Thứ hai 25/11/2024 15:05
Di dời bệnh viện, trường học trong nội thành Hà Nội:

Kỳ 2: Sự phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã hơn 6 năm kể từ khi quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất… được ban hành, thế nhưng cho đến nay, câu chuyện di dời một số BV, trường học trên địa bàn Hà Nội vẫn ì ạch và chậm chạp.
Trường ĐH Y tế công cộng di dời đến cơ sở mới
Trường ĐH Y tế công cộng di dời đến cơ sở mới

Cơ sở đã có nhưng vẫn chưa… đi

Đành rằng ai cũng nhận thấy việc di dời các cơ sở này là cần thiết, thế nhưng kể từ khi Luật Thủ đô được ban hành, đã 6 năm Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 ra đời, người ta vẫn thấy câu chuyện “đi hay ở” vẫn đang dậm chân tại chỗ. Trong danh sách 13 cơ sở y tế phải di dời, trong những năm gần đây, chỉ ghi nhận chuyện “đi” của hai cơ sở, BV Nội tiết TƯ và BV K. Còn hầu hết các BV vẫn án binh bất động, hoặc nếu có “nhúc nhích” cũng chỉ mang tính chất hoạt động cho có, địa điểm cũ vẫn giữ nguyên, thậm chí còn rậm rịch xin cải tạo, xây mới thêm.

Đã từng hi vọng vào sự giảm tải cho Hà Nội, và người dân Hà Nam cũng đã từng mong mỏi người dân sẽ được tiếp cận với y, bác sỹ từ các BV Bạch Mai, Việt Đức. Thế nhưng dự án xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và Việt Đức với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng khởi công xây dựng cuối năm 2014 đến nay vẫn “lỡ hẹn” sau nhiều lần kéo dài tiến độ. Cho đến cuối năm 2020, Bộ trưởng Y tế vẫn chỉ với lời khẳng định, sẽ cố gắng để đưa hai cơ sở y tế này vào hoạt động.

Cùng trong tình trạng ì ạch như các cơ sở y tế, các trường ĐH ở Thủ đô trong danh sách di dời, ngoài trường ĐH Y tế công cộng thì đến nay, tất cả các trường vẫn trong tình trạng nguyễn y vân. Hay như trụ sở trường ĐH Quốc gia Hà Nội, mặc dù đã khởi công xây dựng tại Hòa Lạc từ ngày 20 – 12 - 2003, với tổng kinh phí ước tính đầu tư cho dự án là 7.320 tỷ đồng, dự kiến đến 2015 sẽ kết thúc dự án và chuyển 100% các đơn vị đào tạo lên cơ sở mới. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn còn dang dở.

Năm 2007, ĐH Bách Khoa Hà Nội được giao đất phía Tây Nam Hà Nội, nhưng khi tỉnh Hà Tây nhập vào Hà Nội vì có nhiều lý do nên dự án không được phê duyệt. Sau đó, ĐH Bách Khoa chuyển hướng xuống tìm quỹ đất sạch ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH có cơ sở vật chất khang trang ở ngoại thành và một số tỉnh lân cận lại bỏ hoang và thuê cơ sở vật chất ở nội thành Hà Nội để tổ chức đào tạo, lấy danh là cơ sở đạo tạo. Một ví dụ điển hình là ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội, được cấp đất ở xã Tiên Phong (Mê Linh – Hà Nôi), dự kiến hoàn thành vào năm 2014, thế nhưng đến nay trường này lại thuê lại 2 trụ sở của Cty CP Cầu Thăng Long để làm cơ sở đào tạo trong nội thành, còn cơ sở chính của họ lại bỏ hoang không xây dựng.

Chậm do nhiều nguyên nhân

Lý giải việc chậm trễ này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc di dời các trường học, cơ sở ô nhiễm chậm trễ là do chính sách ưu đãi về đất đai, thuế chưa phù hợp; thủ tục hành chính, việc lập hồ sơ thu hồi đất, chuyển nhượng, quyền sử dụng đất vẫn chưa linh hoạt. Nhưng nguyên nhân chính là các khu đất trong nội đô đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao cho nên các đơn vị chần chừ trong việc di dời, bàn giao đất cho TP.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội. Theo đó, với công tác di dời cơ sở y tế và giáo dục đào tạo, thực hiện quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Bộ Y tế đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 18-5-2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 17-2-2021, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy hoạch được duyệt.

Theo Bộ Xây dựng, việc di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường ĐH, BV từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô TP Hà Nội là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến tổ chức thực hiện còn chậm do nhiều nguyên nhân như: Có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan, ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời; quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn; sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015, Bộ Xây dựng cho rằng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình và biện pháp thực hiện; đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Cần thiết phải di dời Kỳ 1: Cần thiết phải di dời

Với hơn 8,4 triệu dân và khoảng 6,4 triệu phương tiện xe cơ giới, Hà Nội đã và đang đối mặt với những áp lực ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động