Thứ bảy 10/08/2024 02:20
Để điện ảnh Thủ đô cất cánh:

Kỳ 3: Điện ảnh Thủ đô có nhiều tiềm năng nhưng chưa bứt phá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Điện ảnh Hà Nội có bề dày lịch sử đáng tự hào, gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Hội viên của điện ảnh Thủ đô cũng rất đông, là nguồn nhân lực dồi dào, tài năng. Hà Nội còn là mảnh đất mang trên mình nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử. Tuy có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng điện ảnh Hà Nội nhiều năm nay lại thiếu đi sự bứt phá rõ rệt, nếu không muốn nói là đang “dậm chân tại chỗ”.
Phim “Em bé Hà Nội” là một trong những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: đoàn làm phim
Phim “Em bé Hà Nội” là một trong những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: đoàn làm phim

Điện ảnh Thủ đô có nhiều tiềm năng

Hà Nội được xem là cái nôi nuôi dưỡng điện ảnh cách mạng Việt Nam, với nhiều tên tuổi nghệ sĩ gạo cội. Những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam gắn liền với hơi thở Hà Nội như “Em bé Hà Nội” của NSND Hải Ninh, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Đừng đốt” của NSND Đặng Nhật Minh, “Hồ Chí Minh – chân dung một con người” của NSND Bùi Đình Hạc, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” của NSND Trần Văn Thủy… Cùng với đó là những bộ phim đi sâu vào trái tim khán giả như: “Tiền tuyến gọi”, “Phía Bắc Thủ đô”, “Vùng trời”, “Sao tháng Tám”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Hà Nội 12 ngày đêm”… Với các nghệ sĩ, được làm phim về Hà Nội là một niềm vinh dự, tự hào như một cách tri ân của họ với mảnh đất thiêng liêng, giàu tình người nhân hậu. Dẫu những năm tháng làm phim ấy, các nghệ sĩ Thủ đô phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn nỗ lực để sáng tạo nên những bộ phim bất hủ, trở thành biểu tượng của điện ảnh Việt cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn là mảnh đất có bề dày về lịch sử, văn hóa. Cách đây hơn 1.000 năm, vua Lý Thái Tổ với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường đã ban “Chiếu dời đô”, chọn vùng đất thế “rồng cuộn, hổ ngồi” làm kinh đô, đặt tên nước là Thăng Long. Kể từ đó, lịch sử ngàn năm đã hun đúc nên truyền thống văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Ðông Ðô - Hà Nội. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, dân quân Hà Nội luôn thể hiện ý chí anh hùng, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, giành được những chiến thắng vang dội, góp phần làm nên những trang vàng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Năm 2008, Hà Tây (cũ) sáp nhập vào Hà Nội, văn hóa Tràng An - xứ Đoài có sự giao thoa, hòa quyện càng giúp văn hóa Thủ đô trở nên phong phú, đa dạng. Hà Nội là nơi sở hữu lượng di sản văn hóa đồ sộ bậc nhất Việt Nam với gần 6.000 di sản văn hóa vật thể và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội là nơi tập trung số lượng đáng kể các di tích lịch sử văn hóa từ những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước đến các di tích lịch sử tín ngưỡng, tôn giáo như các nhà thờ, chùa chiền, đền, miếu, tiêu biểu: Thăng Long tứ trấn, chùa Trấn Quốc - ngôi chùa được coi là cổ nhất của Thăng Long Hà Nội, nhà thờ lớn Hà Nội, chùa Bà Đá… Bên cạnh đó, các kiến trúc Phật giáo, kiến trúc dân gian, kiến trúc Pháp thể hiện rõ ở các công trình đình, đền, chùa, miếu, phủ…

Về nguồn lực con người, hiện nay, Hội Điện ảnh Hà Nội có hơn 400 hội viên, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài năng ở vai trò đạo diễn, quay phim, biên kịch, diễn viên… Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội với lịch sử 60 năm hình thành và phát triển cũng đã tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển của điện ảnh Hà Nội. Hà Nội còn được xem là trung tâm văn hóa của cả nước, nơi có nhiều cơ quan điện ảnh, sân khấu, các hệ thống rạp chiếu phim đứng thứ hai cả nước về số lượng phòng chiếu, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Hà Nội cũng tập trung nhiều đại sứ quán, trung tâm văn hóa nước ngoài… Bên cạnh đó, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội cũng đã tạo nên thương hiệu quốc tế trong nhiều năm qua.

Kỳ 3: Điện ảnh Thủ đô có nhiều tiềm năng nhưng chưa bứt phá
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải (áo đen) tại hậu trường phim "Hà Nội 12 ngày đêm". Ảnh: NVCC

Điện ảnh Thủ đô chưa phát triển xứng tầm

Dù có nhiều tiềm năng nhưng điện ảnh Thủ đô hiện tại lại chưa phát huy được sức mạnh vốn có của vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống về lịch sử, văn hóa… Những bộ phim có đề tài về Hà Nội, hướng tới quảng bá văn hóa, du lịch Thủ đô, khắc họa đời sống hiện đại của người Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, với con số vô cùng ít ỏi. Tuy một số phim như “Mùa lá rụng”, “Người Hà Nội”, “Tâm hồn mẹ”, “Khát vọng Thăng Long”… phần nào chạm đến cảm xúc khán giả, giới thiệu được hình ảnh con người, cảnh đẹp của Hà Nội nhưng hiệu ứng quảng bá văn hóa, thu hút khách du khách, đặc biệt khách quốc tế chưa cao. Lý do là các nhà làm phim vẫn dựa vào bối cảnh vốn có, chưa có sự đầu tư chỉn chu nhất để khắc họa trọn vẹn được vẻ đẹp hấp dẫn, nhìn là “mê”, là muốn đến ngay của Hà Nội. Công tác truyền thông, lan tỏa phim cũng chưa được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, điện ảnh Hà Nội hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, phát hành phim. Nhiều đơn vị hoạt động trong tình trạng cầm chừng, ì ạch. Nếu như có đến 90% các nhà làm phim hoạt động sôi nổi ở thị trường TP Hồ Chí Minh thì ở TP Hà Nội, con số này rất ít, đa phần là những đơn vị Nhà nước thực hiện. Trong khi đó, công nghiệp điện ảnh của Thủ đô hiện chưa thực sự được chú trọng phát triển một cách toàn diện.

Ngoài cơn sốt phim lịch sử “Đào, phở và piano” hay phim “Hoa nhài” mang đậm phong vị Hà Nội gần đây, điện ảnh Thủ đô vẫn rất thiếu thốn tác phẩm đáp ứng được nhu cầu của khán giả, tạo nên bước chuyển mình thực sự. Nếu như “Đào, phở và piano” thành công về doanh thu, yếu tố truyền thông (nhờ sự lan tỏa qua kênh mạng xã hội) thì phim “Hoa nhài” dù được đánh giá cao về chất lượng lại chưa được khán giả chú ý nhiều do yếu tố truyền thông qua kênh mạng xã hội còn hạn chế.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải (quay phim chính, đạo diễn thứ 2 của phim “Hà Nội 12 ngày đêm” nhận định: “Có thể nhìn thấy tương đối rõ là những năm gần đây, điện ảnh Thủ đô không có sự phát triển ổn định). Số lượng phim về Hà Nội không nhiều, tuy vẫn có những điểm sáng như “Đào, phở và piano”, “Hoa Nhài”… Trung tâm sản xuất phim của cả nước hiện tại tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Ở đây có sự mất cân đối, có thể do nguồn lực tài chính cho điện ảnh đang tập trung ở TP Hồ Chí Minh, dẫn đến việc các nhà sản xuất, nhà đầu tư… dồn hết vào địa bàn đó. Tuy nhiên cũng phải đề cập đến thực tế là ngay cả các nhà quản lý văn hóa cũng phải có những thay đổi trong nhận thức, sự quan tâm với văn hóa và điện ảnh Thủ đô. Thực tế mà nói, ở thời điểm hiện tại, điện ảnh Việt Nam không được coi là mạnh, ngay cả trong khu vực các nước ASEAN, chứ chưa nói so với thế giới”.

(Còn nữa…)

Kỳ 2: Sự cống hiến của những nhà làm phim vì tình yêu Hà Nội Kỳ 2: Sự cống hiến của những nhà làm phim vì tình yêu Hà Nội
Kỳ 1: Từ cơn sốt “Đào, phở và piano” Kỳ 1: Từ cơn sốt “Đào, phở và piano”
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động