Kỳ 2: Đồng lòng cùng chính quyền “đổi màu” khu vực phong tỏa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGần 2 tháng trong vùng phong tỏa
Ngày 19-7, xã An Thượng, huyện Hoài Đức ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại ngõ 29 đường An Hạ 1, xóm Ngò, thôn An Hạ. Nhận định đây là ổ dịch phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, xã An Thượng đã ra thông báo cách ly y tế toàn bộ khu vực này với 472 hộ, 1763 nhân khẩu. Vài ngày sau đó, trên địa bàn xã tiếp tục ghi nhận các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 nên đến 12g15 phút ngày 23-7, xã An Thượng đã phong toả, cách ly toàn bộ 3 thôn Đào Nguyên, Ngự Câu, An Hạ với 3.570 hộ, 13.851 nhân khẩu.
Chốt kiểm soát phong tỏa xóm Ngò luôn có lực lượng dân phòng túc trực. |
Tới ngày 9-8, xã An Thượng dỡ bỏ phong tỏa 3 thôn Đào Nguyên, An Hạ, Ngự Câu chuyển về giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Ngày 19-8, qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại xóm Ngò, thôn An Hạ lại phát hiện ca F0, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân là F1 phải đi cách ly tập trung. Ngay trong ngày 19-8, xã An Thượng tiến hành phong tỏa thôn An Hạ, vài ngày sau, thu hẹp khu vực phong tỏa chỉ còn xóm Ngò, thôn An Hạ.
Đến ngày 4-9, qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, xóm Ngò ghi nhận 7 ca nhiễm Covid-19, xã An Thượng đã tiếp tục phong tỏa xóm Ngò 15 ngày từ ngày 6-9 đến 21-9.
Là một công dân ở xóm Ngò với gần 2 tháng trong vùng phong tỏa, chị Phó Thị Xuyên (48 tuổi) cho biết, nhà chị có 3 người, ngay từ khi xóm Ngò có ca nhiễm Covid-19, gia đình chị đã tuân thủ quy định, chỉ ở trong nhà, không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Chị Xuyên cho biết thêm, ở trong vùng phong tỏa lâu, chị rất lo lắng, mỗi lần đi xét nghiệm lại lo khu vực xóm phát hiện ca mới thì không biết đến bao giờ mới hết dịch.
“Lần lấy mẫu xét nghiệm gần đây, gia đình tôi nằm trong 2 ống xét nghiệm gộp đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi nghe thông tin, cả nhà tôi rất lo lắng, mọi người trong nhà đều không đi đâu thì sao mắc Covid-19 được. Thế rồi kết quả lấy mẫu riêng đã giúp chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, 3 người trong gia đình tôi đều âm tính”, chị Xuyên chia sẻ.
Theo chị Xuyên, để phòng ngừa và hạn chế lây lan dịch bệnh, mỗi người phải có ý thức, tuân thủ 5K, quy định vùng phong tỏa, khai báo y tế... Chị mong muốn chính quyền địa phương có quyết sách truy tìm và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để xóm Ngò được “đổi màu”, chuyển từ vùng đỏ sang xanh.
Chia sẻ về lương thực thực phẩm cho gia đình, chị Xuyên cho hay, lần phong tỏa đầu tiên gia đình chị đã chuẩn bị được thực phẩm nhưng thời gian phong tỏa dài, chị phải mua thêm mới đảm bảo lương thực thực phẩm cho gia đình. Chị Xuyên thường nhờ người quen mua giúp hoặc đặt hàng trong nhóm trên mạng xã hội, người bán sẽ giao tại chốt kiểm soát dịch của thôn và tại đây có đội tình nguyện sẽ giao giúp thực phẩm vào từng nhà người dân, mọi người không phải ra đường.
Ngoài ra, từ khi bị phong tỏa, xóm Ngò cũng được chính quyền địa phương, các mạnh thường quân đến ủng hộ lương thực thực phẩm như gạo, rau, trứng...
Nên bó hẹp vùng phong tỏa
Cùng trong vùng phong tỏa xóm Ngò, anh Nguyễn Ngọc Tùng (29 tuổi) chia sẻ, khi biết xóm có ca F0, anh đã di chuyển về nhà ngay và ở nhà tuân thủ quy định phong tỏa.
Người dân xóm Ngò cùng lực lượng chức năng lấy mẫu vào 1g30 sáng. |
Khi về nhà, anh lên mạng đọc thông tin, tìm hiểu về dịch bệnh để hiểu biết, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh tiếp xúc, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người khác.
“Tôi mong muốn chính quyền địa phương nghiên cứu bó hẹp khu vực cách ly hơn nữa bởi trong thôn có nhiều khu vực không liên quan đến dịch bệnh”, anh Tùng nói.
Theo anh Tùng, ngoài việc chính quyền địa phương cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa thì cũng cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ chi trả cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Khoản kinh phí không nhiều nhưng sẽ giúp ích rất nhiều người khó khăn trong thời gian này.
Anh Tùng cũng đề xuất, với vùng phong tỏa nên để người dân mua đồ 2 lần một tuần hoặc giao hàng 2 lần một tuần vì chỉ như thế mới hạn chế được “tiếp xúc” từ bên ngoài vào trong khu phong tỏa. Tiếp xúc ở đây có thể ở túi đựng hàng thực phẩm, hàng hóa,...
Anh Hoàng Quốc Hải (29 tuổi) cho hay, những ngày bị phong tỏa, tổ Covid cộng đồng thường xuyên vận chuyển gạo, rau, trứng, sữa, mỳ tôm… từ các nhà hảo tâm, chính quyền đến từng nhà dân. Gia đình anh đã nhận được khoảng 20kg gạo, hơn 10 lần rau củ, quả. Bên cạnh đó, xã cũng yêu cầu thôn rà soát các trường hợp neo đơn, hộ gia đình khó khăn để có sự quan tâm đặc biệt hơn.
Anh Hải tin tưởng khu vực phong tỏa sẽ sớm được gỡ bỏ và mong muốn, xã An Thượng nên bó hẹp vùng phong tỏa, chỉ phong tỏa ngõ phát hiện ca nhiễm Covid-19 thay vì phong tỏa cả xóm như hiện nay.
Kỳ 1: Đội tình nguyện xóm Ngò “mua việc” trong khu phong tỏa để người dân ở nhà Những ngày này, khi dịch bệnh vẫn phức tạp, họ luôn sẵn sàng "xắn tay áo", tham gia các hoạt động xã hội, góp phần ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại