Kỳ 3: Bức tường thành vững chắc không thể xâm phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhân dân cùng các lực lượng tuần tra biên giới. Ảnh: A.N |
Trọng dân, hiểu dân, dùng sức mạnh của lòng dân để xây dựng và bảo vệ biên cương
Bác Hồ từng căn dặn lực lượng Công an và Quân đội phải dựa vào Nhân dân mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ; khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được. Công an Vũ trang Nhân dân (nay là BĐBP) phải luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục Nhân dân, làm cho mọi người dân đều là người giúp việc của mình, như thế mới có kết quả, nhất là ở nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phải chú ý đến phong tục, tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, mến phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta.
Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Điện Biên một lòng thực hiện phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), gắn bó mật thiết với nhân dân. Đây cũng là "chìa khóa vàng" giúp BĐBP Điện Biên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nụ cười tươi rói, giọng nói truyền cảm là ấn tượng của chúng tôi với đồng chí Đỗ Xuân Dũng - chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Luông (huyện Điện Biên). Nhiều năm qua, đồng chí Đỗ Xuân Dũng được coi là “sứ giả tuyên truyền” của bà con địa phương. Những buổi tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước,… luôn được đồng chí Đỗ Xuân Dũng chuyển tải đến bà con một cách sinh động, dễ hiểu.
“Hàng ngày, nguời dân làm nương ruộng, lao động sản xuất phát triển kinh tế, việc tổ chức họp vào ban ngày rất khó khăn. Do đó, chúng tôi thường tổ chức các buổi tuyên truyền vào buổi chiều, buổi tối. Lực lượng biên phòng cùng các lực lượng công an, kiểm lâm,… thống nhất các nội dung tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền không phải là cứ cầm văn bản là đọc vì như vậy người dân khó tập trung, khó hiểu. Tùy vào trình độ, nhận thức của đối tượng buổi truyên truyền hướng đến mà chúng tôi có cách thức tuyên truyền phù hợp. Có thể là đọc rồi phát trên loa vào các buổi chiều, cũng có thể mời người dân đến nhà văn hóa thôn bản để nghe. Chúng tôi tự biên soạn đề cương sao cho nội dung sinh động, trực quan, người dân dễ nghe, dễ hiểu, hiểu đúng, hành động đúng, có tinh thần trách nhiệm”, đồng chí Đỗ Xuân Dũng chia sẻ bí quyết tuyên truyền hiệu quả cho bà con.
Đồng chí Đỗ Xuân Dũng - chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Luông phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo TP Hà Nội. Ảnh: A.N |
Đồng chí Đỗ Xuân Dũng cho biết thêm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông luôn lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của bà con, từ đó, có những tháo gỡ, giúp đỡ bà con trong việc thực thi chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
“Tháng 2/2023, chủ đầu tư dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên đã tiến hành đóng đường từ TP Điện Biên Phủ vào trung tâm xã Thanh Luông để thi công dự án; tuy nhiên đường tránh sân bay chưa hoàn thành, các đường tránh tạm xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông đi lại gây bức xúc cho Nhân dân. Một số người dân đã vận động khoảng hơn 100 người ký vào đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan, ban nghành liên quan.
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND huyện Điện Biên và các ban, ngành đã xuống xã Thanh Luông đối thoại trực tiếp với Nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đảng ủy Đồn Biên phòng Thanh Luông đã phân công cán bộ tiếp xúc, giải thích cho người dân hiểu chủ trương của tỉnh, của huyện, tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ ý định tập trung đông người.
Sau đó, người dân đã chấp thuận phương án đền bù chủ đầu tư đề xuất và chấp nhận lùi thời gian hoàn thành dự án đường tránh sân bay. Hay như công tác tuyên truyền để người dân giao nộp vũ khí, ký cam kết không phá rừng làm nương,… cũng đạt được những hiệu quả tích cực”, đồng chí Đỗ Xuân Dũng cho biết.
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Luông trong một buổi tuyên truyền cho bà con |
Cũng nhờ đó, tình hình an ninh chính trị 3 xã (Thanh Luông, Thanh Nưa, Thanh Hưng) mà Đồn Biên phòng Thanh Luông quản lý ổn định, chưa phát hiện các hoạt động của phỉ, phản động lưu vong dọc hành lang biên giới cũng như các hoạt động tuyên truyền đạo trái phép; hoạt động của các phần tử xấu, kích động, lôi kéo quần chúng gây rối, chống lại chính quyền. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn cơ bản chấp hành tốt chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
Thượng úy Lê Huy Hoàng - Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Thanh Luông cũng khẳng định sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong các chuyên án phá những đường dây ma túy: “Nhiều chuyên án bắt tội phạm ma túy, đơn vị triển khai thành công là nhờ sự vào cuộc của người dân. Họ đã tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, không tiếp tay cho tội phạm. Từ nguồn thông tin của người dân cung cấp, các cán bộ, chiến sĩ đã lập kế hoạch triển khai các chuyên án, bắt được tội phạm đưa ra trước vành móng ngựa để pháp luật xử lý thích đáng”.
Lá chắn thép ngăn chặn mọi tội phạm
Bên cạnh công tác đấu tranh, kiên quyết đẩy lùi tội phạm ma túy, thời gian qua, BĐBP tỉnh Điện Biên đã phối, kết hợp với các đơn vị liên quan đấu tranh mạnh mẽ, xóa bỏ tà đạo trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021-2025.
Điển hình như tháng 4/2023, Đồn Nậm Kè, Leng Su Sìn, phòng Trinh sát phối hợp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 4 đối tượng trú tại xã Nậm Kè và xã Chung Chải; thu giữ 4 quyển kinh thánh, 1 cuốn tài liệu liên quan đến tà đạo Bà cô Dợ, 1 điện thoại để truy cập vào phòng zoom.
Tháng 5/2023, BĐBP tỉnh phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé tiến hành lập biên bản, tạm giữ 2 quyển kinh thánh, 2 quyển thánh ca, 1 máy tính, 1 điện thoại di động (dùng để truy cập vào phòng Zoom) của đối tượng Thào A Chang (cầm đầu tà đạo).
Tiếp đó, tháng 6/2023, BĐBP tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ 4 cuốn tài liệu không rõ nguồn gốc (chữ Mông la tinh), 1 điện thoại dùng để truy cập vào phòng zoom tà đạo “Bà cô Dợ” của đối tượng Giàng Thị Gênh, trú tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải.
Để xóa bỏ hoạt động của tà đạo “Bà cô Dợ”, BĐBP tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 160 các huyện biên giới chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng liên quan tổ chức tuyên truyền 156 buổi/3.780 người nghe, tập trung vào trưởng các điểm nhóm đạo, tín đồ tôn giáo, các hộ gia đình theo tà đạo, đạo lạ và các đối tượng lợi dụng dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nội dung tuyên truyền tập trung vận động quần chúng Nhân dân không nghe, không tin theo kẻ xấu, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, đặc biệt là hoạt động thành lập “nhà nước riêng”, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện biên giới, lực lượng chức năng tổ chức triển khai thực hiện. Qua công tác tuyên truyền đã vận động được các hộ dân viết cam kết từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”, quay trở lại sinh hoạt theo các đạo chính thống, bước đầu đã ngăn chặn được sự phát triển của tà đạo trên địa bàn biên giới.
Nội dung tuyên truyền được xây dựng chi tiết, trực quan, sinh động. Ảnh: A.N |
Về tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép, trong năm 2023, BĐBP tỉnh đã phát hiện bắt giữ 6 vụ/15 đối tượng xử lý vi phạm hàng chính bằng phạt tiền 53 triệu đồng. Chỉ đạo Đồn Biên phòng Na Cô Sa phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng có liên quan tổ chức kiểm điểm trước dân 2 hộ - 4 đối tượng xuất cảnh trái phép sang Mianma quay trở lại bản Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ. Sau khi kiểm điểm, cả 4 đối tượng trên đều nhận thức được việc làm của mình là sai trái và cam kết sẽ không vi phạm nữa, yên tâm lao động sản xuất tại địa phương.
BĐBP tỉnh cũng phối hợp tổ chức hơn 400 đợt tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc với hơn 2.500 lượt người tham gia; tham gia giải quyết 10 vụ việc phức tạp, vận động nhân dân tố giác tội phạm 18 vụ/30 đối tượng.
Đại tá Nhâm Văn Mạnh - Chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt. Phân công đồng chí Phó Chính ủy BĐBP tỉnh và đồng chí Phó Chủ nhiệm chính trị trực tiếp phụ trách công tác vận động quần chúng, ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền tới người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực, chủ động tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Thời gian qua, BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng có liên quan, bằng nhiều hình thức phong phú tổ chức tuyên truyền tập trung, riêng lẻ, trên loa truyền thanh của bản, xã biên giới, qua “Tiếng loa Biên phòng” và thông qua biểu diễn văn hóa, văn nghệ đã tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, không tiếp tay cho tội phạm, không di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép,…
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông trong một buổi hành quân. Ảnh: A.N |
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị cơ sở làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các xã biên giới trong việc tuyên truyền, giáo dục để cán bộ và Nhân dân hiểu rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, tích cực tham gia cùng BĐBP đấu tranh ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình dân tộc, tôn giáo, hoạt động của các loại đối tượng, nhất là sau khi xảy ra vụ việc khủng bố ngày 11/6/2023 xảy ra tại Đắc Lắk, không để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc duy trì thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả và tổ chức các lớp huấn luyện cho dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng các xã biên giới. Hiện nay có 81 tập thể và gần 3.400 hộ, hơn 4.400 cá nhân đăng ký tự quản 408,616 km/455,573 km đường biên giới; 146 mốc; 302 tổ/1.682 thành viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng với tội phạm ma túy | |
Kỳ hai: Làm kinh tế khó, có cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng lo |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại