịch Phú Yên mới bắt đầu được chú ý, lượng du khách lập tức tăng 30%. Sau đó, tỉnh đã tiếp tục phát huy, biến Phú Yên thành “trường quay lớn". Hiện nay, Phú Yên cũng là phim trường hấp dẫn, đón nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, Hà Nội là thành viên “Mạng lưới thành phố sáng tạo”, có bề dày lịch sử, mật độ di tích dày đặc, hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc, nhiều cảnh đẹp, nguồn lực con người dồi dào,… Đây chính là tiềm năng lớn để ngành điện ảnh có thể khai thác, bắt tay với nhiều lĩnh vực khác như du lịch văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, thời trang, âm nhạc, thiết kế,… để cùng “cất cánh”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh cho rằng, để điện ảnh và du lịch, bắt tay nhau thì việc đầu tiên là cần hai ngành này có sự họp bàn, tính toán kỹ lưỡng ngay từ khi xây dựng đề án làm phim, trong đó có việc lựa chọn những nhà làm phim, nghệ sĩ uy tín, tài năng, xây dựng kịch bản tốt, lựa chọn bối cảnh hợp lý, cách quay hiệu quả,… để làm sao khi lên phim, những nét đẹp trong văn hóa Hà Nội hiện ra chỉn chu nhất, cuốn hút nhất. Từ đó mới tác động đến cảm xúc của khán giả, thôi thúc họ đến Hà Nội trải nghiệm những văn hóa độc đáo, đưa Hà Nội thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Hà Nội cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà làm phim trong việc sáng tạo, thực hiện những dự án về Hà Nội, có chính sách đặc thù để thu hút các hãng phim quốc tế đến làm phim, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, đầu tư ngân sách phù hợp,…

Mới đây, Hà Nội có phát động Liên hoan phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất năm 2024 (giải Sao Khuê). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) do Hội Liên hiệp Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Quốc Chiêm cho biết, Liên hoan phim ngắn Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới; từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp văn hóa nghệ thuật Hà Nội.

Với chủ đề “Vì một Hà Nội ngàn năm văn hiến”, Liên hoan sẽ là nơi hội tụ các tác phẩm phim ngắn về Hà Nội với phong cách độc đáo, ngôn ngữ điện ảnh đa dạng, thể hiện cái nhìn mới mẻ, sáng tạo, nhiều màu sắc về mảnh đất và con người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm có ý tưởng độc đáo, có sự tìm tòi và khám phá cách thể hiện mới về Thăng Long - Hà Nội, mang tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa, con người Hà Nội.

Kỳ cuối: Đầu tư toàn diện cho điện ảnh là chiến lược thông minh để công nghiệp văn hóa có bước tiến vượt trội
Các chuyên gia cho rằng nên phát triển điện ảnh gắn liền với du lịch, văn hóa, lịch sử. Ảnh: Đoàn làm phim

Chú trọng làm phim lịch sử, đề tài hiện thực hôm nay

Theo các chuyên gia, từ cơn sốt phim “Đào, phở và piano” thời gian gần đây, điện ảnh Việt Nam nói chung, điện ảnh Thủ đô nói riêng cần khôi phục dòng phim lịch sử. Đạo diễn Phi Tiến Sơn thời gian qua cũng nhận được một vài đề nghị viết kịch bản phim lịch sử. Ông cũng đang cân nhắc xem mức độ mình có thể đóng góp đến đâu để tham gia. Nhiều nghệ sĩ trẻ cũng chia sẻ các bạn sẵn sàng đóng góp công sức phi lợi nhuận để tham gia làm phim lịch sử. Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cũng cho rằng, đề tài hiện thực hôm nay, hoặc những phim lịch sử, sử thi cũng đều là những đề tài rất tiềm năng.

NSƯT Thiện Tùng (Nhà hát Kịch Hà Nội) cho rằng, điện ảnh Thủ đô những năm gần đây có rất ít phim được sản xuất. Chủ yếu là những phim do Nhà nước đặt hàng. “Để làm được những bộ phim hay, tầm cỡ thì mức đầu tư rất quan trọng. Phim Nhà nước đặt hàng nếu là những bộ phim mang đề tài lịch sử, chiến tranh thì mức đầu tư như hiện nay vẫn là khiêm tốn để thực hiện. Nếu những bộ phim có bối cảnh cần phục dựng không sẵn có thì kinh phí để làm việc đó thậm chí hết già nửa tiền sản xuất rồi. Đó cũng chỉ là một phần khó khăn. Điều quan trọng nhất vẫn là một câu chuyện hay đi sâu vào đời sống xã hội. Nghệ thuật nói chung phải phản ánh được cái đẹp, cái uẩn khúc trong đời sống con người trong xã hội.

Trong khi đó, điện ảnh Thủ đô hiện nay thiếu những nhà sản xuất tư nhân, thiếu những kịch bản tốt, trong khi thị trường điện ảnh thế giới ngày càng phát triển, khán giả có quyền tìm đến sản phẩm xuất sắc để giải trí. Đó chính là áp lực và khó khăn của điện ảnh Việt Nam nói chung, điện ảnh Thủ đô nói riêng”, NSƯT Thiện Tùng nêu quan điểm.

Cũng theo NSƯT Thiện Tùng, điện ảnh Thủ đô cũng nên khai thác những bộ phim mang tính đời sống xã hội đương đại. Cùng với đó là sự mạnh dạn của những nhà sản xuất dám làm phim bằng tình yêu, đam mê, danh dự của người nghệ sĩ thì có lẽ khán giả sẽ yêu điện ảnh như đã từng.

Phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thủ đô.

Để phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong nhận thức. Điều chúng ta thiếu chính là môi trường, thể chế cho các nghệ sĩ sáng tạo. Nếu không tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, ở đó các ngành điện ảnh, văn hóa, du lịch, thời trang… hỗ trợ cho nhau thì rất khó để công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó có điện ảnh.

Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh, cả trực tiếp liên quan và gián tiếp để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất và phát hành phim.

Phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm.

Trong lĩnh vực điện ảnh, có các loại phim về thị trường, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã vào cuộc, thì những phim tuyên truyền về kỷ niệm, Nhà nước phải đứng ra làm để tạo ra sự đa dạng, cân bằng cho điện ảnh. Từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật đó, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân, chúng ta mới tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa - đó là những cái chúng ta cần phải giải quyết.

Như vậy, chúng ta phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng phim “Đào, phở và piano” tạo hiệu ứng bất ngờ ở phòng vé là một tín hiệu tích cực đối với dòng phim Nhà nước đặt hàng. Chúng ta cần định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa, thực chất để bất kỳ dòng phim nào cũng phải chú ý đầy đủ đến yếu tố thị trường, chú trọng tất cả các khâu, từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất,…đến phát hành, quảng bá phim (bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các kênh mạng xã hội) để thu hút khán giả, tạo thương hiệu cho dự án, kết nối với đối tượng khán giả mục tiêu,…

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, chúng ta phải cố gắng phát huy, giữ gìn, tận dụng tất cả những gì chúng ta đã có để có thể phát triển điện ảnh nước nhà. Cũng cần hết sức chú ý đến chiến lược phát triển điện ảnh chung của đất nước. Ở những nước có nền điện ảnh phát triển hàng đầu trên thế giới hiện nay như Pháp và Hàn Quốc, họ đã áp dụng cả một chiến lược phát triển điện ảnh hoàn chỉnh, bền vững, xuyên suốt hàng chục năm nay. Đây là một trong những yếu tố quyết định để điện ảnh Pháp và Hàn Quốc thành công cả về mặt doanh thu và thành tích nghệ thuật ở đẳng cấp toàn cầu. Những quỹ điện ảnh như của Trung tâm điện ảnh Pháp CNC và Quỹ KOFIC của Hàn Quốc đều lên tới hàng trăm triệu USD hàng năm, đủ sức không chỉ tài trợ cho việc sản xuất và phát hành phim của đất nước họ mà còn tham gia cả tổ chức các liên hoan phim, giáo dục điện ảnh, đổi mới máy móc kỹ thuật,…

Theo đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải, phương pháp làm phim cũng là vấn đề quan trọng mà các nhà làm phim, các nhà quản lý cũng phải hết sức chú ý, quan tâm. Hàn Quốc đã từng là một nền điện ảnh không tên tuổi ở khoảng thời gian giữa thế kỷ trước, nhưng họ đã có một chiến lược lâu dài, bài bản để thâm nhập và học hỏi một cách tích cực phương pháp làm phim của điện ảnh Mỹ, đồng thời Hàn Quốc hóa và phát triển phương pháp làm phim đó, nên họ đã đạt được thành tựu rất lớn như hiện nay. Nếu điện ảnh châu Âu thiên về xu hướng phim độc lập/ tác giả thì điện ảnh Mỹ có xu hướng dồn lực vào phim “dòng chính”/ “main stream”. Đây là dòng phim chủ yếu hướng đến những vấn đề đại chúng quan tâm, với một cách làm tương đối truyền thống, dựa trên đẳng cấp rất cao về tay nghề, tính chuyên nghiệp…

Dòng phim này cũng đặt ra cả những tiêu chuẩn về thẩm mỹ tương đối rõ rệt, trong phương pháp viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất…. chuẩn mực trong điện ảnh Mỹ và cùng với nó là sự thành công trong doanh thu của các bộ phim. Khác với điện ảnh dành cho thẩm mỹ của các liên hoan phim, điện ảnh Mỹ luôn đặt mục tiêu khán giả lên hàng đầu và đó cũng là một phương pháp làm phim mà chúng ta cần phải tiếp cận và học hỏi. Đồng thời các cấp quản lý văn hóa cũng cần đẩy mạnh sự quan tâm đến sự phát triển của điện ảnh Thủ đô một cách thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hơn nữa. Vừa qua Luật Thủ đô được thông qua trong đó có phần về thành lập Quỹ Văn hóa Thủ đô. Đó cũng là một tín hiệu đáng chú ý trong tổng thể phát triển văn hóa của Thủ đô trong thời gian tới.

Theo tiến sĩ Trịnh Thúy Hương (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cần bám sát nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa cụ thể, trong đó có ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật,…Tập trung đào tạo những ngành nghề: đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch, nhà lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật, diễn viên,…Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên ở trong và ngoài nước, khuyến khích các nhà biên kịch, đạo diễn, phát huy tối đa tính sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh,…

Kỳ 2: Sự cống hiến của những nhà làm phim vì tình yêu Hà Nội
Kỳ 3: Điện ảnh Thủ đô có nhiều tiềm năng nhưng chưa bứt phá
Kỳ 1: Từ cơn sốt “Đào, phở và piano”
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động