Kỳ 2: Khoác vỏ bọc sang trọng để... giăng bẫy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Phạm Thị Huyền Trang và các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị công an bắt giữ vào tháng 1/2025. Ảnh: CQCA |
Khi các “nam thanh, nữ tú” dùng đủ các chiêu trò lừa đảo
Cuối tháng 1/2025, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá đường dây lừa đảo xuyên biên giới, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo hơn 13.000 người từ tháng 5/2024 đến khi bị triệt phá. Chỉ riêng tại tỉnh Bắc Ninh đã có 300 bị hại với số tiền chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng. Băng nhóm lừa đảo này được xác định hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia.
Thủ đoạn của chúng là giả danh Công an, cán bộ ngành thuế, điện lực, giáo dục... rồi gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế… Sau đó, các bị hại sẽ bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và rút tiền từ tài khoản ngân hàng.
Đáng chú ý, người đóng vai trò quản lý cấp cao với nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo và huấn luyện các nhân sự lại là Phạm Thị Huyền Trang, một cô gái mới 26 tuổi, quê ở Hải Phòng.
Huyền Trang được biết đến là một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, biết tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung và có tư duy sắc bén. Nhưng thay vì dùng khả năng của mình để làm những công việc chân chính, cống hiến cho xã hội, Trang lại dùng “chất xám” của mình để lên các kịch bản lừa đảo hoàn hảo, sát thực tế, khiến người dân mất cảnh giác và dễ rơi vào bẫy.
![]() |
Mr. Pips – Phó Đức Nam trước khi bị bắt giữ. Ảnh: FBNV |
Các kịch bản này đánh mạnh vào tâm lý của người dân, giả danh tòa án, Công an, thuế để dọa nạt hoặc hỗ trợ xác minh giấy tờ. Chúng còn yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng độc hại lên điện thoại để chiếm quyền sử dụng và rút tiền. Những kịch bản tinh vi mà Phạm Thị Huyền Trang dựng lên đã khiến cả chục nghìn người sập bẫy, gây ảnh hưởng tới rất nhiều người khi các cuộc gọi lừa đảo diễn ra hàng ngày.
Sự manh động, lươn lẹo và bài bản của cô gái trẻ này với thu nhập “khủng” từ những chiêu trò lừa đảo khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Trước đó, TikToker Phó Đức Nam, còn được biết đến với cái tên Mr. Pips (30 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu), cũng đã lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán. TikToker này núp dưới danh nghĩa công ty và trang mạng hoạt động trong lĩnh vực telemarketing (tiếp thị qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính và môi giới chứng khoán với nhiều mã cổ phiếu quốc tế như: Facebook, Apple… để thực hiện hành vi bất chính.
Phó Đức Nam cùng đồng phạm đã dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng rồi mời tham gia các sàn giao dịch, tư vấn đánh lệnh lớn, sử dụng đòn bẩy tài chính để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của họ.
Công an xác định có hơn 2.600 bị hại trên toàn quốc và đã phong tỏa khối tài sản khổng lồ. Phó Đức Nam từng được xem là một tài năng, có học vấn cao, từng nhận học bổng toàn phần của một trường đại học tại Singapore, được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, thành thạo ngoại ngữ với IELTS 8.5, có thể giao tiếp với người nước ngoài mà không cần phiên dịch.
![]() |
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên biên giới bị triệt phá hồi tháng 8/2024. Ảnh: Công an Hà Tĩnh |
Từ nạn nhân của lừa đảo trở thành kẻ lừa đảo
Tháng 8/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm mua bán người Bộ Công an Lào, Công an đặc khu kinh tế tại tỉnh Bò Kẹo, đại diện cảnh sát Việt Nam tại Lào, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và các đơn vị nghiệp vụ khác đã đấu tranh, triệt phá thành công tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người và lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn, bắt giữ 155 nghi phạm người Việt Nam đang hoạt động tại tỉnh Bò Kẹo (Lào).
Tang vật thu giữ gồm gần 100 quyển hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, 18.900 nhân dân tệ, hàng chục máy tính, gần 500 điện thoại cùng hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ và các công cụ, tài liệu khác dùng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trong đường dây này, nhiều người bị bắt từng là nạn nhân. Nhưng mọi chuyện bắt đầu từ hy vọng hão huyền về những công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao, thay vì tìm kiếm công việc phù hợp và thực tế hơn. Dù đã có nhiều cảnh báo rủi ro được đăng tải khắp nơi trong những năm qua, họ vẫn không quan tâm.
Tại cơ quan Công an, đối tượng Đinh Văn Châu, một tổ trưởng trong đường dây lừa đảo nói trên, cho biết trước đây từng đến tỉnh Bò Kẹo làm việc và quen biết một người bạn. Người này gợi ý sẽ mở công ty riêng và rủ Châu cùng đến làm việc.
![]() |
Tài liệu hướng dẫn cách thức lừa đảo thu giữ được của các đối tượng. Ảnh: Công an Hà Tĩnh |
Thời gian đầu, Châu làm việc như một nhân viên bình thường và không biết công việc này là bất hợp pháp. Sau đó, công ty trả lợi nhuận và thăng chức để giữ chân Châu. Do ký hợp đồng lao động, nên nếu muốn nghỉ việc, Châu phải đền bù hợp đồng với số tiền 70 triệu đồng.
Khi được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng, Châu chịu sự quản lý của "sếp" và "cấp trên". Nhiệm vụ hằng ngày của Châu là giám sát và đôn đốc các nhân viên làm việc.
"Khi được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi sẽ thông báo lại cho các nhân viên trong tổ. Tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao theo ngày hoặc tuần, các nhân viên sẽ được phân công kết bạn trên mạng xã hội, phải có số lượng khách hàng mới trong ngày" – Đinh Văn Châu khai.
Theo Đinh Văn Châu, mỗi ngày một nhân viên phải tương tác với ít nhất hai khách hàng mới. Những khách hàng này chủ yếu là phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Mục đích là tạo lòng tin, sau đó dẫn dụ họ vào các ứng dụng do công ty phát triển để đầu tư và chiếm đoạt tài sản.
Nhân viên trong đường dây này tìm kiếm khách hàng dựa trên một tài liệu công ty cung cấp, trong đó ghi rõ quy trình tiếp cận, làm quen và phát triển mối quan hệ với khách hàng sao cho tình cảm ngày càng sâu đậm, nhằm dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.
Một người phụ nữ trong đường dây lừa đảo vừa bị công an triệt phá khai, khi được giới thiệu vào làm việc được hứa trả lương mỗi tháng 5.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên hai tháng đầu không có doanh thu, bị phạt, nên tổng số tiền nhận được là 4.000 nhân dân tệ. Hàng ngày được quản lý và tổ trường giao cho các Facebook ảo để đi nói chuyện với những phụ nữ trung niên ở Việt Nam. Các Facebook ảo thể hiện là những doanh nhân thành đạt, giàu có, thường xuyên đăng tải hình ảnh ăn chơi ở những nơi sang trọng. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Lừa đảo luôn thay đổi theo xu hướng thời sự |
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250124154516)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại