Kỳ 2: Sự cống hiến của những nhà làm phim vì tình yêu Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột phân cảnh trong phim “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh Ảnh: đoàn làm phim |
Hàng thập kỷ chắt chiu, “thai nghén”
Chia sẻ về lý do, nguồn cảm hứng thực hiện phim “Đào, phở và piano” đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Tôi sinh ra ở khu phố cổ Hà Nội. Từ nhỏ tôi đã lang thang khắp các ngõ ngách ở TP này. Hà Nội rất thân thuộc với tôi, từ những con đường, những gương mặt đến kỷ niệm thời thơ ấu. Từ lâu rồi, tôi tự hứa với bản thân sẽ phải làm một cái gì cho TP thân yêu này. Tôi làm hoàn toàn vì tình yêu với Hà Nội, chứ không phải do đơn đặt hàng của bất kì ai cả".
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng chia sẻ ông phải trải qua nhiều khó khăn trong hành trình biến ước mơ của mình thành hiện thực. Sau chục năm ấp ủ, đạo diễn Phi Tiến Sơn vẫn chưa hình dung ra được ý tưởng cụ thể bộ phim của mình sẽ như thế nào vì "làm về Hà Nội khó lắm. Mọi khía cạnh đều đã có người khai thác rồi. Hai chục năm nay đâu có bộ phim mới nào về Hà Nội đâu".
"Đào, phở và piano" được thai nghén những ý tưởng đầu tiên từ năm 2010 trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong suốt một thập kỷ, đạo diễn Phi Tiến Sơn không ngừng thu thập, tìm kiếm tư liệu, đắp da đắp thịt để hoàn thiện kịch bản. Đến cuối năm 2022, mọi thứ đã sẵn sàng thì phim mới bắt đầu ghi hình.
Thế nhưng, đoàn làm phim lại gặp phải khó khăn rất lớn về bối cảnh. Phim lấy bối cảnh lịch sử, giai đoạn Hà Nội những năm 1946-1947. Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã phải đi khắp các ngõ ngách ở Hà Nội nhưng chưa thấy nơi nào có 3 ngôi nhà cổ đặt liên tiếp sát cạnh nhau để phù hợp với bối cảnh phim.
"Chúng ta hay ca ngợi Trung Quốc là tại sao họ làm phim lịch sử, phim cổ trang hay như thế. Vì bên đó cái gì cũng sẵn, từ bối cảnh đến trang phục, đạo cụ. Họ có những phim trường rộng bằng cả TP. Phục trang, mũ nón, áo giáp... thời kì nào cũng có, muốn bao nhiêu bộ là có bấy nhiêu. Còn ở ta thì cái gì cũng phải làm lại. Chúng tôi đi hỏi khắp nơi mới mượn được cái xe ô tô cũ mà nhân vật ông Phán của anh Tuấn Hưng dùng trong phim. Khổ nỗi chiếc xe đó vì cổ quá, nên trong quá trình ghi hình hỏng lên hỏng xuống. Khi sửa được thì nó lại nhả khói, khiến cho anh em quay phim sau khi quay xong ho sặc sụa, nước mắt dàn dụa vì sặc khói. Để khắc phục khó khăn về bối cảnh, đoàn phim quyết định phục dựng lại toàn bộ bối cảnh chính của phim là một đoạn phố cổ. Việc dựng hiện trường bao gồm 3 công đoạn: đầu tiên là xây mới những căn nhà, con đường; sau đó là dùng xe cẩu đập vỡ chúng đi đến trơ cả gạch đỏ ra; cuối cùng là dùng thủ thuật phun khói, phun sơn sao cho trông nó cũ kỹ, hoang tàn đổ nát giống như thời chiến tranh" - đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết. May mắn là đoàn phim nhận được sự đỡ đầu, hỗ trợ về mặt tài chính của Hãng phim truyện I.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng phim “Đào, phở và piano” có những tìm tòi sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, đặc biệt là dấu ấn của đạo diễn Phi Tiến Sơn khi tạo ra một bộ phim thể hiện đúng tinh thần và khí chất của người Hà Nội những năm 1946-1947. Phim từng đoạt Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại Đà Lạt năm 2023.
Đưa văn hóa người Tràng An vào phim
Phim trường “Đào, phở và piano” Ảnh: đoàn làm phim |
Ngoài phim “Đào, phở và piano”, thời gian gần đây, điện ảnh Thủ đô xuất hiện thêm phim điện ảnh “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Nam đạo diễn bày tỏ: “Tôi sinh ra ở Huế nhưng lớn lên tại Hà Nội. Đất Tràng An là nơi tôi trưởng thành và thành danh hơn 60 năm qua, vì thế tôi dành những lời tri ân - như cách trả nghĩa cho nó… Tôi làm phim “Hoa nhài” dựa theo tập truyện ngắn cùng tên của mình. Tôi không làm gì cao siêu, tất cả chỉ xoay quanh những con người bình dị đất Hà thành nhưng tâm hồn và tính cách rất bao dung, tử tế. Họ sống nhân ái, sẵn sàng cưu mang nhiều mảnh đời khó khăn, trắc trở”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ thêm, ông muốn làm “Hoa nhài” vì muốn thể hiện câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
“Hoa nhài” đưa khán giả len lỏi vào mọi ngóc ngách của phố phường Hà Nội, nơi mà ở đó có biết bao con người bình dị đang sống. Phim không có những đoạn cao trào, kịch tính mà thay vào đó là vô số phân cảnh thấm đẫm tình người: ông thợ cắt tóc (Hoàng Huy đóng) lặng lẽ chở che cho Đức (Minh Đức) - chú bé đánh giày từ quê lên Hà Nội kiếm tiền lo cho gia đình. Ông giáo già (Tôn Thất Triêm) giúp Đức học nghề làm bếp để có một tương lai tốt đẹp hơn, còn Đức thì giúp đỡ chị hàng xóm ở quê lặn lội ra Hà Nội tìm việc,…
Dường như làm bộ phim này ở độ tuổi 82 nên góc nhìn của đạo diễn Đặng Nhật Minh có sự lùi lại để chiêm nghiệm. Màu phim “Hoa nhài” nhuốm màu xưa cũ, khắc họa một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, làm khán giả hồi tưởng về những thước phim nhựa nhiều chục năm trước. Ông cũng sử dụng nhiều góc máy từ trung đến toàn cảnh để khắc họa một Hà Nội cổ kính đang chuyển mình phát triển, kéo theo đó là những thay đổi của từng phận người. Theo ông, "Hoa nhài” là bức tranh về Hà Nội qua lăng kính tầng lớp bình dân, không phải của giới nhà giàu. Nhờ hướng đi đó, khán giả dễ dàng đồng cảm với cuộc sống của các nhân vật, những mảnh đời trôi theo nhịp sống hối hả, sầm uất của Hà Nội, đúng như đạo diễn nói: "Một bộ phim hay sẽ khiến người xem rung động".
m nhạc cũng là một điểm mạnh góp phần tạo nên sự độc đáo cho “Hoa nhài”. Phim không sử dụng nhạc nền mà thay vào đó là dàn đồng ca khiếm thị trong một lớp học nhạc của thầy giáo già. Đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ khi nghe những giai điệu của ca khúc “Người Hà Nội”, “Nụ cười” (nhạc Nga)… được đưa vào phim: "Những người khiếm thị trong phim đã nhìn thấy thứ ánh sáng bằng âm nhạc và ca từ. Đó là nguồn nước mát đầy cảm xúc".
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ có thể “Hoa nhài” là bộ phim cuối cùng của ông. Ông gửi gắm đến thế hệ trẻ tình yêu với điện ảnh cùng góc nhìn đầy tính nhân văn khi làm nghệ thuật: "Làm nghệ thuật là vì con người, luôn phải tôn vinh nét đẹp tâm hồn qua tác phẩm".
(Còn nữa)
Kỳ 1: Từ cơn sốt “Đào, phở và piano” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại