Kỳ 4: Bố mẹ tự làm…bác sĩ khiến con nguy kịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBệnh nhi bị nhiễm trùng do đắp lá. Ảnh: bệnh viện cung cấp |
Đắp lá khiến con bị suy thận
Đầu năm nay, một bé trai 2 tuổi (ở tỉnh Sơn La) bị dị tật đường tiết niệu nhưng không đến viện. Bố mẹ cháu bé tự điều trị tại nhà dẫn đến hậu quả cháu bị suy hô hấp, suy thận, tiên lượng tử vong. Cụ thể, gia đình phát hiện trẻ có dị tật bất thường ở đường tiết niệu, đau đớn khi đi tiểu. Thời gian trôi qua 2 tháng nhưng bố mẹ không đưa bé đi bệnh viên khám và chữa trị mà mua thuốc của một người quen kết hợp đắp thuốc nam. Vài tuần sau, cháu bé không thể đi tiểu, bụng chướng căng cứng, khó thở, không ăn uống được, vùng bụng đắp thuốc lá xuất hiện các vết bỏng. Lúc đó, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Ngô Thanh Huế, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, tiên lượng trẻ nặng nề, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương thận. Các bác sĩ đã chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải phóng bớt dịch, dùng thuốc vận mạch điều chỉnh điện giải, lợi tiểu, kháng sinh. Sau đó, y bác sĩ mổ cắt bán phần bàng quang và cắt bỏ khối u cổ bàng quang cho trẻ, giữ được mạng sống. Sau đó bệnh nhân đã cai thở máy, tỉnh táo và tự đi tiểu được.
Trẻ bị nhiễm trùng da, hoại tử bộ phận sinh dục
Một ca bệnh do đắp lá tại nhà được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Xuân Tùng |
Tháng 3/2024, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận, điều trị cho trường hợp một bé trai 4 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng hai má bị loét trợt, nề đỏ, chảy dịch do người nhà tự chữa viêm da tại nhà. Trước khi đến viện nhiều ngày, trẻ xuất hiện nổi mẩn đỏ ngứa vùng mặt. Người nhà đã dùng thuốc nam đắp lên 2 bên má trẻ. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không tiến triển mà còn nặng hơn. Má trẻ xuất hiện loét trợt, phù nề, chảy nước, cháu bé khó chịu, quấy khóc liên tục.
Sau khi nhập viện, bé trai được điều trị tích cực. Sau 3 ngày, các vết loét trợt, phù nề giảm mạnh, không còn chảy nước. Hai má trẻ hồi phục nhanh.
Từ trường hợp bệnh nhi này, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ khuyến cáo người dân không nên tự chữa bệnh cho con bằng cách đắp các loại lá cây lên mặt, đặc biệt là trẻ nhỏ. Cách này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, có thể gây phù nề, bội nhiễm, thậm chí hoại tử da. Khi có những biểu hiện bệnh lý, người dân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Một ca bệnh khác vào năm 2022, cháu H (3 tuổi, đến từ tỉnh Nam Định) bị bỏng nước sôi nhưng bố mẹ không đưa con đi bệnh viện điều trị mà lại nghe lời người quen, đến nhà thầy lang để đắp thuốc nam. Đến này thứ 4 thì cháu bé bị sốt cao. Lúc này gia đình mới tá hỏa đưa con đi bệnh viện tỉnh rồi lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị bỏng nước sôi độ II-III nhiễm trùng.
Tháng 10/2021, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhi (20 tháng tuổi, ở Thanh Hóa) bị hoại tử nặng vùng đùi, bụng và bộ phận sinh dục do gia đình tự đắp thuốc lá chữa bệnh cho trẻ. Theo các bác sĩ, trước khi nhập viện 3 ngày, bé có mụn nhọt nhỏ ở dương vật kèm sưng đau bộ phận sinh dục. Thay vì đưa cháu bé đến viện, gia đình nghe hàng xóm mách, tự đắp lá thuốc vào chỗ nhọt cho bé. Vài giờ sau, chỗ đắp lá của bé bị sưng tím nhiều hơn, bé sốt cao liên tục và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu.
Tại đây, cháu bé được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, hoại tử Fournier - một loại nhiễm trùng có khả năng phá hủy mô tế bào tại bộ phận sinh dục và khu vực lân cận, có tiến triển rất nhanh, tỉ lệ tử vong cao. Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã phẫu thuật hai lần để cắt bỏ những phần bị hoại tử nhưng tình trạng của bé vẫn diễn biến nặng, sốc nhiễm khuẩn, vết loét hoại tử tiếp tục tiến triển nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Bác sĩ Đặng Ánh Dương (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây để xử lý vết thương, vết mụn nhọt, nhưng vẫn có những gia đình do chủ quan, ngại đến cơ sở y tế nên tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đáng nói, những loại lá cây được mọi người “mách” nhau nhưng không phải ai cũng biết rõ công dụng hay tác hại của nó mà chỉ nghe qua lời giới thiệu của bạn bè, người thân hoặc thậm chí là các thông tin không chính thống trên mạng xã hội.
Việc đắp lá cây vào vết thương là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ.
Bác sĩ Dương khuyến cáo, hiện nay, việc tiếp cận các cơ sở y tế không còn khó. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý hoặc nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương, gây nhiễm trùng, khiến bệnh nặng, khó điều trị và tốn kém chi phí.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại