Thứ ba 26/11/2024 15:32
Triển khai Luật Thủ đô vào phát triển GD&ĐT - Những bước tiến và kiến nghị sửa đổi:

Kỳ 2: Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quan điểm về giáo dục của Hà Nội là phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô văn minh, văn hiến. GD&ĐT được coi là khâu đột phá trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. Tất nhiên, phát triển giáo dục phải bắt đầu từ người thầy...
Kỳ 1: Hệ thống trường lớp đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh

Chất lượng đội ngũ được phát triển không ngừng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, mục tiêu bao trùm trong năm học 2021-2022 của TP Hà Nội là khắc phục khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc dạy, học theo kế hoạch.

Năm học 2020-2021, giáo dục Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước, với 2.792 trường mầm non, phổ thông các cấp, tổng số hơn 2,1 triệu học sinh và hơn 159.000 cán bộ, giáo viên. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cũng được đẩy mạnh. Năm 2021, TP đã bồi dưỡng thường xuyên cho gần 74.000 cán bộ quản lý, giáo viên; đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho hơn 3.600 giáo viên tiếng Anh và hơn 50.000 giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Về kế hoạch đào tạo nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, TP dự kiến có gần 8.500 cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được cử đi đào tạo, hoàn thành vào năm 2027, sớm hơn 3 năm so với yêu cầu.

Kỳ 2: Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới

Cần cho thấy những đặc thù riêng của Hà Nội trong việc tuyển dụng người tài, trong đó có lĩnh vực giáo dục (Ảnh: B.C)

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước, trong đó 100% giáo viên đứng lớp ở các cấp học, bậc học có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho ngành GD&ĐT Hà Nội phát triển bền vững.

Hà Nội đã có nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động tôn vinh nét đẹp của nhà giáo Thủ đô, tiêu biểu như cuộc vận động: “ Xây dựng Nhà trường văn hóa- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh thanh lịch”, phong trào “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, “Cô giáo người mẹ hiền”, “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, thi giáo viên dạy giỏi các cấp,… để ghi nhận và biểu dương thành tích của các thầy cô giáo. Ở đó, có những thầy cô giáo luôn tâm huyết, sáng tạo tìm tòi các phương pháp dạy học mới, dù ở độ tuổi nào họ cũng mong muốn đem đến những kiến thức bổ ích, những thái độ sống tích cực cho nhiều thế hệ học trò.

Đặc biệt, công tác bồi dưỡng giáo viên của Hà Nội luôn có những hiệu quả tích cực, song song bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng giáo viên chủ động cho chương trình mới. Trong đó, với giáo viên lớp 1, lớp 2, lớp 6 theo chương trình GDPT tổng thể, Hà Nội tập huấn 100% giáo viên đứng lớp cho chương trình mới, bố trí các thầy cô có kinh nghiệm đảm nhận việc dạy và học ở các khối lớp này.

Tăng cường hơn nữa chính sách chủ động thu hút nhân tài cho GD&ĐT

Quan điểm về giáo dục của Hà Nội là xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao hàng đầu trong cả nước, có uy tín ở khu vực và quốc tế; phát triển giáo dục toàn diện về cả tri thức - thể chất - nhân cách người Hà Nội thanh lịch - văn minh; chủ động tiếp cận xu thế phát triển giáo dục tiên tiến của thế giới. Xây dựng mỗi cấp học, ngành học đều có các trường học tiên tiến chất lượng cao theo hướng hiện đại, tiến tới hội nhập khu vực và trên thế giới; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô.

Muốn vậy, thu hút người tài cho sự nghiệp giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Ở thời điểm ban hành Luật Thủ đô năm 2012, việc tính đến xây dựng đội ngũ giáo viên cũng được ghi rõ trong quan điểm để triển khai Luật. Theo đó, khoản 5 Điều 12 của Luật giao UBND TP Hà Nội quy định cụ thể các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao.

Thực tế trong các năm qua, dù có chính sách thu hút nhân tài, nhưng tổng kết con số cụ thể cho ngành giáo dục chưa rõ ràng. Việc tuyển dụng giáo viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là còn chưa kể, những vướng mắc khi giáo viên hợp đồng gặp khó khăn lúc tuyển dụng viên chức vẫn còn.

Về vấn đề thu hút nhân tài cho ngành giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng nói: “Tôi được biết, liên quan chính sách trọng dụng nhân tài, những năm qua, TP đã tuyển thẳng thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các đơn vị, nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của các trường ĐH, CĐ được tuyển dụng tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP và các quận, huyện, thị xã còn chiếm tỷ lệ thấp. Mà thống kê riêng với ngành sư phạm thì chưa có con số cụ thể. Hà Nội là trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước. Phát triển giáo dục thì phải cần những người làm thầy giỏi, nên chính sách, cơ chế riêng để thu hút những người làm thầy phải phát huy hiệu quả hơn nữa”.

Một thực tế là dù đội ngũ giáo viên Thủ đô được xây dựng, củng cố vững chắc qua hàng năm, thì con số đó vẫn chưa đi liền với sự gia tăng số lượng học sinh. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy: Lượng học sinh mỗi năm của TP tăng 69.000 em, tuy nhiên, biên chế giáo viên không được giao tăng thêm; Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ban ngành một số vấn đề như: Có hướng dẫn để bảo đảm việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT căn cứ trên quy mô trường, lớp, học sinh.

“Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với sự phát triển của Hà Nội. Và nếu sửa đổi, cần cho thấy những đặc thù riêng của Hà Nội trong việc tuyển dụng người tài. Trong giáo dục, cần từng bước nâng cao chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên. Cần ưu đãi nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ, viên chức trong ngành, đặc biệt giáo viên vùng nông thôn, miền núi. Quan tâm phát triển đồng đều đối với giáo viên các môn học, tạo động lực cho giáo viên hăng say với công việc”.

(GS. Nguyễn Lân Dũng )

(Còn nữa)

Hà An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động