Kỳ 3: Giáo dục phổ thông chuyển đổi mạnh mẽ với mô hình trường chất lượng cao
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMô hình trường chất lượng cao với nhiều tín hiệu tích cực
Tại thời điểm chuẩn bị hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô, quan điểm của TP là: Hà Nội đang thí điểm theo Chương trình 07 của Thành ủy về xây dựng một số trường thuộc các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) theo mô hình cung ứng dịch vụ giáo dục CLC (tiền đề cho các trường chất lượng cao cấp khu vực và quốc tế sau này). Đồng thời, Hà Nội đang thí điểm xây dựng chương trình giảng dạy nâng cao cho loại hình trường này. Thực tế cho thấy Hà Nội có đủ khả năng để lựa chọn và áp dụng chương trình giáo dục CLC đạt tiêu chuẩn cấp khu vực và thế giới tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Khoản 3, điều 12, Luật Thủ đô nêu rõ: Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện. Còn khoản 4, điều 12 quy định: Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ban hành quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC quy định tại khoản 3 Điều này.
Đánh giá về Chương trình 07 về phát triển một số ngành cung ứng dịch vụ trình độ CLC, trong đó ngành GD&ÐT cho phép thực hiện thí điểm mô hình trường CLC, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói: “Với phương thức thi tuyển công khai, minh bạch, bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh với những nguyên tắc phổ quát bất di bất dịch của giáo dục công về bảo đảm quyền được học, cơ hội học tập của trẻ em, Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ đào tạo người giỏi, người tài, vừa phổ quát cho giáo dục đại chúng, lại vừa lo cho giáo dục tinh hoa”.
Học sinh Thủ đô đã được học tập, rèn luyện trong những môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo dục CLC giống như những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài nhưng chi phí lại thấp hơn nhiều lần.
Tính đến nay, Hà Nội có 19 trường CLC, trong đó có 14 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trường chất lượng cao đều là những đơn vị tiêu biểu xuất sắc, có nhiều thành tích, luôn đối mới sáng tạo và đi đầu trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Học sinh trường THCS Cầu Giấy – một trong 19 trường CLC với nhiều thành tích ấn tượng về chất lượng giáo dục của Hà Nội (Ảnh: THCS Cầu Giấy) |
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, cơ cầu đảm bảo, tâm huyết với nghề nghiệp; đội ngũ ban giám hiệu có đủ năng lực xây dựng chiến lược phát triển nhà trường và tổ chức quản trị nhà trường hiệu quả. Tỉ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn cao. Sĩ số học sinh trên lớp thực hiện đúng quy định (không quá 30 học sinh trên lớp đối với trường tiểu học; số trẻ trên lớp đảm bảo từ 20 trẻ đến 35 trẻ trên lớp theo độ tuôi đối với trường mâm non); kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ngày càng được nâng lên. Học sinh được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường giúp học sinh gắn kiến thức với thực tế, nâng cao các kỹ năng cần thiết và khám phá năng lực bản thân.
Nhiều trường đã có uy tín cao trong ngành giáo dục như Trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa, Trường THCS Cầu Giấy, Trường Mầm non 20-10...
Luật Thủ đô đã trở thành căn cứ pháp lý chính thức triển khai mô hình trường CLC
Luật Thủ đô ra đời trở thành căn cứ pháp lý chính thức cho việc triển khai mô hình trường CLC tại Hà Nội. Và đi theo kèm với đó, hệ thống các quy định liên quan đã bổ sung kịp thời để mô hình giáo dục CLC có đầy đủ căn cứ, quy định để hoạt động.
Quyết định 20/2013/QÐ-UBND ngày 24-6-2013 đã ban hành quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục CLC áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; Quyết định 21/2013/QÐ-UBND ngày 24-6-2013 ban hành quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao, ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC nhằm mục đích quản lý hệ thống giáo dục có yếu tố nước ngoài, giáo dục ngoài công lập và một số các cơ sở giáo dục công lập cung cấp các chương trình và dịch vụ giáo dục đúng với thực chất, bảo đảm chất lượng và chịu sự kiểm soát của Nhà nước và nhân dân thông qua các tiêu chí.
Các trường công lập khi muốn xây dựng chất lượng cao phải thực hiện đủ các nội dung trong quyết định. Ngoài ra, Nghị quyết số 15/2013/HÐND ngày 17-7-2013 của HÐND TP đã ban hành về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC trên địa bàn Thủ đô.
Thực tế là việc thu học phí, tăng học phí trường CLC là yêu cầu cần thiết đi đôi với phát triển chất lượng, nhưng từ thời điểm bắt đầu vận hành - năm học 2016-2017 đến nay - việc thu học phí của trường CLC phải theo lộ trình quy định. Bà Đào Hải Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND đã quy định rõ về lộ trình tăng học phí căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các trường phải bảo đảm một số điều kiện bắt buộc, đi đôi với tăng chất lượng giáo dục. Thực tế, hầu hết các trường đều chủ trương giữ ổn định mức học phí, nếu có, mức tăng không quá cao gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận học tập của học sinh.
Tuy nhiên, góp ý từ nhiều chuyên gia, nhà giáo về môi hình trường CLC của Hà Nội cũng cho thấy rằng: Cơ chế quản lý, về tiêu chí sản phẩm đầu ra, chương trình, sách giáo khoa, cơ chế tài chính… phải chi tiết hơn nữa, đảm bảo mục tiêu giáo dục, tuân thủ pháp luật về giáo dục và những định chế riêng trong chính sách đào tạo nhân lực của Thủ đô và nên bàn rõ hơn về mô hình trường CLC này trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới | |
Kỳ 1: Hệ thống trường lớp đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại