Kỳ 2: Ngậm trái đắng vì “ôm đất” dự án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgỡ có tương lai
Cứ cuối giờ chiều, ông Nguyễn Văn Bách, thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong lại cùng mấy ông bạn cùng thôn thong dong đạp xe tập thể dục trên con đường trải nhựa khá rộng. Mấy hố ga giữa đường bị kẻ xấu lấy mất nắp cũng không làm các ông bận tâm lắm, bởi 6 năm nay họ đã nhẵn mặt từng hố lõm nhẹ hay đoạn kè bê tông của con đường.
Giọng không khỏi tiếc nuối, ông Bách tâm sự: “Con đường nhựa vừa dài, vừa rộng như này tốt cho người dân trong thôn tập thể dục nhưng lại khổ cho cty nào đấy mà ông chưa biết tên, bởi đầu tư xong đường họ không có hoạt động gì cả. Ở xã Tiền Phong những cty như này nhiều lắm, có nơi chỉ làm được cánh cổng ra vào rồi im hơi lặng tiếng, có chỗ chủ đầu tư xây được mấy căn biệt thư rồi để đó mặc ngôi nhà tiền tỷ xây thô bị thời gian, rêu phong tàn phá”.
Tại huyện Mê Linh, nhiều tuyến đường được chủ đầu tư rải nhựa sau đó không triển khai được DA. Mặt đường thành nơi đi dạo và tập thể dục của người dân. Ảnh: K.H. |
Cuối giờ chiều, nhiều tuyến đường vắng lặng, những tấm bạt khổ lớn quảng cáo các DA bị gió xé rách như tăng thêm sự đìu hiu cho một quần thể DA những tưởng nhộn nhịp nhất Hà Nội.
Tháng 8- 2008, đánh dấu mốc quan trọng khi huyện Mê Linh từ tỉnh Vĩnh Phúc chính thức sáp nhập về Hà Nội. Nhưng trước đó, rất nhiều DA đã được phê duyệt. “Cò đất” từ nhiều nơi đổ về Mê Linh, đổ về các xã Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm… vẽ ra không biết bao nhiêu viễn cảnh về một khu đô thị sầm uất, hoành tráng sẽ án ngữ cửa ngõ phía Bắc Hà Nội. Người mua đất đầu cơ cũng tranh thủ cơn sốt đất kiếm cho mình một vài mảnh đất nếu không nằm trong DA thì cũng phải sát khu đô thị nào đó.
Vẫn trắc trở số phận hàng chục DA
10 năm sau, rất nhiều người đã ôm trái đắng vì hàng loạt DA không triển khai, có DA vẻ hoành tráng chỉ tồn tại trên bản vẽ, trên thực địa chỉ là bãi đất trống. Chị Trần Lan Anh, Cầu Giấy, Hà Nội kể lại, tháng 2-2010 chị ký hợp đồng góp vốn tại lô đất có diện tích 112m2 thuộc DA Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Thời điểm đó, mức giá giao dịch trên hợp đồng là 5.040.000 đồng/m2, ngoài ra chị Thu phải nộp tiền chênh lệch là 5 triệu/m2 (tổng số tiền chênh lệch của lô đất là 560 triệu đồng phải nộp ngay thời điểm ký hợp đồng).
DA thực hiện gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất; giai đoạn 2 góp vốn xây dựng công trình trên đất, nhà xây thô, hàng rào và cổng. Theo nội dung hợp đồng, trong giai đoạn I chị Lan Anh đã thanh toán 4 lần, tương đương 85% giá trị lô đất. Trong hợp đồng cũng thể hiện rõ: “Dự án trên với tiến độ thi công hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật vào cuối quý IV năm 2010 (giai đoạn I); nhà xây thô, cổng và hàng rào, hoàn thành vào quý IV năm 2011 (giai đoạn II)”. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 11 năm trôi qua, chị Lan Anh và nhiều khách hàng khác vẫn trong cảnh chờ đợi chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn I.
Tương tự, DA Khu đô thị Cienco 5 Mê Linh do Cty Xây dựng Công trình 547 thuộc Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư cũng làm khó nhà đầu tư. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, DA có tổng diện tích 499.472m2 nằm trên địa bàn ba xã Tiền Phong, Đại Thịnh và Mê Linh. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ ký hợp đồng góp vốn từ năm 2009 nhưng đến năm 2016 vẫn chưa thấy chủ đầu tư hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng và bàn giao đất, cấp sổ đỏ. Thậm chí, ở thời điểm đó các nhà đầu tư còn kêu gọi thành lập nhóm đấu tranh đòi quyền lợi với chủ đầu tư.
Những ngày này, DA Khu đô thị Minh Đức – Mê Linh, tên thương mại: Mê Linh Vista City nằm trên địa bàn xã Tiền Phong, chủ đầu tư là Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du Lịch Minh Đức cũng mang đầy câu hỏi về tính pháp lý. DA có tổng diện tích đất 173.563m2, gồm 3 tòa chung cư cao 14 tầng, 2 tầng hầm, diện tích 11604m2. DA cũng có 400 lô biệt thự đơn lập, song lập, liền kề thiết kế cao 3-4 tầng. Được giới thiệu rầm rộ cho sự ra mắt vào năm 2016 nhưng đến cuối năm 2020 DA vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng. Nhiều nơi trong khu đô thị vẫn đầy đất hoang với cỏ dại. Nhà chưa thấy đâu nhưng từ tháng 4-2020, đơn vị này đã trào bán căn hộ với giá dao động từ 19 – 25 triệu đồng/m2.
Hình thức bán hàng này tương ứng với loại hình trào bán căn hộ trong tương lai. Tuy nhiên, trong danh sách 33 đơn vị được Sở Xây dựng chấp thuận cho bán bất động sản trong tương lai đến quý II/2020 lại không có tên của Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du Lịch Minh Đức.
Năm 2019, Hà Nội công bố tại huyện Mê Linh có tới 60 dự án của hàng chục chủ đầu tư, “ôm giữ” hơn 2.000 ha đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không triển khai thi công, trong khi người dân không có đất để sản xuất, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, trên địa bàn xã Tiền Phong có 26 DA phát triển khu đô thị, với tổng diện tích gần 400 ha, trong đó có nhiều DA lớn như: Khu nhà ở để bán và cho thuê Hà Phong, Khu chức năng đô thị thung lũng hoa hồng, Khu nhà ở Minh Giang... đã thu hồi đất từ năm 2007 nhưng vẫn chưa triển khai.
Bước sang quý I năm 2021, báo cáo Đoàn Giám sát của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn huyện có 60 DA, trong đó có 47 DA đô thị và 13 DA khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140ha. Trong tổng số 47 DA đô thị đầu tư có 11 DA không phải điều chỉnh quy hoạch được tiếp tục triển khai ngay; 32 DA phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 2 DA mới phê duyệt nhiệm vụ, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 1 DA nằm trong quy hoạch mặt nước, Chủ đầu tư đã dừng triển khai dự án (Viettrasimex). Đến nay, UBND TP đã điều chỉnh quy hoạch được 15 DA, còn lại 17 DA chưa được điều chỉnh quy hoạch.
Trong tổng số 60 DA chậm triển khai đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện công tác điều chỉnh, đến nay UBND TP đã điều chỉnh chủ trương đầu tư được 7 DA, vẫn còn 53 DA chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư…
Quan điểm của huyện Mê Linh thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư các DA nhanh chóng triển khai thực hiện theo quy định. Đối với các chủ đầu tư không phối hợp triển khai thực hiện DA hoặc không đủ năng lực để đầu tư, kiên quyết báo cáo TP để thu hồi DA và giao cho chủ đầu tư khác có năng lực để thực hiện theo quy định.
Từ câu chuyện trên địa bàn huyện Mê Linh cho thấy, hàng loạt DA thật vẫn còn khó thực hiện. Còn ở thời điểm hiện tại, không ít DA chưa rõ ràng kiểu sân bay ở huyện Ứng Hoà hay quy hoạch hai bên sông Hồng chưa được công bố vẫn thu hút rất nhiều người bỏ tiền ra mua những lô đất mà chính người bán lẫn người mua không rõ tương lai vị trí cụ thể của nó ở chỗ nào, có chức năng gì trong quy hoạch.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Chóng mặt vì giá đất “nhảy múa” Dự kiến tháng 6-2021, Hà Nội mới công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, còn tại huyện Ứng Hoà việc xây dựng ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại