Thứ hai 13/05/2024 14:21
Dự án đường Vành đai 4 - bệ phóng quan trọng phát triển Vùng Thủ đô:

Kỳ 3: Khó đến đâu, gỡ đến đó, chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp nên việc triển khai bước nghiên cứu khả thi cần được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ và tránh việc phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Kỳ 3: Khó đến đâu, gỡ đến đó, chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô lớn, tính chất phức tạp

Triển khai các bước kỹ lưỡng, chặt chẽ

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, TP bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, TP bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Trong đó, Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3.

Theo kết quả lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, đa số thống nhất cần thiết đầu tư dự án. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ về dự báo nhu cầu vận tải; rà soát thủ tục thỏa thuận, thống nhất các công trình trên tuyến; rà soát bố trí các nút giao trên tuyến; nhu cầu vật liệu đắp nền đường; nâng trắc dọc cầu cạn; lựa chọn các đoạn đi cao; áp dụng thu phí điện tử không dừng; rà soát các thông số của phương án tài chính như lãi vay, phương án chia sẻ phần tăng doanh thu; phương án quản lý, thanh toán phần vốn hỗ trợ nhà nước cho dự án.

Do đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội bổ sung đầy đủ các tài liệu, văn bản pháp lý, như kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; ý kiến của các địa phương về hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, đặc biệt là ý kiến về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, khẩu độ, tĩnh không các công trình và thỏa thuận với cơ quan quản lý các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng.

Cục Đường cao tốc Việt Nam đã đề nghị, Ban Quản lý dự án lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm tra có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; chỉ đạo tư vấn thẩm tra tính toán, kiểm toán để khẳng định sự phù hợp của các giải pháp thiết kế so với tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, các quy hoạch của địa phương, bảo đảm tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí; kiểm tra phương pháp lập tổng mức đầu tư, cơ cấu các khoản mục chi phí, tính toán đối chứng khối lượng đưa vào tổng mức đầu tư, đơn giá, định mức, các chế độ, chính sách của nhà nước.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội, đến nay công tác giải phóng mặt bằng liên quan dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được thực hiện đúng tiến độ. Dự kiến, trước ngày 30/6/2023 tới sẽ bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án theo kế hoạch.

Thời gian qua, TP Hà Nội cũng như các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đã đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt dự án thành phần để đảm bảo dự án được khởi công trong tháng 6/2023. Đồng thời, các địa phương đã chủ động rà soát nguồn vật liệu trên địa bàn để ưu tiên cung cấp cho dự án nhằm giảm chi phí, rút ngắn cung đường vận chuyển.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết dự án qua 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh ước tính cần 12 triệu m3 đất đắp, 13 triệu m3 cát (đắp, xử lý nền, xây dựng) và 7,5 triệu m3 đá (cấp phối đá dăm, đá đổ bêtông). Kết quả khảo sát 102 mỏ tại Hà Nội và 9 tỉnh phía Bắc cho thấy tổng trữ lượng đất khoảng 114 triệu m3, cát 56 triệu m3 và đá 280 triệu m3.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường nhấn mạnh trữ lượng cao hơn nhiều lần nhu cầu của dự án. Khó khăn chính là cự ly vận chuyển vật liệu đến nơi thi công xa 50-80 km. Vì vậy, cần tháo gỡ một số vướng mắc như mỏ có giấy phép thì trữ lượng thấp hoặc ở xa, mỏ ở gần thì giấy phép hết hạn hoặc chưa có.

Ngay từ tháng 9/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Nghị quyết của Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ban Thường vụ Thành ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Thường vụ Đảng ủy các quận, huyện liên quan, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Yêu cầu mỗi địa phương xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

(Còn nữa...)

Kỳ 1: Vai trò trọng điểm quốc gia, cụ thể hóa Nghị quyết XIII của Đảng Kỳ 1: Vai trò trọng điểm quốc gia, cụ thể hóa Nghị quyết XIII của Đảng
Kỳ 2: Những thách thức trong quá trình triển khai dự án Kỳ 2: Những thách thức trong quá trình triển khai dự án
Thái Phương - An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động