Kỳ 3: Người dân nên tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênRất khó để thu thập thông tin xác minh và điều tra
Từ thực tế các vụ lừa đảo diễn ra trong những năm qua, có thể thấy các đối tượng sử dụng công nghệ cao với thủ đoạn chuyên nghiệp, có tổ chức và đan xen nhiều phương thức thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, số lượng người dân bị lừa đảo ngày càng tăng với số tiền chiếm đoạt ngày càng có giá trị lớn.
Nguyên nhân thì ngoài sự phát triển “bùng nổ” của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 dẫn đến công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này chưa theo kịp với diễn tiến của tình hình thực tiễn xã hội.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính các nạn nhân, khi chưa ý thức đầy đủ và tầm quan trọng của công tác bảo mật thông tin, chủ quan với các cảnh báo an ninh, an toàn thông tin mạng, mất cảnh giác, không bảo mật thông tin cá nhân dẫn đến bị tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Người dân cần cảnh giác khi nghe các cuộc điện thoại lạ. Ảnh minh họa |
Theo CQĐT, quá trình điều tra xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và xác định đối tượng phạm tội. Bởi đặc trưng cơ bản nhất của loại tội phạm này là không thể chứng minh bằng chứng cứ thông thường mà chủ yếu là chứng cứ điện tử.
Tuy nhiên việc thu thập được chứng cứ điện tử là hết sức khó khăn do loại tội phạm này ít khi được phát hiện bằng việc bắt quả tang mà chủ yếu là qua lời khai bị hại. Từ đó CQĐT mới lập chuyên án, truy xét, căn cứ theo các dấu vết dữ liệu điện tử để truy nguyên ra nguồn gốc tội phạm. Trong khi đó, chỉ cần trong một thời gian ngắn các đối tượng phạm tội có thể đã xoá bỏ các dấu vết điện tử nên dễ dàng che dấu hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.
Đồng thời, việc xác định đối tượng phạm tội trong các vụ án này cũng không dễ dàng. Trước hết là do đặc trưng cơ bản của loại tội phạm này là sử dụng thiết bị công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định trong việc phạm tội, đối tượng phạm tội không trực tiếp tiếp xúc với người bị hại, tài sản chiếm đoạt thông qua chuyển khoản, nạp mã thẻ cào qua điện thoại… Vậy nên, việc nhận diện đối tượng phạm tội vô cùng khó khăn.
Đồng thời với đó, kể cả khi đã lập chuyên án, điều tra thậm chí đưa ra xét xử thì việc thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại lại là… không tưởng. Hầu như các vụ việc đều không thu hồi được tài sản do đối tượng phạm tội yêu cầu nộp tiền vào tài khoản ngân hàng. Ngay sau khi tiền vào tài khoản chỉ định, đối tượng sử dụng internet banking chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhau rồi rút ra ở nhiều nơi khác nhau; hoặc thông qua các Cty thực hiện trung gian thanh toán ví điện tử để quy đổi thành Coin bán lại cho các đối tượng chơi game hoặc từ Coin này lại quy đổi thành tiền và chuyển vào các tài khoản khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Tự trang bị kiến thức
Và để tránh việc “chờ được vạ má đã sưng”, trước hết người dân nên tự trang bị những kiến thức để bảo vệ mình.
Theo đó, CA TP Hà Nội đã ra khuyến cáo, CQCA các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, DN sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ Cty, thân nhân gia đình và người mà CQCA muốn làm việc; tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Vậy nên các tổ chức, cá nhân, DN cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội; không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho CQCA nơi gần nhất.
Thông tin từ Bộ Công an, nếu có hiện tượng trên, đề nghị trình báo ngay cho CQCA để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) để được hướng dẫn kịp thời. Hoặc khi phát hiện đối tượng khả nghi, người dân cần báo tin cho CQCA nơi gần nhất, gọi tới Đường dây nóng của CA TP Hà Nội 113 hoặc trang facebook Công an Hà Nội. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Thêm nhiều những hình thức mới trong mùa dịch |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại