Thứ hai 25/11/2024 00:39
Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại:

Kỳ cuối: Án cao nhất cho hành vi này có thể là phạt tù chung thân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thủ đoạn lừa đảo gọi điện mạo danh cán bộ, cơ quan Nhà nước… nói không quá thì đã trở nên khá phổ biến khi đề cập đến các câu chuyện lừa đảo công nghệ cao hiện nay. Mặc dù biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, đối diện với án hình sự, thế nhưng bởi quá dễ dàng nên các đối tượng không chùn tay và ngày càng tinh vi với nhiều chiêu thức hơn.

Cần phải xem xét từ chuyện lộ thông tin cá nhân

Trao đổi về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, để phân tích hành vi, trước tiên nói về việc từ đâu những thông tin cá nhân của bị hại lại lộ ra như vậy.

“Thực tế có nhiều cuộc điện thoại ngoài tên, tuổi địa chỉ, đối tượng còn đọc rõ rành rành cả số chứng minh thư, thẻ căn cước công dân… của bị hại. Vậy quay ngược lại vấn đề, các đối tượng khai thác dữ liệu cá nhân này ở đâu ra?” - luật sư Hùng phân tích.

Qua nhiều sự việc có thể thấy, ở Việt Nam quả thực rất dễ dàng để có được thông tin, dữ liệu của cá nhân. Việc này có thể từ các “thương vụ” mua bán data khách hàng từ các Cty chuyên cung cấp dữ liệu, cũng có thể lọt từ các nhân viên sale của các thương hiệu, các sàn giao dịch bất động sản…

Việc mua bán, sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép này cũng là hành vi vi phạm pháp luật, luật sư Hùng cho biết. “Xuất phát từ quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… được quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 thì quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân cực kỳ quan trọng đối với mỗi cá nhân và trở thành một nguyên tắc hiến định ở nước ta” - luật sư Hùng nói.

Một trong những băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn gọi điện mạo danh cán bộ Nhà nước đã bị bắt
Một trong những băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn gọi điện mạo danh cán bộ Nhà nước đã bị bắt

Trong các bộ luật của Việt Nam, có rất nhiều những thông tư, nghị định… chỉ rất rõ các hành vi không được phép, cũng như có chế tài xử phạt trong câu chuyện này. Ví dụ Điều 387 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.

Điều 65 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng… Điểm a khoản 5 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng.

Như vậy, việc mua bán trao đổi thông tin, dữ liệu của người khác mà chưa được cho phép là phạm luật. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này lại không hề dễ dàng, bởi chính bản thân người bị lộ thông tin cũng không có căn cứ, hoặc có thể truy xuất được mình bị lộ ở đâu, khâu nào. Một phần cũng bởi chính sự dễ dãi của chính chủ thể khi rất dễ dàng trao đổi, cho số điện thoại cá nhân của mình ở mọi nơi, mọi chỗ. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo qua điện thoại lợi dụng và thực hiện hành vi phạm tội của mình.

Án cao nhất cho hành vi này có thể là phạt tù chung thân

Tiếp về thủ đoạn gọi điện mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước để lừa nạn nhân chuyển tiền và chiếm đoạt đã phạm vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, trong bộ luật đã đưa ra khái niệm rất rõ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

“Phân tích chi tiết thì hành vi của các đối tượng trên đã có đủ dấu hiệu pháp lý, theo đó, về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Trong những sự việc cụ thể này, đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (giả làm cán bộ điều tra, ngân hàng, điện lực...) và làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Về dấu hiệu, thì hầu hết các vụ việc đã xảy ra số tiền bị chiếm đoạt đều có giá trị lớn hoặc rất lớn. Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Và người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý” - luật sư Hùng phân tích.

Và như vậy, hành vi đó đã đủ để cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung năm 2017.

Với tội danh này, tùy thuộc vào trường hợp cụ thể và số tiền chiếm đoạt, đối tượng có thể bị phạt tù ít nhất là 3 tháng và cao nhất là án chung thân: “Xét về hành vi chúng ta đang bàn, có thể thấy đối tượng đã “hội” rất nhiều trường hợp theo luật, ví dụ như có gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp… Đặc biệt, trong mục 4, điều 174 Bộ luật Hình sự, thì khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, đối tượng có thể bị xem xét và phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân” - luật sư Hùng nói.

Theo luật sư Hùng, loại tội phạm mới này hiện nay đang phát triển rất tinh vi, xảo quyệt. Bất cứ ai nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm đều bị chúng gài bẫy. Đây là loại tội phạm dùng thủ đoạn công nghệ gây mất kiểm soát trật tự xã hội trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ gây thiệt hại đối với người dân mà còn gây mất ổn định trật tự xã hội. Đồng thời gây khó khăn cho CQĐT. Chính vì vậy, mỗi người dân phải thật tỉnh táo và nên báo cho cơ quan chức năng khi có những cuộc điện thoại có dấu hiệu bất thường.

Kỳ 3: Người dân nên tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình Kỳ 3: Người dân nên tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động