Thứ sáu 22/11/2024 20:15
Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại:

Kỳ 2: Thêm nhiều những hình thức mới trong mùa dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Công an và CATP Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành đã có những thông báo, cũng như nhiều hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn sms về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, loại hình tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp và con số nạn nhân cũng chưa hề dừng lại.

Thêm nhiều những hình thức mới trong mùa dịch

Theo đó, với phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh CA, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện… để chiếm đoạt tài sản, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, CA 63 tỉnh, TP trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Ngoài những phương thức lừa đảo “quen thuộc” trên, mới đây, trong thời gian dịch bệnh, nắm được sự khó khăn của nhiều người do mất việc làm, những đối tượng lừa đảo cũng có những thay đổi hình thức mới. Theo thông tin từ một số Cty tài chính, một số đối tượng đã mạo danh Cty mời khách hàng vay vốn và sử dụng ứng dụng để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt.

Cứ nghe điện thoại là mất tiền… tỷ. Ảnh minh họa
Cứ nghe điện thoại là mất tiền… tỷ. Ảnh minh họa

Đối tượng gọi điện tới khách hàng mời vay và hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng giải ngân nhanh. Sau đó, tài khoản zalo có tên “Phê duyệt” sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng.

Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân, như: Số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo các Cty tài chính…

Để nhận được số tiền giải ngân, khách hàng phải gửi mật khẩu để xác nhận. Để có mật khẩu này, khách hàng phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng.

Cứ nghe điện thoại là mất tiền… tỷ

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), riêng trong tháng 5-2021, hệ thống kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận 79.215 trang giả mạo để lừa đảo người dùng; hàng nghìn người dân phản ánh liên quan đến thông tin giả mạo khi thực hiện giao dịch trên mạng internet. Trước đó, trong tháng 3-2021 dư luận phản ánh hàng loạt vụ gửi tin nhắn mạo danh tiêu đề (brandname) ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản người dùng…

Có thể thấy, “kịch bản” quen thuộc mà các đối tượng sử dụng là gọi điện thông báo nợ cước viễn thông, yêu cầu đổi sim điện thoại, thông báo nhận hàng gửi qua bưu điện… Các cuộc gọi này thường xuất phát từ tổng đài nước ngoài gọi về Việt Nam qua giao thức kết nối internet (VoIP), nên việc xác minh, điều tra không đơn giản.

Khó có thể kể hết những vụ lừa đảo, nhưng trong thực tế, nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo đến con số tiền tỷ. Đơn cử như vụ việc của chị Nguyễn Thị Thanh H, SN 1973, ở quận Long Biên. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, vào tháng 8 – 2019, chị H đã bị các đối tượng Nguyễn Đình Vân, SN 1996, ở Hải Dương, Nguyễn Mạnh Hiền, SN 1997, ở Hưng Yên… lừa đảo chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng.

Ngày 7-5-2021, CA phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của ông Q, SN 1943, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, về việc nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là CA. Người này thông báo đang điều tra về vụ án ma túy liên quan đến ông Q và yêu cầu ông chuyển tiền cho anh ta để xác minh.

Sau khi chuyển 2,6 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng, ông Q mới “ngã ngửa” biết bị lừa và đến CQCA trình báo.

Ngày 31 – 8, theo CA Hà Nội, CA Quận Hoàng Mai đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt 520 triệu đồng. Theo đó, chị T, 42 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực. Sau nhiều chiêu trò, chị T đã bị đối tượng rút mất 520 triệu đồng trong tài khoản.

Mới đây, ngày 26 – 8, CA phường Liễu Giai nhận được trình báo của ông T, SN 1956, trú tại Liễu Giai, Ba Đình, trình báo việc nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ của CQĐT. Đối tượng thông báo ông T có liên quan đến một vụ án ma túy. Sau cuộc điện thoại, ông . làm theo hướng dẫn của các đối tượng và tài khoản của ông bị “bốc hơi” 1,6 tỷ đồng.

Có thể thấy, dù nhiều hay ít thì những vụ việc lừa đảo diễn ra thường xuyên và liên tục. Việc xử lý những vụ việc kiểu này không hề đơn giản bởi nhiều nguyên do, trong đó cũng một phần do chính người bị hại. Bởi khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với CQCA, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Những cuộc gọi nhân danh cán bộ Nhà nước… Kỳ 1: Những cuộc gọi nhân danh cán bộ Nhà nước…
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động