Thứ bảy 20/04/2024 08:00
Ôm mộng giàu nhanh, cái giá quá đắt:

Kỳ 2: Mê hồn trận của những chiêu thức khơi gợi giàu nhanh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thị trường tài chính chưa bao giờ là một sân chơi dễ dàng. Những người thắng được đôi ba nhịp đầu trên “sòng” tiền ảo đa phần là những người “bập” vào thị trường đúng giai đoạn phát triển rầm rộ nhất. Khi các “con bạc” đã say men chiến thắng, lan tỏa chiến thắng nhất thời đó sang bạn bè, người thân và đặt cược toàn bộ những gì đã có, những gì đã vay nợ được vào trò chơi thì sự sụp đổ bắt đầu.
Những tư vấn “lừa đảo” của Duy, Long, Khuê đã khiến gần 80 triệu đồng của chị Ngọc L “bay hơi” trong vòng 3 ngày
Những tư vấn “lừa đảo” của Duy, Long, Khuê đã khiến gần 80 triệu đồng của chị Ngọc L “bay hơi” trong vòng 3 ngày.

Lừa đảo tài chính là loại “lừa đảo đẳng cấp cao nhất”

Câu chuyện của chị Ngọc L, ở TP HCM là một ví dụ, một người tên Duy điện thoại liên tục mời chị tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán quốc tế nhưng do chưa tìm hiểu nên chị từ chối. Sau 3 tháng kiên trì đeo bám gọi nhiều cuộc điện mời chào, cuối cùng Duy cũng “dụ dỗ thành công”. Theo đó, Duy gọi điện mời chị L mua cổ phiếu của hãng BMW là một Cty ôtô danh tiếng của Đức. Kèm theo là nếu chị L đầu tư sẽ được chia cổ tức từ Cty tầm cỡ quốc tế này. Cứ mỗi năm, Cty ôtô BMW chia cổ tức một lần vào ngày 12/5.

Sẵn tiện trong tay đang có vốn, chị L đã nhận lời mở tài khoản với 31 triệu đồng trên sàn Trade Time và chuyển tiền thành công vào tài khoản ngân hàng của Cty TNHH Juz Sales. Ngay sau đó, chị nhận được một tài khoản trên ứng dụng Meta Trader 5 với số tiền trong tài khoản là 1.342,57 USD và thực hiện mua ngay 300 cổ phiếu BMW. Một người tên Long (tự giới thiệu là chuyên gia cùng chỗ với Duy, được phân công tư vấn giao dịch) điện cho chị L trách sao không chờ hướng dẫn mà mua như vậy thì “mức ký quỹ bị âm, tài khoản có thể out bất cứ lúc nào” và khuyên chị “sắp xếp 1.000 USD vào cho tài khoản an toàn”. Sau khi thấy chị L lo sợ lỗ, Long khuyên chị nộp vào thêm 2.000 USD nữa để “cứu được tài khoản và xử lý âm”.

Nghe lời Long, chị L vay nợ người quen thực hiện chuyển vào tài khoản của Cty TNHH Juz Sales thêm 46 triệu đồng nữa, được quy đổi ra là 1.992,2 USD và sau đó được Long hỗ trợ “khử âm” tài khoản. Hôm sau, Long báo cho chị L tài khoản thanh khoản” (tức rút tiền) 2.000 USD và đã báo lên trên để xử lý. Khoảng 30 phút sau, Long gọi chị L bán EURTRY (tỷ giá euro/lira Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng sau đó nói mua khối lượng 2.5 lot mã này gấp. Thấy khối lượng 2.5 lot cũng không nhiều nên chị L làm theo vì nghĩ nếu thanh khoản 2.000 USD thì vẫn còn tiền trong tài khoản để mua. Sau khi vào lệnh, tài khoản ngay lập tức hiện lên màu đỏ (tức lỗ), lúc này Long báo chị L bán gấp khối lượng 2.5 lot mã này. Chị L hoảng quá nên làm theo nhưng tài khoản vẫn bị âm.

Sáng hôm sau, một phụ nữ giới thiệu tên Khuê nhận là “quản lý cấp cao” của sàn giao dịch chứng khoán quốc tế Trade Time gọi điện cho chị L thông báo là “quan sát trên hệ thống thấy được tài khoản của chị đang bị âm và có nguy cơ mất hết”. Chị L cho biết tài khoản đang được Long tư vấn giao dịch và Khuê thông báo “Long đang bị kỷ luật đình chỉ 1 tuần vì tư vấn cho chị sai”. Khuê đưa ra 2 giải pháp: Một là nộp thêm 3.000 USD để “khử âm” tài khoản, còn không thì cắt lỗ. Bên sàn sẽ có người hỗ trợ sao cho việc cắt lỗ thấp nhất. Tạm thời sàn sẽ cho chị L vay 1.000 USD để tài khoản được an toàn và có đủ thời giam thu xếp tiền chuyển vào.

Nhận thấy dấu hiều lừa đảo, 1 ngày sau, chị L quyết định cắt lỗ và yêu cầu Khuê canh cắt lỗ giúp sao cho số lỗ ít nhất. Khuê cảnh báo là nếu cắt sẽ bị out tài khoản và mất hết tiền, lúc đó chị L không còn cách nào khác và xác nhận cắt. Khuê đồng ý rất nhanh và cắt lỗ cho chị L ngay sau đó. Chỉ chờ có thế, ngay lập tức tài khoản của chị L ngưng giao dịch và âm 1.000 USD. Vậy là toàn bộ số tiền gần 80 triệu đồng mất sạch chỉ trong 3 ngày giao dịch.

Mới đây vào ngày 25/2/2023, Sở TT&TT TP HCM đã phối hợp cùng CA lập biên bản vi phạm ngay tại sự kiện “Ngày hội đầu tư Info Finance” của Cty truyền thông sự kiện Thiên An. Sở TT&TT TP HCM cho biết, trước đó Cty Thiên An chỉ xin tổ chức một hội thảo thông thường về tài chính nên Sở đã cho phép theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên khi thực hiện, đơn vị tổ chức đã làm phát sinh những chiêu trò như nhân viên tư vấn một số sàn giao dịch mời chào khách tham quan giao dịch vàng, ngoại hối, chơi cổ phiếu quốc tế... “bao lời”, kèm các hứa hẹn hấp dẫn.

Theo nhận định của GĐ Tư vấn đầu tư một Cty chứng khoán, lừa đảo tài chính vốn là loại “lừa đảo đẳng cấp cao nhất” trong các loại lừa đảo vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, thậm chí am hiểu tâm lý học giúp đánh giá con mồi chính xác để một khi đã ra chiêu thì gần như không ai từ chối được. Họ tinh vi đến nỗi nhiều người bị lừa vẫn không biết mình bị lừa và còn khen ngược lại đối tượng lừa mình. Kẻ lừa đảo thường cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro, và trả lãi ngay lập tức khi “con mồi” đóng tiền. Lợi nhuận được hứa hẹn ổn định bất kể điều kiện thị trường. Bao lỗ, bao “cháy” tài khoản, “mất em đền cho”, tuy nhiên chưa ai nhận được đền bù.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần phát đi cảnh báo rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần phát đi cảnh báo rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Người chơi có giỏi mấy cũng vẫn thua nhà tạo lập thị trường

Theo một khảo sát mới đây, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có tỉ lệ người nắm giữ tiền điện tử, tiền ảo nhiều nhất thế giới. Đa số những người sở hữu tiền ảo đều là người trẻ tuổi từ 18 đến 34. Số lượng này chiếm khoảng 40%.

Ma lực nào khiến tiền ảo thu hút cả những người tỉnh táo nhất, những người giỏi giang nhất và đặc biệt, cả những người làm ngành công nghệ vốn dĩ không quá quan tâm đến đầu tư?

Gốc rễ vấn đề có lẽ phải bắt đầu từ giấc mơ công nghệ của giới trẻ. Blockchain xuất hiện gây xôn xao cộng đồng tài chính, công nghệ. Ứng dụng của blockchain vào sản xuất, giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, bán lẻ... là điều dễ nhìn thấy được. Giấc mơ công nghệ được khơi dậy và nhiều cá nhân am hiểu công nghệ, startup đã nhảy vào sân chơi thú vị, mới mẻ này.

Cũng lúc đó, Bitcoin-thứ tiền ảo được tạo ra bằng công nghệ blockchain-được tung hô mạnh mẽ. Khái niệm blockchain và Bitcoin dần bị đánh đồng. “Chủ sòng bạc” kiêm “cao thủ lừa đảo” đã lợi dụng đam mê tìm hiểu những điều mới mẻ của dân công nghệ để quảng bá tiền ảo. Hàng loạt người từ mê công nghệ, tìm hiểu về những sản phẩm tài chính mới đã vô tình biến mình trở thành con bạc trên “sòng” tiền ảo. Ban đầu đa phần chỉ mở tài khoản đầu tư thử tiền ảo cho biết. Dần dần, họ bị cuốn giữa đam mê học hỏi và đam mê kiếm tiền nhanh kiểu công nghệ.

Thời kỳ đầu, đầu tư vào tiền ảo giống như “việc nhẹ thu nhập cao”, với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, chỉ cần chọn cửa đúng là người chơi đã có thể kiếm tiền tỷ dễ dàng mà chẳng mất quá nhiều mồ hôi, nước mắt. Sự hứng khởi biết thêm điều mới mẻ kèm những đồng tiền dễ kiếm khiến nhiều người u mê trong chuỗi các vấn đề càng lúc càng mới lạ. Một số người mê hoặc và lan truyền sự mê hoặc đó cho những người xung quanh. Và rồi, tiền ảo như một con virus, lan truyền từ người này sang người khác một cách nhanh chóng.

Theo các chuyên gia, người chơi có giỏi mấy thì cũng thua nhà tạo lập thị trường, nghĩa là mua cũng thua, bán cũng thua. Điển hình là câu chuyện Luna khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay chỉ sau một đêm. Khi không ai nghĩ rằng một đồng stablecoin (đồng ổn định) lại giảm xuống dưới 1 USD, hay đồng tiền mã hóa thuộc hàng top và được rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng lại có thể chia triệu lần. Nhưng điều đó vẫn xảy ra. Nhiều người vì lòng tin mơ hồ đã rót cả gia tài vào bắt đáy Luna với sự tự tin không buồn đặt lệnh stoploss thì sau một đêm, tài khoản tiền tỷ chỉ còn lại tiền đủ mua cốc trà đá.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần phát đi cảnh báo rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Nhưng, như thế đã đủ chưa? Bởi việc đầu tư tiền ảo ở Việt Nam đã trở nên phổ biến đến mức giới trẻ hầu như ai cũng biết. Dòng tiền từ túi người Việt đã và đang đi ra khỏi Việt Nam theo các sòng tiền ảo và cách nào để quản lý chặt và ngăn chặn nguy cơ.

(Còn nữa)

Câu chuyện mới với những chiêu trò cũ
Cảnh báo chiêu lừa đảo mới nhất, người dân cần thận trọng trước những cuộc gọi lạ
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động