Kỳ 2: Giải phóng mặt bằng kiểu không đồng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp được xây dựng từ những năm 1980 của thế kỉ trước gồm 2 dãy nhà. Bước sang năm 1990 phía nhà trường và địa phương tiếp tục xây thêm 1 dãy nhà nữa, nâng tổng số các căn hộ thành 20 nhà. Tiêu chuẩn để mỗi hộ giáo viên được sử dụng căn hộ phải đảm bảo, đó là hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, đông con, không có nhà ở, nhà xa trường… Sau khi các giáo viên làm đơn phải được Ban giám hiệu và Công đoàn nhà trường họp xét duyệt.
20 hộ dân, có 7 hộ gia đình chính sách (2 con thương bình, 2 con liệt sỹ, 2 vợ nạn nhân chất độc dan cam, 1 vợ bộ đội). Năm 2015, các hộ giáo viên gửi đơn tới UBND huyện Gia Lâm xin được mua nhà theo NĐ61-CP. Danh sách ở thời điểm đó thể hiện, có 3 giáo viên đã nghỉ hưu, 1 giáo viên đã mất, 1 đã chuyển công tác và 15 giáo viên đang công tác tại Trường tiểu học Ninh Hiệp và Trường THCS Ninh Hiệp. Vì là nhà cấp bốn, xây dựng lâu năm lại không được chính quyền tạo điều kiện cho xây mới hay sửa chữa tổng thể nên chúng ngày một xuống cấp.
Một trưa hè oi ả tháng 5, tiếp chúng tôi trong trong gian nhà tối om, cô giáo Nguyễn Thị Thơm không khỏi lung túng vì chưa biết mời khách ngồi chỗ nào vì lòng nhà quá hẹp. Không chỉ nhà cô Thơm, ở đây nhà nào cũng chật hẹp, tạm bợ như vậy, hễ trời mưa lại phải huy động chậu, xô để hứng dột. Cô Thơm kể: “Bản thân rất hoang mang khi nghe xã đọc thông báo trên loa yêu cầu cô và các hộ giáo viên khác phải di dời. Biết đi đâu khi cả nhà chỉ có chỗ ở này”.
Chật chội, tạm bợ là cảnh sống diễn ra hàng ngày tại Khu tập thể giáo viên. Ảnh: K.H |
Chồng cô, chú Lê Phúc Tuất từng là chiến sĩ tham gia trận đánh tại Quảng Trị, về phục viên với chứng nhận nhiễm chất độc da cam. Trong câu chuyện với khách, chú Tuất hào sảng kể về những trận đánh đầy cam go, ác liệt của thời xa vắng như muốn quên đi những nghiệt ngã của cuộc sống hiện tại, của những văn bản thu hồi đất, bắt dân di dời đi chỗ khác của chính quyền huyện và xã.
Cô Thơm, cô Lạng và những giáo viên khác không khỏi ánh lên niềm tự hào bởi trong suốt cuộc đời “chèo đò” trên bục giảng đã góp phần giúp không ít học sinh có cuộc sống ổn định, giúp ích cho đời. Trong số các học sinh thành đạt ấy, có ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã và Nguyễn Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp. Để rồi một ngày tháng 3 các cô lại được nghe chính thông báo yêu cầu phải di dời ra khỏi nhà từ học trò của mình.
Làm việc với PV, ông Tuấn giải thích việc yêu cầu các hộ giáo viên di dời đi nơi khác giờ ngoài thẩm quyền của xã nên muốn rõ phải hỏi huyện. Ông Tuấn đã quên rằng, ngày 21-9-2020 chính UBND xã đã làm báo cáo gửi tới UBND huyện Gia Lâm đề xuất thu hồi đất của Khu tập thể giáo viên Trường tiểu học và THCS Ninh Hiệp để thực hiện một DA mơ hồ. Bởi như thừa nhận của ông Tuấn với báo chí, DA này vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng. Sau sự tưởng như vô can ấy, chính ông Tuấn là người kí văn bản bác bỏ việc khiếu nại Thông báo ngày 15-3-2021 được ông chỉ đạo nhân viên đọc trên hệ thống loa truyền thanh yêu cầu các thày cô phải di dời đi chỗ khác.
Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, với những thông báo, văn bản kiểu nửa công khai, nửa bí mật khi muốn thu hồi đất của dân nhưng lại không cho dân xem nội dung văn bản, rõ ràng UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Ninh Hiệp đang muốn thu hồi đất của dân kiểu không đồng. Nghĩa là chẳng mất chi phí lớn về đền bù vẫn thu hồi được đất, giải phóng được mặt bằng. Về trình tự của một DA nếu có thật cũng không bao giờ có chuyện chỉ ra một thông báo là xong mà bỏ đi quy trình thông báo DA, làm việc với người bị thu hồi, lên kế hoạch kiểm đếm, đền bù…
Đương nhiên, ở những DA đàng hoàng, nếu người dân đồng thuận thì không nói. Còn nếu không đồng thuận, người dân vẫn có quyền làm đơn phản ánh, thậm chí là đơn tố cáo, khiếu nại và khởi kiện ra toà.
Chính vì vậy, việc UBND xã Ninh Hiệp mà người đứng đầu là ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã ban hành Thông báo số số 76/TB-UBND rồi cho đọc công khai trên loa, trong đó có viện dẫn hai văn bản của UBND huyện Gia Lâm nói về một DA mà các hộ dân không hề được biết. Cùng với đó, UBND xã chống lệnh khi không gửi văn bản cho dân như chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm thì người dân hoàn toàn có căn cứ khiếu nại Thông báo số 76/TB-UBND.
Luật sư Thu cho rằng, ngày 28-4-2021, ông Nguyễn Văn Tuấn ban hành tiếp Thông báo số 119/TB-UBND về việc không thụ lý đơn khiếu nại của các hộ dân, tiếp đó viện dẫn ra các quy định mật để không cung cấp thông tin, tài liệu DA là đi ngược với Luật khiếu nại. Đề nghị UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Ninh Hiệp huỷ bỏ ngay Thông báo số 119/TB-UBND của UBND xã Ninh Hiệp, trả lời dân theo đúng luật định.
Việc UBND huyện Gia Lâm ban hành một văn bản kiểu chung chung, yêu cầu dân di dời để thực hiện một DA mơ hồ cũng không đúng các quy định của pháp luật.
DA mơ hồ nhưng hơn 1.000m2 đất đang được các giáo viên sử dụng lại chẳng mơ hồ chút nào, nó nằm liền kề ngay với khu thương mại, chỉ cần GPMB xong là khớp nối được ngay. Nếu tính giá đất theo thị trường ở xã Ninh Hiệp, nghe đâu chỗ đó cũng thuộc diện vài nghìn tỷ đồng. Câu hỏi ở đây, liệu có lợi ích nhóm không và ai sẽ hưởng lợi sau khi các hộ giáo viên bị đẩy đi nơi khác?
(Còn nữa)
Kỳ 1: Một loạt nhà đầu tư gửi đơn tới cơ quan điều tra |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại